Mới đây, tờ Asia Times đăng tải bài phân tích của tác giả Pepe Escobar với nhan đề: "Who profits from the Beirut blast?" (tạm dịch: Kẻ nào đã gặt hái lợi ích sau vụ nổ Beirut?).
Nhằm đem lại cho độc giả một cái nhìn cực kỳ sắc bén và thuyết âm mưu liên quan tới vụ nổ kinh hoàng ở thủ đô Lebanon (Li-băng), chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Ông Trump đã "để xổng mèo ra khỏi bị" sau vụ nổ Beirut?
Cho tới thời điểm hiện tại, cái gọi là "sự cẩu thả và tham nhũng" của chính quyền Lebanon đang dần được định vị thành nguyên nhân của vụ nổ Beirut, ít nhất là trên truyền thông phương Tây.
Tuy vậy, khi quyết tâm "đào sâu" hơn vào vấn đề, chúng ta thấy rằng các cáo buộc nói trên đã được khai thác triệt để với mục đích phá hoại.
Từ lâu Lebanon đã là nơi mà các tổ chức tình báo nước ngoài hoạt động "dày đặc". Ngoài các cơ quan tình báo nổi tiếng Đông - Tây, đây cũng là nơi mà các điệp viên của Arab Saudi, tình báo Syria, đặc vụ Mossad Israel xen kẽ với nhau.
Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng sau khi vụ nổ tại cảng Beirut diễn ra hôm 4/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố "sự cố giống như một cuộc tấn công khủng khiếp".
Mặc dù sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper dẫn ý kiến các chuyên gia quân sự tin rằng vụ nổ lớn là một tai nạn, không phải là một vụ tấn công, nhưng có vẻ người đứng đầu Nhà Trắng đã "let the cats out of the bag" (để xổng mèo ra khỏi bị - ý nói vô tình tiết lộ bí mật).
Điều đáng chú ý là theo một bài viết của hãng thông tấn Iran Mehr, 4 trinh sát cơ của Hải quân Mỹ đã được phát hiện gần Beirut vào thời điểm xảy ra vụ nổ.
Tổng thống Trump cho rằng, vụ nổ ở thủ đô Beirut của Lebanon giống như một “cuộc tấn công kinh khủng” (Ảnh: AP).
Tại sao 2.750 tấn hóa chất vô tình bị "quên" ở Beirut?
Chúng ta hẳn đã biết con tàu Rhosus chở 2.750 tấn hóa chất amoni nitrat vì một lý do nào đó đã thay đổi hành trình từ cảng Batumi của Georgia (Gruzia) tới Mozambique và đến Beirut vào tháng 9/2013.
Chủ nhân của nó, một doanh nhân mờ ám có tên Igor Grechushkin, người sinh ra ở Nga và có quốc tịch Cyprus (đảo Síp) tự dưng "mất hứng thú" với lô hàng tương đối có giá trị của mình, thậm chí không cố bán nó để trả nợ khi con tàu bị nhà chức trách Lebanon bắt giữ.
Thủy thủ đoàn của con tàu hoàn toàn không nhận được tiền công từ Grechushkin, và chỉ ở lại Beirut thêm vài tháng trước khi hồi hương vì lý do nhân đạo.
Năm 2013 là thời điểm chiến trường Syria trở nên nóng bỏng, nếu "xâu chuỗi" các sự kiện này với nhau,chúng ta thấy đây có thể là một hoạt động "vỏ bọc" nhằm đưa amoni nitrat tới tay "phiến quân ôn hòa".
Amoni nitrat có thể được sử dụng để chế tạo xe bom, hay chính xác hơn là SVBIED - Xe gắn thiết bị nổ tự chế của phiến quân như những gì đã diễn ra trong cuộc tấn công và thảm sát binh lính Syria phòng thủ bệnh viện Al-Kindi ở thành phố Aleppo tháng 12/2013.
Từ năm 2014 đến năm 2017, các lá thư từ các quan chức hải quan cũng như các phương án đề xuất để loại bỏ loại hàng hóa nguy hiểm (xuất khẩu hoặc bán cho các nhà sản xuất phân bón) đều không nhận được câu trả lời từ cơ quan tư pháp Lebanon.
Khi Thủ tướng Lebanon Hassan Diab tuyên bố: "Những kẻ chịu trách nhiệm sẽ phải trả giá", điều này rõ ràng là cần thiết.
Theo ông Amir Mousavi, cựu quan chức ngoại giao Iran và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế ở Tehran, cả thủ tướng, tổng thống và các bộ trưởng Lebanon đều hay không biết rằng trái "IED (thiết bị nổ tự chế) khổng lồ" đang được đặt ở giữa thủ đô.
Xe bom (VBIED) của nhóm khủng bố Jabhat al-Nursa phát nổ tại bệnh viện Kindi, Aleppo ngày 20/12/2013. Vụ nổ khiến 20 lính chính phủ thiệt mạng ngay lập tức, những người bị thương sau đó bị bắt sống và hành quyết hàng loạt.
Amoni nitrat có dễ cháy nổ hay không?
Amoni nitrat được đánh giá là một nguyên liệu nổ khá ổn định.và được cho là một trong những chất nổ an toàn nhất được sử dụng trong khai mỏ.
Amoni nitrat nguyên chất tiếp xúc với lửa sẽ không dễ phát nổ, nó chỉ trở nên nguy hiểm khi bị "ô nhiễm" - trong trường hợp các nhóm vũ trang chế tạo IED là trộn với nhiên liệu (thường là dầu Diesel) hoặc nóng tới mức phải diễn ra các thay đổi hóa học.
