Thời điểm cuối năm là giai đoạn cao điểm mua sắm của người tiêu dùng. Đón đầu xu hướng này, các hãng bán lẻ điện máy gần đây liên tục mở rộng nhằm thu hút khách hàng và cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường.
Tháng 11/2016, Điện Máy Xanh cho biết đã khai trương tới 38 cửa hàng, con số lớn nhất từ trước đến nay. Trước đó, thương hiệu này đã mở tới 23 cửa hàng trong tháng 10. Trong khi từ tháng 6 đến tháng 9, trung bình mỗi tháng có ít hơn 15 cửa hàng được khai trương.
Một doanh nghiệp khác trong ngành là Nguyễn Kim cũng bất ngờ cho khai trương và đưa vào hoạt động cùng lúc tới 14 trung tâm, trong khi suốt 2 năm gần đây không có động tĩnh gì trong việc mở rộng. Số điểm mua sắm của Nguyễn Kim đã tăng vọt gần 70%, từ 21 điểm lên tới 35 điểm.
Trong khi 2 đối thủ mở hàng chục cửa hàng, Trần Anh trong những tháng cuối năm 2016 cũng mở thêm được 5 trung tâm tại Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Hà Nội.
Tuy nhiên, tại Hà Nội, có thể do quá nôn nóng hút khách cuối năm, Trần Anh đã gặp rắc rối khi lựa chọn trung tâm dưới chân một tòa nhà ... vẫn còn đang thi công.
Trên đường Nguyễn Xiển, một trong những trục đường lớn của Hà Nội, Trần Anh đã khai trương tại tầng 1 của dự án Eco Green City trong bối cảnh công trường vẫn còn đang ngổn ngang vật liệu xây dựng, cần cẩu khổng lồ vẫn còn nằm bên cạnh tòa nhà, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Chính vì thế, mới đây chính quyền địa phương đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của siêu thị điện máy Trần Anh tại đây, đồng thời cũng xử phạt cả nhà thầu Xuân Mai Corp.
Theo quan sát, đến sáng 7/1/2017, Trần Anh đã che biển hiệu siêu thị, đồng thời treo thông báo "chữa cháy", rằng đây chỉ là siêu thị bán hàng thử nghiệm: "Chương trình bán hàng thử nghiệm của Trần Anh đã kết thúc. Trần Anh dự kiến sẽ khai trương vào quý 2/2017".
Như vậy, trong vòng ít nhất 3 tháng tới, Trần Anh Nguyễn Xiển sẽ không hoạt động, lãng phí lượng lớn công sức và tài chính của Trần Anh cho địa điểm này thời gian vừa qua.
Trần Anh đã che bảng điện tử và treo thông báo hoạt động trở lại từ quý 2/2017
Đây không phải lần đầu tiên Trần Anh gặp rắc rối với các cửa hàng. Hồi tháng 10/2016, Trần Anh đã phải đóng cửa siêu thị lớn nhất của mình trên đường Phạm Hùng, là vị trí khá đắc địa trên tuyến giao thông trọng điểm của thủ đô. Khi đó, chủ đầu tư đã quyết định lấy lại mặt bằng của Trần Anh trước thời hạn để xây dựng dự án Trung tâm thương mại.
Một đại diện của Trần Anh khi đó đánh giá đây là một tổn thất lớn của Trần Anh khi điểm trên đường Phạm Hùng luôn nằm trong top dẫn đầu về doanh thu.
Trong vòng 2 năm trở lại đây, Trần Anh đã liên tục mở rộng hệ thống, đặc biệt là sau khi bắt tay với đại gia Nhật Bản Nojima.
Tính lũy kế đến quý 3/2016, Trần Anh đạt doanh thu 3,1 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ 2015.
Doanh thu tăng trưởng tỉ lệ thuận với số điểm bán tăng. Mặc dù vậy, chuỗi này vẫn chưa có lãi khi lợi nhuận vẫn khá thấp, đạt 12 tỉ đồng sau 9 tháng đầu năm. Riêng quý 3, Trần Anh lỗ gần 6 tỷ đồng.