Vì vậy, các nước thành viên của ASEAN chắc chắn sẽ trở thành đối tượng lôi kéo giữa một bên là Mỹ/đồng minh và một bên là Trung Quốc. Vấn đề đặt ra cho ASEAN là làm cách nào giữ được sự đoàn kết và vai trò trung tâm của cả khối trong các cơ chế an ninh khu vực, không để bị kéo vào vòng xoáy cạnh tranh và nguy cơ chia rẽ mới.
Hiện tại, có rất nhiều quan điểm khác nhau về vai trò trung tâm của ASEAN và được rút gọn lại theo 04 khía cạnh. Cụ thể, trung tâm về vị trí địa lý, trung tâm của các cơ chế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trung tâm mang tính chức năng và trung tâm trên danh nghĩa xuất phát từ sự tự phong của các nước thành viên ASEAN.
Tuy nhiên, những quan điểm này phần lớn đều được nghiên cứu khảo sát từ trạng thái tương đối tĩnh, chỉ dừng ở sự miêu tả đối với địa lý, khuôn khổ hoặc hiện trạng của cơ chế khu vực. Cho dù có định nghĩa và cách hiểu khác nhau về khái niệm vai trò trung tâm của ASEAN nhưng việc nó được đề cập đến với tư cách là một thuật ngữ chính trị, chắc chắn không phải do ASEAN đột nhiên nghĩ ra. Đằng sau có những ý nghĩa chiến lược bắt nguồn từ nhu cầu lịch sử và thực tiễn.
Xuất phát từ góc độ này, bài viết cho rằng ASEAN đang nỗ lực thực hiện hai chính sách then chốt để phát huy vai trò chiến lược của tổ chức này.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á (EAS) lần thứ 9 ở Bangkok, Thái Lan, hồi tháng 8 (Ảnh: ASEAN 2019)
Duy trì chính sách trung lập
ASEAN là tổ chức của các quốc gia tương đối nhỏ ở khu vực Đông Nam Á, bao quanh là các nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,... và các nước lớn này cũng đang tích cực tham gia vào các vấn đề và cạnh tranh quyết liệt ở khu vực. Thông thường, nước nhỏ sẽ buộc phải lựa chọn đứng về một nước lớn nào đó và sẽ trở thành "đòn bẩy" trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn.
Các nước ASEAN từng có những bài học lịch sử sâu sắc về vấn đề này vào thời kỳ đầu Chiến tranh lạnh, trong cuộc đối đầu giữa hai phe lớn là Mỹ và Liên Xô. Chiến tranh lạnh đã kết thúc gần 30 năm nhưng cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, cạnh tranh chiến lược nước lớn đang nóng lên, các nước ASEAN đều lo ngại phải đối diện với khó khăn lựa chọn đứng về bên nào.
Có thể nói, cuộc đọ sức nước lớn ở khu vực Đông Nam Á đã đạt đến mức quyết liệt nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã cùng với các nước đồng minh đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở để cạnh tranh ảnh hưởng với chiến lược Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng. Trong cả hai chiến lược này, các nước ASEAN đều chiếm giữ vị trí rất quan trọng.
Đối diện với cuộc cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt ở khu vực Đông Nam Á, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng đưa ra cảnh báo có thể một ngày nào đó ASEAN sẽ phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ nhưng hy vọng ngày này sẽ không đến quá nhanh.
Cùng quan điểm, trong một bình luận công khai ở Thái Lan, tướng Hun Many, con trai của Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng chia sẻ có lẽ một ngày nào đó, ASEAN sẽ phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác.
