Áp thấp nhiệt đới “nối đuôi nhau” trên Biển Đông: Nguy cơ ngập úng tại nhiều địa phương

Linh Chi |

Trong khi vùng áp thấp ở Nam Vịnh Bắc Bộ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, hướng vào các tỉnh từ Thanh Hóa - Hà Tĩnh thì ngoài khơi Biển Đông lại tiếp tục xuất hiện một một áp thấp mới, có thể mạnh thành bão.

Áp thấp nhiệt đới "nối đuôi nhau" vào Biển Đông

Trong khi các tỉnh ven biển Đồng bằng Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đã hứng chịu những cơn mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới thì sáng 16/7, trên vùng biển Đông Bắc đảo Luzon (Philippines) lại xuất hiện một áp thấp nhiệt đới.

Áp thấp nhiệt đới sau đó có khả năng mạnh lên thành bão vào đêm 17, rạng sáng 18/6 và hướng vào Đông vịnh Bắc Bộ.

Sau đó, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây và ảnh hưởng trực tiếp đến vịnh Bắc Bộ, các tỉnh ven biển Đông Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo, áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông có diễn biến phức tạp sau khi mạnh lên thành bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh với cường độ mạnh.

Các chuyên gia khí tượng khuyến cáo: Có 2 áp thấp nhiệt đới cùng xuất hiện trên biển và đều hướng vào nước ta là trường hợp ít xảy ra.

Ngoài ra, áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông có hướng di chuyển khả năng thay đổi trong thời gian tới.

Vì vậy, tàu thuyền đang hoạt trên vùng biển mà áp thấp nhiệt đới tiến vào cần theo dõi sát sao cường độ, hướng di chuyển của áp thấp để có biện pháp phòng tránh kịp thời.

Ban chỉ đạo Trung ương họp khẩn

Trước tình hình thiên tai trong nước và trên thế giới đang diễn biến phức tạp, chiều 16/7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp khẩn triển khai các giải pháp ứng phó, đồng thời sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình này.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo, hiện nay, tình hình thiên tai trên thế giới đang rất khốc liệt. Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ thiên tai.

Tại nước ta, từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xảy ra nhiều loại hình thiên tai, bao gồm: 2 cơn bão; 3 áp thấp nhiệt đới; 88 trận giông, lốc sét; 7 trận lũ quét, sạt lở đất; 7 đợt gió mạnh trên biển; 4 đợt rét đậm, rét hại...

Đặc biệt, tại 11 tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra trận lũ quét, sạt lở đất từ ngày 23 - 26/6 gây thiệt hại lớn về người và tài sản; mưa đá, giông lốc trên diện rộng từ ngày 14 - 15/4...

Thiên tai từ đầu năm đến nay đã làm 75 người chết và mất tích, 48 người bị thương; 509 nhà bị đổ, sập và 12.571 nhà bị hư hại. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 868 tỷ đồng.

Chúng ta đang đối mặt với áp thấp nhiệt đới ở Vịnh Bắc bộ và áp thấp nhiệt đới ở phía Đông Philippines sắp mạnh lên thành bão.

Để chủ động ứng phó, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã chủ động diễn tập chỉ đạo xả lũ và xả ngay 1 cửa xả đáy tại hồ Hoà Bình trong đêm diễn tập.

Sau 6 ngày xả đến nay mực nước trên hồ vẫn ở mức cao nên vẫn phải tiếp tục xả. Sáng 16/7 đã lệnh xả tiếp 1 cửa xả đáy.

Do ảnh hường của vùng áp thấp ở phía Nam vịnh Bắc Bộ, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh liên tục có mưa kéo dài từ ngày 15 - 16/7.

Đặc biệt từ tối 15 đến sáng 16/7, lượng mưa trút xuống TP Hà Tĩnh rất lớn khiến nhiều tuyến đường trong thành phố bị ngập sâu, có nơi bị ngập đến 40cm, giao thông gần như tê liệt.

Mưa lớn cộng với việc hệ thống cống thoát nước không kịp tiêu nước khiến nhiều đoạn trên các con đường lớn trong thành phố như đường Nguyễn Du, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng… bị ngập nặng, các phương tiện tham gia giao thông như ô tô, xe máy không thể đi qua, đành phải chọn các con đường nhánh để đi vòng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại