Kể từ khi Bill Gates "học" ý tưởng giao diện đồ họa từ Macintosh để dùng cho Windows, Apple và Microsoft đã luôn được coi là 2 đối thủ kỳ cựu và gay gắt nhất trong làng công nghệ. Nhưng đến những năm cuối thập niên 2010, điều này đã không còn đúng nữa.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tim Cook vẫn tiếp tục con đường được Steve Jobs vạch ra trước đó. Apple trong suốt cả lịch sử vẫn là một công ty phần cứng, và thành công khổng lồ dành cho iPhone 5, iPhone 6 hay iPhone X vẫn tiếp tục vai trò đó của Apple. Khi thị trường smartphone bước sang giai đoạn bão hòa, Cook khéo léo mở rộng ra các dòng sản phẩm có thể ăn theo vị thế của iPhone.
Đến nay, AirPods và Apple Watch (2 phần cứng nổi bật nhất được ra mắt trong thời kỳ Steve Jobs) vẫn đang đứng đầu các thị trường tương ứng. Cùng lúc, mảng dịch vụ được phát triển để trở thành nguồn thu hữu ích nhất cho những năm sau.
CEO Microsoft, Satya Nadella trong sự kiện ra mắt Office trên iPad.
Còn Microsoft dưới quyền CEO Satya Nadella đã thay đổi hoàn toàn. Từ chỗ là công ty hướng về người tiêu dùng với Windows hay Xbox, Microsoft ngày nay có nguồn tăng trưởng (và nguồn thu) lớn nhất từ đám mây và các dịch vụ Internet. Với những hợp đồng đám mây lớn – như thương vụ cung cấp hạ tầng Azure cho Sony Playstation hay thỏa thuận 10 tỷ USD ký cùng Lầu Năm Góc, Microsoft của Nadella đã thực hiện một cuộc hồi sinh ngoạn mục, trở thành công ty nghìn tỷ đô thứ 3 trong lịch sử, tiếp theo Apple và Amazon.
Dĩ nhiên, Apple và Microsoft vẫn có thể coi là đối thủ trên nhiều khía cạnh, nhưng trong suốt lịch sử hàng chục năm, chưa bao giờ 2 gã cựu thù lại thân thiết đến vậy. Sự kiện đầu tiên được Satya Nadella công bố sau khi tiếp quản ghế CEO là để vén màn Office trên iPad. Khi ra mắt iPad Pro, Apple cũng mời đại diện Microsoft lên sân khấu để vén màn tính năng. Trợ lý ảo Siri trên iPhone có thời điểm chuyển sang dùng Bing thay cho Google, và iCloud cũng nằm một phần trên đám mây Azure của Microsoft.
Mới đây nhất, tại hội nghị dành cho nhà phát triển WWDC 2019, Microsoft cũng xuất hiện để trình diễn Minecraft Earth. Mặc cho Surface cạnh tranh với MacBook, mặc cho các tựa game iOS có "gặm nhấm" bớt doanh thu Xbox hay Windows Store, về bản chất Apple là công ty phần cứng còn Microsoft là công ty phần mềm/dịch vụ. 2 gã khổng lồ không còn cạnh tranh gay gắt với nhau nữa.
Màn trình diễn Minecraft của Microsoft tại sự kiện WWDC do Apple tổ chức vào tháng 6 vừa qua.
Ấy vậy mà khi năm 2020 vừa bắt đầu, 2 vị CEO của Apple và Microsoft lại cùng tham gia một cuộc đua lạ lùng – một cuộc đua không thể tuyệt vời hơn với cả hai bên. Kết thúc phiên giao dịch đầu năm, Apple cán mốc trị giá vốn hóa 1,3 nghìn tỷ USD. Con số của Microsoft lúc này đang là 1,23 nghìn tỷ.
Với thành tích này, Tim Cook trở thành vị CEO đầu tiên trong lịch sử giúp cho công ty của mình gia tăng thêm 1 nghìn tỷ USD trị giá vốn hóa (khi Cook nhận quyền CEO vào đầu năm 2011, giá trị vốn hóa của Apple ở mức 300 tỷ USD). Điều đặc biệt là Satya Nadella của Microsoft đang bám sát ở phía sau: khi ông kế nhiệm Steve Ballmer, giá trị của Microsoft cũng chỉ vào khoảng trên 300 tỷ USD. Từ đó đến nay, tài năng lãnh đạo của vị CEO gốc Ấn đã giúp trị giá của Microsoft tăng thêm 930 tỷ USD.
Tim Cook đã cán đích trước, nhưng điều đó chưa chắc đã có nghĩa rằng ông là vị CEO tuyệt vời hơn (trong con mắt các nhà đầu tư): Microsoft rất có thể sẽ cán mốc 1,3 tỷ USD trong tương lai gần, và như thế Nadella sẽ chỉ mất 7 năm để giúp cho giá trị của Microsoft tăng thêm nghìn tỷ. Tim Cook mất 9 năm để làm điều tương tự với Apple.
Cuộc đua đặc biệt của 2 vị CEO số 1 thế giới
Nhưng đó cũng chưa phải là điểm kết thúc cho cuộc đua kỳ lạ này. Năm 2020, Apple sẽ vén màn một thiết kế hoàn toàn mới, thay thế cho tai thỏ vốn đã ra mắt từ 2017. Xét tới những gì iPhone X đã làm được cho Apple, chiếc iPhone 2020 hoàn toàn có thể đưa Apple lên những đỉnh cao "điên khùng" hơn. Trị giá vốn hóa 1,5 nghìn tỷ chăng?
Dù sao thì, người thắng thực sự trong cuộc đua lạ lùng này vẫn là các nhà đầu tư vào cổ phiếu công nghệ. Khi Tim Cook tiếp quản Apple, tương lai của công ty vẫn còn quá mù mịt trong cái bóng quá lớn của Steve Jobs. Khi Nadella nhận ghế nóng từ Steve Ballmer, Microsoft đã không còn được coi là một thế lực đi đầu trong ngành công nghiệp hi-tech nữa. Ấy thế mà giờ đây 2 gã khổng lồ, 2 kẻ cựu thù cay đắng này lại cùng nhau đứng trong một danh sách đặc biệt: những công ty trên nghìn tỷ duy nhất của cả thế giới!