Video: Trai làng hò hét chen nhau bắt lợn cầu may ở Phú Thọ
Làng cổ Hà Thạch (xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ) nằm bên bờ sông Thao, tương truyền có từ thời các vua Hùng dựng nước. Cứ mùng 5 Tết hàng năm, làng lại mở hội “Bắt lợn Ông Cầu”. Điểm đặc biệt của lễ hội này là hàng chục thanh niên tham gia bắt lợn lấy may đầu năm.
Năm Mậu Tuất 2018, gia đình ông Trần Văn Thành và ông Trần Văn Hoàng (ở khu 5, xã Thạch Hà) được xét chọn chăm sóc hai Ông Cầu trước mùa lễ hội. Từ ngày 23 tháng Chạp, Ông Cầu sẽ được đưa về nhà do nhân dân dựng lên để nuôi với chế độ ăn chủ yếu là cháo hoa. Đến ngày mùng 5 Tết, lợn được chủ nuôi cho ăn chay để giữ thanh khiết, sạch sẽ.
Ông Trần Văn Thành (ở khu 5, xã Hà Thạch) cho biết, năm nay ông may mắn được chăm sóc nuôi Ông Cầu bởi gia đình đạt tiêu chuẩn bao gồm không có tang tóc, gia đình văn hoá... Ông Cầu được chọn phải là lợn đực, đen tuyền, không có một vết màu nào khác pha trộn.
Chiều mùng 5 Tết, chủ tế sẽ làm lễ đưa Ông Cầu ra khỏi chuồng.
Hai Ông Cầu được rước quanh làng, vừa đi người dân vừa reo hò và dâng cao Ông Cầu lên khỏi mặt đất.
Ngay sau khi ra đến sân làng, hai Ông Cầu được thả ra cho người dân đuôi bắt theo tục lệ truyền thống.
Người dân làng Hà Thạch có quan niệm, ai bắt được hoặc chạm vào Ông Cầu thì cả năm đó gia đình sẽ gặp nhiều may, trai tơ sẽ lấy được vợ, người kinh doanh sẽ buôn may bán đắt.
Kết thúc phần hội, 2 Ông Cầu tiếp tục được rước về đình Nam và đình Trung để làm nghi lễ tế Thần và Thành Hoàng làng vào lúc 0h.
Ông Cầu sau khi bắt được đưa lại vào chuồng và phủ khăn kín chuồng để di chuyển về đình. Ông Lê Trụ, Phó ban Di tích xã Hà Thạch cho biết: “Lễ hội bắt lợn Ông Cầu mang ý nghĩa tái hiện lại hình ảnh vua Hùng bắt lợn khao quân”.