Tại sao sau 7 nằm nằm trong cảng Beirut, lô hàng "tồn kho" này đột nhiên "cảm thấy ngứa ngáy" muốn nổ tung?
Cho đến nay, lời giải thích cơ bản nhất của chuyên gia phân tích về Trung Đông Elijah Magnier cho rằng thảm kịch được "châm ngòi" theo nghĩa đen bởi một thợ hàn gần với số hóa chất.
Tuy nhiên, kịch bản này không giải thích được vụ nổ được cho là do "pháo hoa" trước đó.
Và chắc chắn không giải thích được điều mà truyền thông phương Tây không nhắc tới là các vụ cháy có chủ đích tại một khu chợ của người Iran ở Ajam, UAE và đám cháy kho nông sản ở Najaf, Iraq liên tiếp diễn ra ngay sau thảm kịch tại Beirut.
Bức ảnh công nhân đang hàn cửa nhà kho ngay cạnh những túi nặng nửa tấn chứa chất amoni nitrat (Ảnh: Twitter).
"Khét tiếng" như Mossad cũng mắc sai lầm?
Rõ ràng Israel đang là "con voi trong phòng khách" (ý nói là sự việc ai cũng thấy nhưng không ai dám nói vì một lý do tế nhị nào đó) sau thảm kịch được đánh giá là "Chernobyl của Lebanon".
Mặc dù Israel đã thừa nhận rằng kho chứa Amoni nitrat ở cảng Beirut không phải là một kho vũ khí của Hezbollah, một kịch bản như thảm kịch Beirut có thể liên quan đến các kế hoạch của Israel kể từ tháng 2/2016.
Điều quan trọng là sau một loạt vụ nổ đáng ngờ ở Iran và căng thẳng cao độ ở biên giới Syria-Israel vào cùng ngày với vụ nổ Beirut, trang Twitter của Thủ tướng Israel Netanyahu đăng tải những dòng dưới đây:
"Chúng tôi đã tấn công vào chân rết và bây giờ chúng tôi đánh vào đầu não (của kẻ địch). Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để tự vệ. Tôi đề nghị họ, bao gồm cả Hezbollah, hãy xem xét điều này ".
Theo một nguồn tin tình báo của Arab Saudi có mối quan hệ mật thiết với cơ quan tình báo Israel Mossad, có thể mục tiêu ban đầu của một hoạt động quân sự tại cảng Beirut là các tên lửa Hezbollah.
Có lẽ dòng trạng thái trên tài khoản Twitter của ông Netanyahu nhằm chuẩn bị ghi công cho cuộc tấn công.
Nhưng sau đó Mossad nhận ra rằng đây là một sai lầm khủng khiếp và đã trở thành một thảm họa lớn.
Theo nhà phân tích Thierry Meyssan, người được cho là có quan hệ với tình báo Syria, nhiều khả năng "cuộc tấn công" được thực hiện bằng vũ khí chưa xác định, một tên lửa từng được thử nghiệm ở Syria vào tháng 1/2020.
Nếu giả thuyết về việc Beirut bị tấn công bởi một "vũ khí chưa xác định" là chính xác, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đã nói sự thật: Đó là một "cuộc tấn công".
Và điều đó sẽ giải thích tại sao ông Netanyahu, trước sự tàn phá ở Beirut, quyết định rằng Israel sẽ tỏ ra "vô can" khi tuyên bố kho cảng Beirut không phải là kho vũ khí của Hezbollah.
Vào ngày 27/9/2018, trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu xác định một số "kho vũ khí của Hezbollah" trong bức không ảnh cảng Beirut của Lebanon.
Ai có lợi sau vụ nổ Beirut?
Nếu quan sát rộng hơn, chúng ta có thể thấy rằng vụ nổ Beirut có thể được coi là một "đòn chí tử" nhằm vào các nỗ lực của Trung Quốc nhằm kết nối Iran, Iraq, Syria và Lebanon. Tuy nhiên, thảm kịch này trên thực tế lại trở thành đòn "gậy ông đập lưng ông".
Trung Quốc, Iran và Syria đã là những người đầu tiên đến hỗ trợ Lebanon sau vụ nổ.
Syria và Iran đi đầu trong việc cung cấp viện trợ cho Lebanon. Tehran đang gửi một bệnh viện dã chiến, các gói hàng cứu trợ bao gồm thực phẩm, thuốc men và thiết bị y tế. Syria đã mở cửa biên giới với Lebanon, cử các đội y tế và tiếp nhận người bị thương từ Beirut.
Điều quan trọng hơn là vụ nổ ở Beirut ngoài việc kỹ thuật phá hủy hoàn toàn cảng - huyết mạch thương mại quan trọng đã phá hủy các silo (tháp chứa ngũ cốc) chính của Lebanon.
Điều này khiến quốc gia Trung Đông phụ thuộc nhiều hơn vào Syria về lương thực (Syria là nước xuất khẩu lúa mì hữu cơ rất lớn).
Dù hung thủ của vụ nổ là ai, có vẻ chính phủ tương lai của Lebanon sẽ ngày càng "hướng đông" hơn và trong trung hạn, cảng và thậm chí phần lớn thành phố bị tàn phá có thể được xây dựng lại một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp bằng vốn của người Trung Quốc.
Pepe Escobar là phóng viên lưu động người Brazil của tờ Asia Times có trụ sở tại Hong Kong và Thái Lan.
Ngoài ra, Escobar cũng là nhà phân tích về tập trung về Trung Quốc, Trung Á, Trung Đông của tờ The Real News có trụ sở tại Toronto, Canada và Washington, Mỹ.
Hình ảnh vụ nổ kinh hoàng ở Beirut (Lebanon) qua 15 góc máy camera