Sáng 29/10, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, ngày hôm nay (29/10) cấu trúc mây đã rõ nét hơn và có khả năng mạnh lên thành bão vào chiều tối nay 29/10 và khả năng đi vào khu vực Nam Trung Bộ là rất cao.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.
“Cơn Áp thấp nhiệt đới này tương đối đặc biệt, vừa nằm trên dải hội tụ nhiệt đới, vừa trùng với tác động của không khí lạnh dồn nén khí áp xuống dưới dẫn tới gió sẽ mạnh hơn và sẽ gây mưa lớn kèm với địa hình dốc của miền Trung, Tây Nguyên gây nguy hiểm rất lớn và có thể diễn ra cùng lúc loại hình đa thiên tai. Sau khi vào bờ vẫn tồn tại dải hội tụ nhiệt đới và còn không khí lạnh sẽ gây mưa lớn kéo dài phía sau”, ông Khiếm cho hay.
Theo ông Khiêm, cơn bão này di chuyển tương đối nhanh, vào chiều tối 30/10 sẽ đi vào khu vực đất liền của Việt Nam và gây mưa lớn cho toàn vùng trong đó tập trung ở khu vực Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên.
Nhận định về cường độ của bão, ông Khiêm cho rằng: “Chiều tối nay áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão và gió giật cấp 8 - 9 và không loại trừ khả năng mạnh hơn trước khi vào bờ. Khi đổ bộ vào bờ có thể mạnh cấp 8 giật cấp 10, 11.
Theo tính toán, khu vực nam Trung Bộ sóng có thể cao 3 - 4m, triều cường đạt đỉnh 20 - 23h ngày 30 - 31. Sóng ngoài khơi khu vực Nam Trung Bộ có thể cao tới 4 – 5m. Mưa bắt đầu từ sáng 30/10, tập trung chủ yếu từ Thanh Hóa - Ninh Thuận”.
Ảnh mây vệ tinh. |
Ông Khiêm khuyến cáo, cơn bão này có nhiều điểm tương đồng với các cơn bão lớn gây hậu quả nghiêm trọng đã từng xảy ra vì vậy các cơ quan chức năng, người dân cần hết sức chú ý và đề phòng.
Trong cuộc họp, đại diện Bộ đội Biên phòng thông tin cho biết, ngay sau khi nhận được tin xuất hiện ATNĐ, Bộ đội Biên phòng đã triển khai các phương án để ứng phó xuống dưới các đơn vị địa phương và thông báo, kiểm đếm tàu thuyền từ Quảng Bình - Bà Rịa Vũng Tàu. Đến sáng 29/10, khu vực này còn khoảng 741 tàu thuyền đang nằm trong khu vực nguy hiểm.
Theo đại diện Tổng cục Thủy Lợi (Bộ NN&PTNT), hiện tại khu vực Bắc Trung Bộ có 53 hồ chứa đang hư hỏng, 20 chứa đang sửa chữa nâng cấp; khu vực Nam Trung Bộ có 24 hồ chưa đang hư hỏng, 34 hồ chứa đang sửa chữa nâng cấp; khu vực Tây Nguyên có 41 hồ chứa đang hư hỏng, 18 hồ chứa đang sửa chữa và nâng cấp.
Ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. |
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu: “Hiện tại còn 741 tàu thuyền đang trong khu vực nguy hiểm cần khẩn trương thông báo, kêu gọi các tàu thuyền này nhanh chóng vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú.
Có phương án bảo vệ lồng bè, không để dân trên lồng bè đặc biệt tại khu vực tỉnh Khánh Hòa, cần bảo vệ an toàn cho các khu vực nuôi thẻ chân trắng.
Tùy vào tình hình thực tế sẽ cấm biển vào chiều tối 29/10, cấm tắm biển và bảo vệ khách du lịch. Chuẩn bị các phương án di dời, cắm biển cảnh báo, nguy cơ lũ lụt, lũ quét. Cần nhắn tin và đưa lên mạng xã hội để thông báo cho người dân biết để có phương án ứng phó”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. |
Tổng kết cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho rằng: “Trong 3 năm gần đây cho thấy khu vực này thường xảy ra các hiện tượng cực đoan, cộng với biến đổi khí hậu và tính đặc thù của cơn bão này nên có khả năng mưa lớn kéo dài và không loại trừ phương án mưa hàng nghìn mm/ngày như đã từng xảy ra gần đây”.
Theo Bộ trưởng Cường, đợt bão lần này sẽ gây mưa lớn kèm theo triều cường gây ra nhiều hiện tượng cực đoan cần hết sức chú ý đến tai biến địa chất như sạt lở tại khu vực này.
Bộ trưởng yêu cầu cần phải đảm bảo an toàn theo tuyến biển, kinh tế biển và du lịch. Các hoạt động trên đảo và khu vực nuôi trồng thủy sản cần hết sức chú ý. Các công trình hồ như hồ tự nhiên, thủy điện, thủy lợi cần đặc biệt chú ý./.