Có một siêu thị đặc biệt nằm trong khu công nghiệp công nghệ cao thuộc Hán Tân, thành phố An Khang, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Tại đây, có một thanh niên ngồi xe lăn khéo léo thè lưỡi để "ngoáy" trên màn hình của một chiếc điện thoại di động được gắn cố định.
Tôn Dương và chiếc smartphone giúp anh kết nối với thế giới.
Mặc dù có nhiều loại hàng hóa ở đây nhưng những sản phẩm này chủ yếu được bán trực tuyến. Về bản chất siêu thị sẽ là nơi tập trung các sản phẩm nông nghiệp và đặc sản địa phương của các nông dân trong khu vực, sau đó hàng được bán thông qua mạng lưới thương mại điện tử và các chuỗi siêu thị khác cùng mô hình để đưa chúng đi khắp toàn quốc.
Bên trong siêu thị xóa đói giảm nghèo.
Một điểm đặc biệt của siêu thị xóa đói giảm nghèo này là chúng chủ yếu được quản lý bởi người khuyết tật. Tôn Dương là một trong số đó. Chàng trai 22 tuổi này vì bị bại não bẩm sinh, không thể di chuyển toàn bộ phần cơ thể phía dưới cổ và chỉ có thể dựa vào xe lăn để di chuyển.
Nhưng anh là một doanh nhân lạc quan, ham học hỏi và thành công. Dù không được đi học ở trường, anh vẫn tự học được cách đọc từ sự hướng dẫn của mẹ mình. "Tôi đã xem phim truyền hình trong sáu năm và có thể coi là nhận biết được hết các từ", Tôn Dương nói, "Tôi cũng học lịch sử, hóa học cơ bản…"
Do không thể cử động tay chân, anh sẽ dùng lưỡi để điều khiển điện thoại di động và ngậm bút bằng miệng khi cần viết chữ trên bàn phím. Giá đỡ của chiếc điện thoại được cố định ở bên phải của chiếc xe lăn. Tôn Dương sử dụng lưỡi của mình để kéo sang trái và phải hay khi cần chuyển đổi giữa các ứng dụng. Tốc độ thao tác của anh khá thuần thục và không chậm hơn so với người bình thường.
"Nói bạn có thể không tin nhưng tôi vẫn chơi game", anh mỉm cười tiết lộ và thậm chí các đồng đội trực tuyến vẫn nghĩ anh là một game thủ thông thường.
Các nông sản được Tôn Dương bán online.
Quê của Tôn Dương nằm ở thôn Thanh Tuyền, thị trấn Hồ, huyện Hán Tân. Trong mùa thu hoạch, khi phải ngồi một chỗ nhìn bóng dáng bận rộn của các thành viên trong gia đình, anh đã nảy sinh ra một ý tưởng là mở một cửa hàng trực tuyến và bán nông sản trên Internet.
Khi các trung tâm dịch vụ thương mại điện tử được thành lập tại quê nhà, anh có cơ hội được tìm hiểu và đào tạo miễn phí về thương mại điện tử. Sau khi tìm hiểu, Tôn Dương đã mở một cửa hàng trực tuyến của riêng mình và tạo thành một điểm dịch vụ cấp làng. Không chỉ giải quyết nông sản cho gia đình, anh còn giúp xử lý các sản phẩm của những người khác trong khu vực. Năm ngoái, anh đã thúc đẩy việc bán hơn 150 tấn nông sản, khiến cho kinh tế mỗi hộ gia đình tăng lên 6.000 nhân dân tệ (khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng. Thành công giúp anh trở thành người có uy tín và có tiếng nói.
Các khóa học đào tạo về thương mại điện tử.
Từ đó, anh bắt đầu ấp ủ và thực hiện kế hoạch xây dựng chuỗi siêu thị xóa đói giảm nghèo, chăm lo từ khâu kiểm tra đơn hàng cho tới dịch vụ khách hàng. Hiện tại, các siêu thị này đang dần cải thiện các kênh bán hàng trực tuyến, từ bán qua website riêng cho tới mở cửa hàng trên Taobao. Nhưng Tôn Dương không hài lòng với điều này. Anh muốn quảng bá sản phẩm thông qua các video ngắn, phát sóng trực tiếp, làm vlog… nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người hơn nữa.
Tôn Dương cho biết trước khi làm thương mại điện tử, anh chẳng làm được gì ở nhà. Còn ngày nay, anh đã bắt đầu khởi nghiệp bằng một cái lưỡi và sự nhiệt tình. Câu chuyện của anh đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, đặc biệt là những người khuyết tật.
Triệu Hâm Vũ tại vị trí làm việc của mình.
Triệu Hâm Vũ là một nhân viên tại siêu thị. Chàng trai sinh năm 1998 này là người gốc Sơn Đông. Anh cũng bị bại não, teo chân tay và cử động bất tiện. Khác với Tôn Dương, Hâm Vũ được đi học, đã tốt nghiệp ngành thương mại điện tử, từng mở một cửa hàng trực tuyến để bán đồ thủ công nhưng phải từ bỏ vì quản lý kém. Sau khi biết về câu chuyện của Tôn Dương, anh đã lặn lội tới đây để học tập.
"Ban đầu tôi cũng muốn làm thương mại điện tử ở Sơn Đông sau khi tốt nghiệp, nhưng không thành công", Hâm Vũ giải thích. Giờ đây, anh chịu trách nhiệm về dịch vụ khách hàng, in đơn đặt hàng... Anh đã lên kế hoạch định cư ở đây trong một thời gian dài để theo đuổi con đường nào đến cùng.
Một số người khuyết tật khác cũng tìm đến cửa hàng của anh và được nhận vào làm việc. Tôn Dương đã mở ra các khóa học đào tạo kiến thức và kỹ năng, cũng như chuẩn bị các phòng studio với đầy đủ trang bị để nhân viên có thể livestream bán hàng trên sóng trực tiếp. Các phòng phát sóng này phục vụ nhiều chủ đề khác nhau, từ bán quần áo bà mẹ và trẻ em, chăm sóc da, làm đẹp cho tới các các sản phẩm dành cho người sành ăn.
Một phòng phát sóng trực tuyến.
"Nói thật là vẫn còn nhiều thứ mà tôi không hiểu", Tôn Dương nói trong lúc chia sẻ một số đoạn video ngắn. Tài khoản của siêu thị xóa đói giảm nghèo này đã thu hút nhiều sự chú ý trên mạng, nhiều video nổi tiếng nhận được hàng trăm nghìn lời phản hồi khen ngợi. "Nhưng chúng tôi sẽ đi từng bước một", anh chia sẻ sự tự tin vào tương lai.
Tham khảo Sina