Nằm cách trung tâm Thủ đô khoàng 40km về phía Nam, làng Cựu (xã Vân Từ , huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được nhiều người biết đến với các công trình kiến trúc Việt cổ và nước Pháp độc đáo. Nơi đây có những ngôi nhà xây dựng trong những năm 1900 - 1945.
Giờ đây, làng Cựu còn lưu dấu một vài biệt thự cổ nằm xen lẫn với những ngôi nhà hiện đại. Theo thời gian, các ngôi biệt thự phủ đầy rêu phong đang dần xuống cấp do không được chăm sóc, trùng tu. Chỉ còn rất ít các công trình bảo tồn được nguyên vẹn.
Trong làng, nhiều đoạn đường đã được phủ bê tông, tuy nhiên vẫn còn thấp thoáng con ngõ trải đá xanh bản lớn, nhuốm màu rêu phong.
Những căn nhà cổ rêu phong tại làng Cựu len lỏi trong những căn nhà mang lối kiến trúc hiện đại.
Sống trong ngôi nhà của các cụ để lại từ những năm đầu thế kỉ XX, ông Nguyễn Thiện Tứ là đời thứ 4 ở căn nhà này. Ông Tứ cho hay ngôi làng này có lịch sử khoảng hơn 700 năm. Trong đó, những ngôi nhà cổ khi xưa xây dựng từ đầu những năm thế kỉ XX, nay hầu như không giữ được nguyên bản.
"Vào năm 1996, đường chính của làng được đổ bê tông, 4 hàng đá phiến trải đường cũng biến mất, chỉ còn một số ngõ nhỏ là gìn giữ được con đường trải đá. Rồi những căn nhà cổ mang kiến trúc Việt cổ, kiến trúc Pháp không được chăm nom nên đã xuống cấp", ông Tứ cho hay.
Ở làng Cựu, có những căn biệt thự cổ khóa trái cửa bên ngoài là nhà thờ, nhà dân nhưng chủ nhà không sống ở địa phương, họ đi làm ăn xa nhà và chỉ về vào những ngày lễ, Tết. Vì vậy, những căn nhà bị xuống cấp theo thời gian do không có người chăm nom.
Sống trong căn nhà có cửa sổ, cửa chính đã mục nát, nhưng gia đình ông Trần Kim Hoa vẫn không tu sửa để giữ lại nét cổ kính cho căn nhà kiến trúc Pháp của ông cha để lại. Ông Hoa cho hay, những hộ dân nơi đây không được hỗ trợ kinh phí để duy tu bảo dưỡng nên nhiều người đã tự xây, sửa sang lại làm mất dần đi nét cổ kính.
"Cách đây khoảng 2-3 năm về trước, nơi đây cũng có đoàn làm phim, du khách về tham quan. Tuy nhiên, lâu dần làng cũng bị lãng quên bởi sự cổ kính đang dần mất đi, du khách cũng không thấy đến", ông Hoa cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Dương, Chủ tịch UBND xã Vân Từ (Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, xã cũng kiến nghị rất nhiều lên cấp trên trước tình trạng xuống cấp các ngôi nhà kiến trúc cổ, vì đây là di sản văn hóa quý.
"Sở Văn hóa Thể thao thao thành phố đã về tập huấn, khảo sát. Huyện cũng rất muốn duy tu bảo dưỡng bảo tồn để làm nơi du lịch cho khách tham quan, làng cổ, làng nghề may nơi đây. Tuy nhiên, kinh phí để bảo tồn các công trình kiến trúc đó cũng chưa có gì, người dân vẫn chưa được hỗ trợ gì cả", ông Dương cho hay.
Theo ông Dương, biện pháp hiện tại của chính quyền địa phương là kêu gọi người dân giữ gìn, bảo tồn, không phá đi để làm mới. Nhưng nếu có sự hỗ trợ của nhà nước thì họ sẽ yên tâm hơn để thực hiện gìn giữ các công trình cổ.
Một số hình ảnh về làng Cựu được PV VTC News ghi nhận vào ngày 21/12:
Trước đây, ở làng Cựu có 2 cổng, nhưng cổng chính đã bị phá, làng giữ lại cổng phụ. Việc sơn sửa lại đã làm cổng làng mất đi vẻ rêu phong cổ kính.
Cổng vào nhà ông Trần Kim Hoa vẫn còn giữ được nét cổ kính. Ông Hoa là đời thứ tư sống trong ngôi nhà này.
"Nhà của các cụ để lại đã mục nát nhưng chúng tôi vẫn để vậy. Bởi vì, nếu sơn sửa thì sẽ làm mất vẻ cổ kính", ông Hoa cho hay.
Mái ngói lợp ở ngoài ban công của căn nhà kiến trúc Pháp đã bị mục vỡ.
Một căn nhà xây từ năm 1929, đến nay, khi thế hệ sau ở thì nó được sửa lại như bắn mái tôn trước cửa, xây công trình phụ... nên cũng đã thay đổi một phần cổ kính của căn nhà gần trăm tuổi.
Người dân làng Cựu sống chủ yếu bằng nghề sản xuất giày da.
Căn nhà của ông Nguyễn Thiệu Tứ được xây từ 1905.
Theo ông Tứ, gia đình ông vẫn cố lưu giữ nét cổ kính của ngôi nhà với lối hàng gạch đá xanh từ xưa.
Căn nhà trên trăm tuổi của gia đình ông Tứ.
Tường rào phủ đầy rêu phong.
Theo người dân, đền thờ nhà họ Trần tại làng Cựu là nơi duy nhất còn giữ được nguyên bản kiến trúc hàng trăm năm trước. Người dân nơi đây mong muốn cơ quan chức năng sớm hỗ trợ kinh phí duy tu bảo dưỡng, phát triển du lịch để nhắc tới làng Cựu người ta sẽ nhớ đến ngôi làng có những công trình biệt thự cổ trăm tuổi.