Quyết định khiêu chiến với Apple về các hành vi của họ trên cửa hàng ứng dụng di động App Store rõ ràng đã gây ra một tiếng vang lớn, và thu hút sự chú ý từ các nhà quản lý của thị trường game khổng lồ tại Nhật Bản, khi cũng đang có những lời khiếu nại và nghi vấn của nhiều nhà phát triển game về sự thống trị của người khổng lồ công nghệ này.
Cơ quan chống độc quyền Nhật Bản cho biết, họ sẽ bắt đầu chú ý đến các hành vi của nhà sản xuất iPhone do cuộc chiến pháp lý đình đám đang diễn ra giữa Apple và Epic. Điều đó đã giúp giám đốc nhiều hãng game Nhật Bản có đủ tự tin lên tiếng về các khiếu nại của mình –một điều hiếm hoi trước đây họ thường e ngại bị trả đũa khi phản đối.
Trong khi Epic tập trung vào mức phí hoa hồng 30% cho mỗi giao dịch trong ứng dụng, các khiếu nại từ những hãng game Nhật Bản còn nhiều hơn thế. Từ lâu họ đã không hài lòng với việc Apple thi hành không nhất quán các quy định trên App Store của họ, cũng như các quyết định về nội dung không thể đoán trước và những sai sót trong thông tin liên lạc.
"Từ đáy lòng mình, tôi muốn Epic chiến thắng." Hironao Kunimitsu, nhà sáng lập và chủ tịch của hãng game Gumi Inc, cho biết trên Facebook.
Cả Apple và Google đều đang nắm giữ vị thế độc quyền trên thị trường ứng dụng di động bên ngoài Trung Quốc. Bất kỳ nhà phát triển nào muốn game của họ được chơi trên các thiết bị Android hoặc iOS đều sẽ phải phân phối chúng qua các cửa hàng ứng dụng của 2 công ty nói trên, chia sẻ doanh thu từ các giao dịch thuê bao hoặc mua vật phẩm trong đó.
Nhà sản xuất iPhone đang là một trong những nguồn thu chính cho các hãng game Nhật Bản, bao gồm cả các tên tuổi lớn như Square Enix Holdings với 40% doanh thu của họ đến từ các tựa game di động và Bandai Namco Holdings. Mảng game di động của Sony cũng có giá trị nhiều tỷ USD từ các tựa game như Fate/Grant Order.
Với khoảng 702.000 nhà phát triển game được đăng ký, Nhật Bản là một trong những cộng đồng phát triển game sáng tạo nhất thế giới. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, ước tính hệ sinh thái App Store tại Nhật Bản tạo ra khoảng 37 tỷ USD tổng giá trị giao dịch vào năm 2019 – bao gồm 11 tỷ USD doanh thu mua hàng hóa và dịch vụ số, 24 tỷ USD cho hàng hóa và dịch vụ vật lý và 2 tỷ USD quảng cáo trong ứng dụng.
Không gặp phải lời than phiền về tỷ lệ ăn chia doanh thu 30% như Epic, nhưng Apple lại gặp phải các khiếu nại từ hãng game Nhật Bản về dịch vụ kém cỏi của họ đối với các nhà phát triển.
Các tựa game mới đôi khi phải chờ đến hàng tuần mới được chấp thuận đưa lên App Store, làm nhiều sự kiện trong game của các công ty đôi khi phải hủy bỏ vì không còn đúng thời điểm. Ngoài ra, trong tháng 11 năm ngoái, máy chủ của Apple cũng mất kết nối hơn 1 ngày mà không hề nhận dược thông báo nào – các vấn đề đều gây ra thiệt hại trực tiếp cho những nhà phát triển game mà Apple không phải bồi thường.
Ngay cả khi tựa game đã được đưa lên App Store, mọi việc sau đó cũng không hoàn toàn suôn sẻ với các nhà phát triển.
Apple thường không nhất quán trong việc kiểm duyệt nội dung phù hợp trong game và các chính sách của họ có thể thay đổi mà không có báo trước. Vấn đề này xảy ra với nhiều nhà phát triển khi ban đầu các dòng code trong game của họ được chấp thuận để đưa lên App Store, nhưng một thời gian sau đó, họ thay đổi thái độ và gỡ bỏ ứng dụng của nhà phát triển để buộc họ phải sửa lại.
"Apple là vị cảnh sát đôi khi tạo ra các diễn giải không công bằng về chỉ dẫn của họ để mang lại lợi ích cho riêng mình." Nhà tư vấn game tại Tokyo, Hisakazu Hirabayashi cho biết.
Tham khảo Bloomberg