Hôm 1/7, Áo sẽ tiếp quản chức Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu (EU) từ Bungary. Đề cập sự kiện này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không nhìn thấy triển vọng tích cực nào với các cuộc đàm phán gia nhập EU khi Áo giữ chức chủ tịch khối, phản ánh những căng thẳng giữa hai quốc gia này.
Áo sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên 6 tháng của EU từ hôm 1/7, với một nhiệm kì được đánh giá là khó khăn khi khối đang phải đối mặt với sự chia rẽ liên quan đến vấn đề nhập cư hay Anh ra khỏi Liên minh Châu Âu.
Trả lời phỏng vấn trên truyền hình về sự kiện này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng, ông không mong đợi bất kì bước đi tích cực nào có thể mở ra một chương mới cho nỗ lực gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận vấn đề tự do hóa thị thực với các quan chức EU.
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Áo đã bị đình trệ nhiều tháng gần đây do lập trường của Áo về vấn đề di cư, cũng như sự chỉ trích đối với những diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính phủ liên minh tại Áo với Đảng bảo thủ Nhân dân Áo (OVP) của Thủ tướng Sebastian Kurz và Đảng cực hữu Tự do (FPO) đều cho rằng, Liên minh Châu Âu nên dừng các cuộc đối thoại gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống vào 24/6 vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ, Chính phủ liên minh cực hữu của Áo cũng cấm các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành vận động tranh cử trên lãnh thổ nước này. Hiện có hàng trăm nghìn người tại Áo là người Thổ Nhĩ Kỳ và gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Thủ tướng Áo, nhiều chính trị gia trong chính quyền của Tổng thống Erdogan đã và đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ từ các cộng đồng gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Châu Âu.
Sự xuất hiện của các chiến dịch bầu cử ở Áo là điều không mong muốn, do vậy Chính phủ Áo sẽ không cho phép những sự kiện như vậy tiếp tục diễn ra. Quyết định này của Áo đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ, gọi đây là lệnh cấm “không dân chủ và phân biệt chủng tộc”.
Thực tế không chỉ là căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Áo mà mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU cũng đang xấu đi nhanh chóng thời gian gần đây, khiến các cuộc đàm phán gia nhập EU bị đình trệ.
Các nước EU đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích những diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ không đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU trong tiến trình đàm phán gia nhập. Cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ với chiến thắng của Tổng thống Erdogan được cho là dấu chấm hết cho các cuộc đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngay sau cuộc bầu cử, nhiều lãnh đạo Châu Âu đã bày tỏ lo ngại. Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok nhận định: “Chúng tôi bày tỏ lo ngại nhiều lần về tình hình nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu điều này không được cải thiện với kết quả bầu cử Tổng thống và Quốc hội, chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng ủng hộ những vấn đề nhân quyền và qui tắc luật pháp tại quốc gia này”.
Giữa những căng thẳng này thì vấn đề hợp tác di cư được cho là cách duy nhất kéo EU và Thổ Nhĩ Kỳ gần nhau hơn. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đối tác quan trọng của EU trong việc giúp giảm dòng người di cư đến Châu Âu, trong khi các quốc gia EU cũng sẽ đầu tư nhiều hơn vào hợp tác an ninh với Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực chống khủng bố.
Ngoại trưởng Cavusoglu cho rằng, còn có nhiều lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác. Việc mở ra chương mới hay không là một vấn đề chính trị và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mong đợi tiếp tục hợp tác khi nhiệm kì của Áo kết thúc.
Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ dường như không còn nằm trong quĩ đạo của Liên minh Châu Âu. Một hệ thống chính trị mới được hình thành sau bầu cử không thể dung hòa với các tiêu chuẩn Châu Âu và khi đó, tiến trình đàm phán gia nhập giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ sớm hay muộn cũng sẽ kết thúc./.