Armenia đòi Ấn Độ trả lại tiền vì vũ khí lởm: Vén màn chiêu trò xuyên tạc từ Trung Quốc

QS |

Armenia được cho là đã sử dụng hệ thống Swathi và thấy không hiệu quả nên muốn đòi lại tiền.

Azerbaijan pháo kích nhằm vào Armenia hồi tháng 9 vừa qua. Ảnh: www.middleeasteye.net

Azerbaijan pháo kích nhằm vào Armenia hồi tháng 9 vừa qua. Ảnh: www.middleeasteye.net

Theo Strategy Page, trong vài năm qua, Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền nhằm chống lại các loại vũ khí do Ấn Độ phát triển.

Gần đây, các đặc vụ Chiến tranh thông tin của Trung Quốc loan truyền rằng Armenia đang đòi Ấn Độ trả lại tiền do 4 hệ thống radar phát hiện pháo binh Swathi mà nước này đặt mua từ New Delhi hồi tháng 3 [trị giá 40 triệu USD] không hoạt động hiệu quả.

Các hệ thống radar đó đã trở nên cần thiết vào cuối tháng 9 vừa qua khi đợt xung đột mới giữa Amrenia và Azerbaijan nổ ra. Baku đã chiếm ưu thế nhờ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Swathi là sản phẩm của Bharat Electronics, một nhà phát triển và sản xuất các hệ thống điện tử của Ấn Độ. Công ty này phát triển hệ thống Swathi rất nhanh bằng cách sử dụng nhiều thành phần thương mại sẵn có trên thị trường.

Chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch của Trung Quốc khẳng định rằng Armenia đã sử dụng hệ thống Swathi và thấy không hiệu quả nên muốn đòi lại tiền. Tuy nhiên, theo Strategy Page, thực tế là cho đến nay, Armenia mới chỉ nhận được một hệ thống Swathi và dùng để huấn luyện, làm quen, chứ chưa từng đưa ra thực chiến.

Armenia đòi Ấn Độ trả lại tiền vì vũ khí lởm: Vén màn chiêu trò xuyên tạc từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Hệ thống radar Swathi của Ấn Độ trong một cuộc diễu binh. Ảnh: Wiki

Mặc dù đó là chiến dịch tuyên truyền lệch lạc của Trung Quốc về hệ thống Swathi nhưng theo Strategy Page, cũng phải thừa nhận rằng câu chuyện về sự ra đời của hệ thống này quả thực có liên quan tới một số khía cạnh đáng xấu hổ của Ấn Độ.

Trong nhiều thập kỷ qua, các quan chức mua sắm của Ấn Độ đã ngăn cản quân đội nước này trang bị radar phát hiện pháo binh mới. Chính vì thiếu các hệ thống tương tự trong chiến tranh biên giới Kargil năm 1999 với Pakistan mà quân đội Ấn Độ đã hứng chịu nhiều thương vong.

Tới khi được thông qua thì nỗ lực ban đầu của New Delhi đã thất bại. Ấn Độ muốn có radar AN/TPQ-36 FireFinder của Mỹ nhưng bất thành, do khi đó Washington đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ sau khi New Delhi thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân vào cuối những năm 1990.

Trong khi đó, Pakistan đã có được một số hệ thống radar AN-TPQ-36 và sử dụng chúng khá thành công trong chiến tranh Kargil.

Năm 2002, sau khi được gỡ bỏ lệnh trừng phạt, Ấn Độ đã đặt mua 12 hệ thống AN-TPQ-37 và được chuyển giao vào năm 2007.

Trong lúc này, nhà sản xuất của Ấn Độ, với sự hỗ trợ từ chính phủ, đã phát triển hệ thống Swathi trông rất giống AN/TPQ-37. Sau khi vượt qua các cuộc thử nghiệm, Swathi được quân đội Ấn Độ chấp nhận, 28 hệ thống này đã được quận đội đặt hàng và chuyển giao từ năm 2017.

Tổng cộng, quân đội Ấn Độ muốn có trong trang bị 50 hệ thống Swathi để phối hợp với 12 hệ thống AN/TPQ-37 của Mỹ.

Hệ thống Swathi đã được Ấn Độ sử dụng khá nhiều trong tác chiến do những năm gần đây, Pakistan thường xuyên pháo kích qua khu vực biên giới giữa hai nước ở Kashmir. New Delhi đã so sánh khả năng hoạt động của Swathi với hệ thống FireFinder của Mỹ và nâng cấp nó cho tới khi có năng lực tác chiến ngang ngửa hệ thống của Mỹ. Đây là một trong những yếu tố then chốt giúp họ giành được hợp đồng từ Armenia.

Theo Strategy Page, yếu tố chủ lực giúp Azerbaijan chiến thắng ở Karabakh là sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, thay vì khả năng hoạt động kém hiệu quả của một số hệ thống phía Armenia.

Song, trang mạng Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã thành công lợi dụng danh tiếng kém của nhiều loại vũ khí do Ấn Độ phát triển. Họ tung tin nhiều hơn về các vấn đề mà Ấn Độ gặp phải, như trong trường hợp của hệ thống Swathi, đồng thời thêu dệt một số vấn đề khác.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn biến tình trạng tham nhũng và kém hiệu quả trong bộ máy mua sắm quốc phòng quan liêu của Ấn Độ trở thành "vũ khí" của mình.

Đến nay, tình trạng tiêu cực tại Ấn Độ dường như không có gì thay đổi và Bắc Kinh dường như đang sử dụng điều đó để nâng cao tinh thần của người Trung Quốc và làm mất tinh thần của người Ấn Độ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại