Video: Hành trình chăm sóc những con voi còn lại ở Đắk Lắk
Môi trường sống của voi rừng tại Tây Nguyên đang ngày càng bị thu hẹp do nạn phá rừng và săn bắt trái phép.
Chính vì vậy việc ra đời Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk với nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cứu hộ… đã hạn chế tối đa nguy cơ tuyệt chủng đối với voi rừng và voi nhà.
Sau 5 năm triển khai, dự án mang lại những thay đổi tích cực trong công tác bảo tồn voi của tỉnh này.
Cụ thể, đàn voi nhà 45 con, được theo dõi về sức khỏe, quản lí, lập hồ sơ lí lịch, khám chữa định kì, lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu sinh lí, tẩy kí sinh trùng... Thay vì huấn luyện bằng roi vọt truyền thống, các nhân viên tại trung tâm huấn luyện voi theo giáo án được các chuyên gia nước ngoài hướng dẫn.
Theo đó, huấn luyện viên sẽ sử dụng còi và thức ăn để yêu cầu voi thực hiện theo động tác như nâng chân, nằm xuống, quỳ gối… đến khi nào thành thạo. Bên cạnh đó các chuyên gia còn sử dụng những đồ vật như thùng phuy, bánh xe, vòi nước… để kích thích suy nghĩ của những chú voi. Việc liên tục hoạt động suy nghĩ sẽ giúp những chú voi có khả năng sống sót cao khi bị lạc hoặc bị truy đuổi.
Anh Phú – Tổ trưởng tổ chăm sóc và cứu hộ voi cho biết công việc của anh cùng với những nhân viên trẻ tuổi ở đây là chuẩn bị thức ăn, theo dõi sức khoẻ, huấn luyện voi… … Hàng tuần, nhân viên ở đây đều đi lấy mẫu máu, xác minh chu kì để ghép đôi.
Trung tâm còn triển khai gắn chíp cho 30-45 con voi nhà tại tỉnh Đắk Lắk. Sau khi cấy chíp, trung tâm bảo tồn voi sẽ cử cán bộ theo dõi và cập nhật thông tin mới vào hồ sơ của từng cá thể voi. Các hoạt động theo dõi kiểm tra việc chăn nuôi voi được thực hiện 6 tháng/ lần.
Trung tâm đã cứu hộ thành công được nhiều con voi rừng gặp nạn, đặc biệt là cứu hộ thành công con voi tên Jun (7 tuổi ) bị vướng bẫy sứt vòi, mất đế chân; Voi Gold (3 tuổi) bị lạc mẹ và rơi xuống giếng khi mới 3 tháng tuổi. Hai chú voi này hiện vẫn đang được Trung tâm nuôi dưỡng.
Nhóm phóng viên VTC News trao đổi với các chuyên gia chăm sóc voi ở Bản Đôn.
Hiện tại, Đắk Lắk đã xác định được khoảng 5 đàn voi khoảng 80-100 con voi được phân bố, sinh sống ổn định trong phạm vi khoảng 173 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện Easup và Buôn Đôn.