Hình ảnh ngoạn mục này đã được phân tích bởi nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard Smithsonian (Mỹ). Theo Bussiness Insider, các nhà khoa học tiết lộ họ cũng đã xác định và nghiên cứu một thiên hà khác cùng tuổi là GLASS-z11.
GLASS-z13, một trong hai thiên hà cổ xưa nhất từng được tìm thấy trong lịch sử - Ảnh: NASA
Nhà thiên văn học Rohan Naidu từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard Smithsonian, một trong những người đã phát hiện ra GLASS-z13 trong dữ liệu của James Webb , nói với tờ New Scientist: "Nếu những thiên hà này ở khoảng cách mà chúng ta nghĩ, vũ trụ chỉ mới vài trăm triệu năm tuổi vào thời điểm đó".
GLASS-z13 rộng khoảng 1.600 năm ánh sáng trong khi GLASS-z11 rộng khoảng 2.300 năm ánh sáng. Với kích thước đó, chúng là những thiên hà nhỏ. Để so sánh, thiên hà chứa Trái Đất Milky Way - một thiên hà tầm cỡ "quái vật" trong vũ trụ - có kích thước ít nhất 100.000 năm ánh sáng.
Điều thú vị nhất là vì những thiên hà này cách chúng ta 13,5 tỉ năm ánh sáng, đồng nghĩa với ánh sáng từ chúng mất 13,5 tỉ năm mới tới được James Webb. Như vậy, hình ảnh thiên hà chúng ta đang thấy thực ra là hình ảnh của quá khứ 13,5 tỉ năm trước!
Bức ảnh toàn cảnh với GLASS-z13 là chấm đỏ gần khu vực chính giữa - Ảnh: NASA
Theo Daily Mail, các tác giả lưu ý rằng cả 2 thiên hà đều có khối lượng bằng 1 tỉ Mặt Trời và chúng hình thành ngay sau khi vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ xảy ra.
Các thiên hà sơ khai đã nhanh chóng phát triển và nuốt chửng các ngôi sao trong khu vực để đạt được hình dáng mà chúng ta nhìn thấy vài trăm triệu năm sau đó.
"Chúng tôi khá tin tưởng rằng James Webb sẽ nhìn thấy các thiên hà xa xôi nhưng chúng tôi hơi ngạc nhiên về việc phát hiện chúng dễ dàng như thế nào" - nhà nghiên cứu Gabriel Brammer từ Viện Niehls Bohr (Đan Mạch), thành viên nhóm nghiên cứu, nói về sức mạnh đáng kinh ngạc của siêu kính viễn vọng.