"Ánh sáng" từ chính sách của FED?

HẢI NGỌC |

Sau nhiều đợt FED tăng lãi suất, giá cả một số mặt hàng ở Mỹ đã bắt đầu xuống thang, như giá nhà, giá xăng và một số nguyên liệu công nghiệp thô.

Đúng như dự đoán của giới chuyên gia, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất lần thứ tư liên tiếp hôm 2-11 (giờ địa phương), với cùng mức tăng 0,75 điểm %.

Như vậy, lãi suất cho vay ngắn hạn tại Mỹ sau khi tăng đã đạt 3,75%-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1-2008. Các chuyên gia dự báo thêm lãi suất nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh ở mốc trên 5%.

Dù động thái nêu trên tiếp nối chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay nhất của FED kể từ đầu thập niên 1980 song thị trường tin rằng đây có thể là lần tăng 0,75 điểm % cuối cùng của chuỗi tăng lãi suất này.

Theo kênh CNBC , các nhà kinh tế kỳ vọng mức tăng sẽ giảm còn 0,5 điểm % sau cuộc họp tháng 12 của FED và tiếp tục giảm trong năm 2023.

Tỏ ra thận trọng, trong cuộc họp báo cùng ngày, Chủ tịch FED Jerome Powell bác bỏ ý tưởng FED sẽ sớm "dừng tay". "Chúng ta còn nhiều việc phải làm và các dữ liệu sắp tới cho thấy đỉnh lãi suất sẽ cao hơn ước đoán trước đó" - ông nói.

Dù vậy, ông tiết lộ trong 1-2 cuộc họp tới, FED có thể bàn về việc giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ. Lạm phát ở Mỹ hiện vẫn ở gần mức cao nhất trong 40 năm qua.

Ánh sáng từ chính sách của FED? - Ảnh 1.

Phản ứng trên sàn chứng khoán New York hôm 2-11 khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell phát biểu Ảnh: REUTERS

Thời gian qua, có nhiều lo ngại rằng cùng với nỗ lực kéo giá cả sinh hoạt đi xuống, FED đồng thời đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái. Về triển vọng "hạ cánh mềm", ông Powell nói ông vẫn thấy có khả năng này - tức kinh tế Mỹ không bị suy giảm nghiêm trọng - nhưng kịch bản không được "sáng cửa" lắm.

Theo CNBC , kinh tế Mỹ hầu như không tăng trưởng trong năm nay. Cùng lúc, công cụ đo lường lạm phát của FED chỉ ra giá cả sinh hoạt tại Mỹ trong tháng 9 vừa qua tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái (nếu bỏ giá thực phẩm và năng lượng ra thì tăng 5,1%).

Trong khi đó, GDP giảm trong cả quý I và quý II/2022 - phù hợp với định nghĩa chung về suy thoái - trước khi quay đầu tăng 2,6% trong quý III, phần lớn do sự gia tăng đột biến trong xuất khẩu.

Ngay sau thông báo của FED, các chỉ số chứng khoán tăng giá song sau đó quay đầu đi xuống trong lúc ông Powell phát biểu. Dẫn đầu đà giảm điểm ở châu Á - Thái Bình Dương trong phiên giao dịch ngày 3-11 là chỉ số Hang Seng của Hồng Kông - Trung Quốc (giảm 3,11%).

Tại Trung Quốc đại lục, Shanghai Composite và Shenzhen Component lần lượt giảm 0,19% và 0,344%. Các chỉ số chủ chốt khác như S&P/ASX 200 (Úc) giảm 1,84%, Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,33%, MSCI (trừ Nhật Bản) giảm 2,01%...

Dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định mục tiêu kiềm chế lạm phát của FED cuối cùng cũng đạt được hiệu quả mong muốn. TS Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Nghiên cứu thị trường High Frequency Economics, nhận định với đài CNA (Singapore) rằng lãi suất cao hơn là tin không mấy vui vẻ cho các doanh nghiệp lẫn các hộ gia đình (vì phải trả các khoản vay mua nhà, nợ tín dụng, vay mua xe... cao hơn), song lãi vay cao hơn đồng thời xoa dịu cả lạm phát và áp lực giá cả.

Trên thực tế, theo ông Weinberg, một số mặt hàng ở Mỹ đã bắt đầu xuống thang, như giá nhà và giá xăng. Xu hướng này cũng có thể bắt gặp với nguyên liệu công nghiệp thô như đồng và nhôm. Tại Phố Wall, chỉ số Dow Jones tăng hơn 13% trong tháng qua, một phần nhờ vào kỳ vọng FED sẽ cân chỉnh chính sách lãi suất.

Trong khi đó, chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của Công ty IG Asia cho rằng phải mất vài tháng mới biết rõ tác động của đợt thắt chặt mới nhất. Theo ông Yeap, phải chờ thêm báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 2 tháng cuối năm nay mới biết tình hình sắp tới sẽ ra sao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại