Asia Times: Ngoại lệ mang tên Việt Nam và sự bứt phá ngoạn mục sau "cuộc chiến" chống COVID-19

Tất Đạt |

Việt Nam sẽ là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế ảm đạm của thế giới - Asia Times viết.

Chiến thắng đại dịch

Cũng như các nước láng giềng, nền kinh tế Việt Nam đã phải chịu ảnh hưởng tiêu cực sau nhiều tháng đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo Asia Times, Việt Nam vẫn là một ngoại lệ nhờ vào phản ứng nhanh chóng và quá trình dập dịch hiệu quả. Do đó, kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ sớm chứng kiến những dấu hiệu tích cực sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát - đây là điều gần như không thể đối với các nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus corona.

Số liệu đã thể hiện rất nhiều điều. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 2 năm 2020 là khoảng 0,4%. Mặc dù đây là con số thấp nhất trong 35 năm trở lại đây, nhưng đó cũng là số liệu cao đặc biệt so với các nước láng giềng, một số nước còn có tăng trưởng âm.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán GPD Việt Nam có thể đạt 2,8% trong năm 2020 và sẽ hồi phục về mức 6,7% trong năm sau. Tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P Global Ratings nhận định Việt Nam sẽ là quốc gia có phát triển cao nhì khu vực châu Á trong năm nay.

Tất cả những dự đoán nói trên cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng để bứt phá trở lại từ sau đại dịch. Điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tăng trưởng tốt nhất thế giới.

Nhờ vào các biện pháp cách ly nghiêm ngặt để kiểm soát COVID-19, Việt Nam hiện nay đã trở thành một trong những địa điểm thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn nhất. Gần đây, Việt Nam đã dần cho mở cửa trở lại các chuyến bay quốc tế và gỡ bỏ các hạn chế phòng dịch trước đây.

Hơn nữa, nhờ vào những kinh nghiệm chống dịch trước đây và sự chuẩn bị cực kỳ hiệu quả để đối phó với dịch, Việt Nam đã đạt được mức độ cân bằng hợp lý giữa đảm bảo sức khỏe người dân và tăng trưởng kinh tế. Do đó, Việt Nam sẽ là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế ảm đạm của thế giới.

Mục tiêu tương lai

Bên cạnh đó, Việt Nam dường như đã trở thành quốc gia hưởng lợi sau đại dịch. Nền kinh tế Trung Quốc - mặc dù đã dần hồi phục - nhưng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do COVID-19, và mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng đi xuống cũng khiến hai nước này ngày càng tách rời nhau về kinh tế.

Theo một báo cáo của Goldman Sách, nhiều doanh nghiệp Mỹ cho biết "khi được hỏi về các địa điểm phù hợp nhất để đưa dây chuyền rời khỏi Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ là hai cái tên được nhắc tới nhiều nhất".

Mặc dù Việt Nam chưa thể thay thế Trung Quốc, nhưng Việt Nam đang có cơ hội chưa từng thấy để trở thành một trung tâm sản xuất lớn của thế giới.

Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, khi nhiều quốc gia bị suy thoái kinh tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục có những bước đi vững chắc hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế.

Đáng chú ý, ngày 8/6, Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), có hiệu lực từ ngày 1/8. Đồng thời, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các thành viên khác của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với hy vọng sẽ ký kết FTA trước năm 2021.

Tất cả những thành tựu này có thể được coi là đặc biệt trong tình hình hiện nay và có ý nghĩa rất quan trọng đối với các hoạt động kinh tế toàn cầu. Khi có hiệu lực, EVFTA sẽ giúp giảm thuế các mặt hàng thủy sản, dệt may và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam sang EU - những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đáng kể. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa kinh tế của Việt Nam, biến Việt Nam thành một nền kinh tế cạnh tranh hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Asia Times, chỉ cần duy trì được đà phát triển như hiện nay, Việt Nam sẽ là "ngôi sao" trong nền kinh tế toàn cầu và khu vực, mở đường trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu đã định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại