Năm 2002, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư tuyến đường Đầm Hồng - Giáp Bát trên địa bàn huyện Thanh Trì (nay là quận Hoàng Mai) nhằm giải tỏa lưu lượng phương tiện giao thông ở khu vực Linh Đàm. Dự án có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, xây dựng theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).
Dự án có điểm đầu từ Đầm Hồng (phường Khương Trung, Thanh Xuân). Tuy nhiên đoạn này còn hàng chục ngôi nhà chưa được giải phóng mặt bằng, nhiều chỗ cây cối um tùm, đường chưa được hình thành.
Tuyến đường vành đai 2,5 Đầm Hồng - Giáp Bát chủ yếu nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai và một phần nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân. Tổng diện tích cần phải thu hồi để giải phóng mặt bằng trên 67.000m2, trong đó quận Hoàng Mai trên 58.000m2.
Đoạn từ cầu sông Tô Lịch đến đường Giải Phóng dài khoảng 600 m, sau gần 15 năm khởi động, đến nay phần lớn chưa được giải phóng mặt bằng, trong đó có trên 550 hộ dân trong diện phải thu hồi.
Lãnh đạo Ban giải phóng mặt bằng quận Hoàng Mai cho biết, đến nay quận đã phê duyệt, đền bù và giải phóng được trên 40.000 m2 trong tổng số diện tích thu hồi, phần còn lại chưa giải phóng được là do các hộ dân có đơn thư kiến nghị.
Trên bản đồ quy hoạch cũng như thực địa, tuyến đường khi đi qua khu đô thị Định Công tạo thành hình vòng cung, là một trong những lý do khiến các hộ dân không chấp nhận đề bù. Trong khi đó, Trưởng ban giải phóng mặt bằng quận Hoàng Mai khẳng định: không có sai lệch hay nắn chỉnh từ thẳng thành cong.
Tại khu vực tuyến đường cắt qua sông Tô Lịch đã hoàn thiện phần móng và trụ bê tông của cầu vượt sông.
Hiện dự án đã có mặt bằng với khoảng hơn 600 m thuộc phường Định Công (Hoàng Mai) và Khương Trung (Thanh Xuân). Ở đây các đơn vị thi công phần cống thoát nước.
Đường vành đai 2,5 được thiết kế với chiều rộng 40 m, hai lòng đường với 4 làn xe chạy rộng 22 m, mỗi bên vỉa hè rộng 7,5 m.
Bản đồ vị trí (tương đối) tuyến đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng đến Giải Phóng.
>>> Xem thêm: "Con đường đắt nhất hành tinh" tại Hà Nội có gì đặc biệt?