Assad: Bức ảnh chấn động nhất về chiến sự Syria năm nay là bịa đặt

Linh Nguyễn |

Tổng thống Syria Bashar al-Assad mới đây đã tuyên bố rằng, bức ảnh bé trai 5 tuổi Omran Daqneesh với ánh mắt vô hồn sau một vụ không kích vào Aleppo, là giả.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Thụy Sĩ SRF vào thứ Tư (19/10), ông Assad cho hay bức ảnh gây phẫn nộ cho dư luận toàn thế giới là tác phẩm bịa đặt của tổ chức cứu hộ tình nguyện ở Aleppo có tên White Helmets (Mũ Trắng).

Trả lời phóng viên đài SRF, tổng thống Syria nói: "Tôi muốn anh lên mạng xem bức ảnh của cậu bé đó ngồi cạnh chị mình."

"Hai đứa trẻ được cứu hai lần, trong hai vụ đánh bom khác nhau, nhưng đều nằm trong kế hoạch truyền thông của tổ chức White Helmets."

Assad cho biết thêm: "Chẳng có vụ nào là thật cả. Hoàn toàn có thể dàn dựng được, và vụ này thật sự đã bị dàn dựng. Chúng tôi cũng có những tấm ảnh trẻ em bị thương. Nhưng bức ảnh này là giả."

Assad: Bức ảnh chấn động nhất về chiến sự Syria năm nay là bịa đặt - Ảnh 1.

Bé Omran bên chị gái được cứu thoát. Người anh trai 10 tuổi của hai bé đã thiệt mạng sau khi được đưa vào bệnh viện. Ảnh: Getty

Theo The Independent, tổ chức White Helmets vừa được đề cử giải Nobel Hòa bình năm nay, và bao gồm khoảng 3,000 người hoạt động trong các vùng bị quân nổi dậy chiếm đóng ở Syria. Kể từ 2013, có hơn 40,000 nạn nhân đánh bom đã được White Helmets cứu thoát khỏi đống đổ nát.

Trong video và bức ảnh lan truyền trên Internet, bé Omran Daqneesh được nhân viên White Helmets bế lên từ một ngôi nhà bị sập, và đặt ngồi trên ghế trong xe cứu thương. Vẻ mặt của Omran thất thần, ánh mắt vô hồn nhìn về phía trước, tay lau vết máu trên trán.

Chính quyền Syria chối bỏ trách nhiệm vụ không kích đã khiến 9 người thiệt mạng hồi tháng 8, trong đó có anh trai 10 tuổi của Omran.

Thế nhưng vợ của tổng thống Assad là bà Asma lại không bác bỏ tính xác thực của bức ảnh này.

Tạp chí TIME đưa tin, trong bài phỏng vấn hiếm hoi với truyền thông Nga vào thứ Ba (18/10), khi phóng viên nhắc đến bức ảnh Omran, bà Asma tận dụng cơ hội đó để chỉ trích phương Tây vì đưa tin một chiều, chứ không hề khẳng định bức ảnh cậu bé 5 tuổi là giả mạo.

Thêm vào đó, AP đã phỏng vấn chính tác giả của bức ảnh gây tranh cãi là phóng viên ảnh Mahmoud Raslan. Anh cho biết mình đã chứng kiến cái xác bất động của tới 3 đứa trẻ trước khi một nhân viên cứu hộ trao Omran cho anh, rồi Raslan lập tức đưa cậu bé cho nhân viên y tế và người này gấp gáp đặt bé vào xe cứu thương.


Bé Omran sau khi được nhân viên y tế chăm sóc vết thương. Ảnh: telegraph.co.uk

Cũng theo AP, người y tá đã chăm sóc vết thương cho Omran nói cậu bé "như đang mê man, tuy không bất tỉnh nhưng hồn xiêu phách lạc". Thật may mắn là Omran chỉ bị chấn thương bên ngoài, và sau đó đã được xuất viện.

Lời cáo buộc của Tổng thống Syria đi ngược lại lời của nhiều nhân chứng có mặt tại hiện trường vào thời điểm đó, cũng như các nhân viên y tế đã trực tiếp chăm sóc cho Omran.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại