Bảo tàng Phòng không - Không quân (Hà Nội) đang lưu giữ hai chiếc MiG-17 của Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 - nơi huyền thoại phi công Nguyễn Văn Bảy (Bảy A) từng chiến đấu và là Trung đoàn trưởng.
Trong Không quân Việt Nam thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ có đến hai phi công chiến đấu loại MiG-17 đều tên Nguyễn Văn Bảy. Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy được gọi là Bảy A. Còn trung úy Nguyễn Văn Bảy hy sinh trên bầu trời Thanh Hóa năm 1972 được gọi là Bảy B. Trong ảnh là chiếc tiêm kích mang số hiệu 2047 do phi công Nguyễn Văn Bảy (Bảy B) lái đã ném bom trúng tàu khu trục Hi-Bi của Mỹ vào năm 1972.
Những máy bay tiêm kích MiG-17 này được các phi công Việt Nam gọi là "Cánh én bạc". MiG-17 lắp một động cơ tuốc bin phản lực Klimov VK-1F cho phép đạt tốc độ 1.145 km/h (ở trần bay 3.000m), tầm bay hơn 2.000km, trần bay 16.600m.
MiG-17 được trang bị một pháo Nudelman N-37 cỡ nòng 37 mm (40 viên đạn) và 2 pháo NR-23 cỡ 23 mm (160 viên đạn) và tầm bắn chỉ hiệu quả trong khoảng 400 m.
Chiếc tiêm kích mang số hiệu 2011 đã bắn rơi chiếc F-4C của Đại tá Norman Gaddis - biệt danh "chuyên gia chống MiG" thuộc Không lực Mỹ trên bầu trời Hoà Lạc (Hà Nội).
Cánh và đuôi của máy bay MiG-17 được thiết kế lại để tăng tính ổn định. Phần đuôi có thể nâng lên hạ xuống, sang trái, phải.
36 chiếc MiG-17F đầu tiên của Việt Nam được biên chế cho Trung đoàn tiêm kích 921 (Đoàn Sao đỏ) vào ngày 3/2/1964. Không quân Việt Nam nhận bàn giao khoảng hơn 90 tiêm kích MiG-17 trong chiến tranh, 30 máy bay vẫn được sử dụng tới năm 1980.
Trong suốt lịch sử phục vụ của mình, chiếc máy bay MiG-17 số 2011 của Trung đoàn 923 đã cùng với các phi công Việt Nam bắn hạ 106 máy bay Mỹ - con số được chính các phi công Mỹ thán phục.
Khi gặp lại cựu phi công Mỹ Ralph Wetterhahn năm 1997, anh hùng Nguyễn Văn Bảy nói chiến thuật của mình: "Điều quan trọng nhất là phát hiện kẻ thù trước, để có thể đạt tốc độ, độ cao lớn hơn và chiếm lợi thế. Chúng tôi đã rút được rất nhiều kinh nghiệm và học hỏi từ những trận không chiến nổi tiếng thời Thế chiến II giữa Liên Xô và Phát xít Đức, cũng như những trận chiến ở Thái Bình Dương giữa các máy bay cánh quạt trang bị pháo. Ai khai hỏa trước, người đó thắng"
Ngoài hai chiếc MiG-17, Bảo tàng Phòng không - Không quân còn trưng bày các loại máy bay MiG-19, MiG-21, trực thăng vận tải, trực thăng săn ngầm…