Một phần của đường ống dẫn dầu Druzhba tại nhà máy lọc dầu ở Szazhalombata, Hungary. Ảnh: AP
Theo tờ Financial Times, ông Daniel Obajtek, Giám đốc điều hành của Công ty dầu mỏ nhà nước Ba Lan PKN Orlen, cho biết khoản lỗ này xuất phát từ sự chênh lệch giá giữa dầu giá rẻ của Nga và các nguồn cung đắt tiền hơn.
Hồi tháng 3 năm ngoái, Ba Lan đã cam kết sẽ ngừng nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022. Ông Obajtek nói rằng đối với PKN Orlen, điều này có nghĩa là dầu họ mua hiện có giá cao hơn 30 USD/thùng so với trước đây. Song dù lệnh cấm của Warsaw đối với dầu thô của Nga làm tổn hại đến kinh tế của nước này, PKN Orlen vẫn muốn áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nữa đối với Moskva.
“Tôi sẽ không gọi đó là mất mát. Đây là chi phí thị trường áp dụng cho mọi công ty không nhập khẩu dầu từ Nga”, ông Obajtek nhấn mạnh.
Mặc dù EU đã cấm nhập khẩu dầu bằng đường biển từ Nga, nhưng cho đến nay, khối này vẫn miễn trừ dầu thô của Nga được vận chuyển theo đường ống Druzhba – nối vùng trung tâm của Nga với Ukraine, Belarus, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc, Áo và Đức.
Ba Lan là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất lệnh cấm năng lượng của Nga trên toàn EU, nhưng PKN Orlen vẫn tiếp tục mua dầu của Nga để tiêu thụ trong nước thông qua tuyến đường ống Druzhba.
Hồi tháng 3, PKN Orlen đã kiện nhà điều hành đường ống Tatneft của Nga khi bị ngắt nguồn cung do không thanh toán.
Công ty PKN Orlen cũng đã cắt hợp đồng với Tatneft vào tháng trước, nhưng vẫn tiếp tục xử lý dầu mỏ của Nga tại nhà máy lọc dầu ở Cộng hòa Séc.
Ông Obajtek giải thích: “Việc thay thế hoàn toàn dầu mỏ của Nga đòi hỏi phải cải thiện hậu cần cung cấp dầu mỏ, điều mà chúng tôi đang làm việc với Chính phủ Séc”.
Ngoài ra, ông Obajtek cũng lên án Đức vì đã mua dầu của Kazakhstan thông qua tuyến Druzhba. Ông tuyên bố phía Đức nên suy nghĩ lại về đạo đức của những gì họ đang làm. Ông nói rằng Nga đang sử dụng những bên trung gian để bán các sản phẩm hóa dầu tinh chế ở châu Âu bất chấp lệnh trừng phạt.
“Tóm lại, tôi nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt nên cứng rắn hơn”, ông nói.
Obajtek cũng chỉ trích việc Berlin sử dụng đường ống dẫn dầu của Nga để nhập khẩu dầu của Kazakhstan. Ông nói thêm rằng PKN Orlen “rất quan tâm đến thị trường Đức” và có kế hoạch bán xăng dầu cho nước này như “một hình thức thay thế đa dạng hóa”.
Vào cuối năm ngoái, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia đã áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô xuất khẩu của Nga vận chuyển bằng đường biển. Gần đây, các nước thuộc nhóm G7 và Australia cho biết sẽ không thay đổi mức áp trần giá dầu Nga trong những tháng tới bất chấp việc giá dầu thế giới tăng mạnh. Nhóm các quốc gia này cho rằng cho rằng mức trần hiện tại đối với dầu mỏ Nga đã phát huy hiệu quả trong việc hạn chế doanh thu năng lượng của Moskva mà không gây bất ổn cho thị trường “vàng đen” toàn cầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi đầu tháng 3 cũng cho biết biện pháp áp trần giá dầu Nga của phương Tây đã đạt mục đích khi giảm nguồn thu của Moskva nhưng không khiến giá nhiên liệu biến động.