Rõ ràng, cuộc chiến này sẽ buộc các nước thành viên của ASEAN hoặc toàn bộ ASEAN phải lựa chọn đứng về bên nào. Trong bối cảnh này, cho dù chủ trương trung lập hóa có rất nhiều thách thức nhưng một lần nữa sẽ trở thành mục tiêu phù hợp với nhu cầu và đây cũng là một trong những ý nghĩa chiến lược của việc ASEAN vì sao nhiều lần nhấn mạnh phải bảo vệ vai trò trung tâm của tổ chức này. Đó là cố gắng tránh phải đưa ra lựa chọn giữa các nước lớn, tránh bị cuốn vào cuộc đọ sức nước lớn.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tham dự hội nghị ngoại trưởng ASEAN-Nhật Bản tại Bangkok, ngày 1/8/2019 (Ảnh: Kyodo)
Chính sách bên trung gian chiến lược
Ý nghĩa chiến lược thứ hai của vai trò trung tâm của ASEAN là ASEAN đóng vai trò bên trung gian chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bên trung gian chiến lược trên thực tế là thông qua việc cung cấp diễn đàn để làm giảm xung đột, thúc đẩy sự trao đổi và hợp tác, thậm chí là bồi đắp lòng tin lẫn nhau giữa các nước lớn.
Việc ASEAN theo đuổi vai trò là bên trung gian chiến lược cũng dần được hình thành trong lịch sử và thông qua việc tìm kiếm vai trò này, các nước vừa và nhỏ của ASEAN đã nhận được sự coi trọng chưa từng có so với các nước vừa và nhỏ khác.
Khu vực Đông Nam Á có rất nhiều nước lớn cạnh tranh với nhau và muốn gạt những nước lớn này ra khỏi Đông Nam Á là điều không thể và không thực tế. Tuy nhiên, cung cấp diễn đàn và kênh tiếp xúc cho các nước lớn lại là lựa chọn khả thi.
Từ khi hình thành đến nay, ASEAN đã dần dần thiết lập được một loạt cơ chế như ARF, ASEAN+, EAS, ADMM+,... và đóng vai trò người trung gian chiến lược trong đó. Thông qua việc đóng vai trò bên trung gian chiến lược, ASEAN có thể có được danh tiếng quốc tế mà tổ chức này chưa nghĩ tới.
Những cơ chế nêu trên phần lớn đều đã dung nạp các nước lớn có vai trò hết sức quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Họ hàng năm đều tham gia những hội nghị này, làm cho ASEAN, nhất là nước chủ tịch luân phiên có được danh tiếng quốc tế không tương xứng với sức mạnh quốc gia. Ví dụ như khi nhà lãnh đạo các nước như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga tập trung ở Campuchia, Brunei, Lào hay Myanmar, danh tiếng quốc tế mà những quốc gia này có được là danh tiếng mà các nước có sức mạnh quốc gia tương đương khác không thể có. Điều này không những đã mở rộng tầm nhìn quốc tế và cảm giác tự hào quốc tế của người dân địa phương, mà điều quan trọng hơn là còn có thể mang đến các lợi ích như đầu tư, du lịch nhiều hơn cho địa phương.
Từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, ASEAN đã tìm cách thông qua việc đưa các nước lớn vào các cơ chế và hội nghị do tổ chức này phát động nhằm hy vọng các nước lớn có thể thông qua đối thoại mang tính cơ chế này, làm giảm xung đột, quản lý bất đồng.
Đây cũng là nguyên nhân ARF đã đưa ra con đường phát triển theo 3 giai đoạn - biện pháp xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và giải quyết xung đột cũng như việc EAS mở rộng hơn nữa vào năm 2010 khi đưa Mỹ và Nga vào trong đó.
Các chuyên gia cho rằng sách lược cân bằng quan hệ mà ASEAN thực hiện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là đưa các nước lớn có liên quan vào mạng lưới quan hệ của tổ chức này, thông qua sự quản lý và điều tiết chủ động đối với các mối quan hệ, thực hiện sự cân bằng giữa các mối quan hệ và tối ưu hóa môi trường hệ thống quan hệ. Qua đó bảo vệ và thúc đẩy hợp tác, bảo vệ an ninh, tăng thêm lợi ích của mình trong quá trình này.
Chính vì vậy, ASEAN đã nhiều lần nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của vai trò trung tâm nằm ở việc thúc đẩy các nước lớn trong khu vực tiếp tục ở lại khuôn khổ cơ chế của ASEAN, thực hiện sự ổn định tổng thể và mang tính dự đoán đối với quan hệ nước lớn.