Trong vài năm qua, Không quân Nga là quân chủng được đầu tư trọng điểm, họ nhanh chóng hiện đại hóa để thay thế số phương tiện lạc hậu có từ thời Liên Xô.
Số lượng lớn các tiêm kích thế hệ 4,5 như Su-30M2, Su-30SM, Su-35S và Su-34 đã được chế tạo mới, đưa tỷ lệ tiêm kích hiện đại trong biên chế Không quân Nga lên mức gần 50%.
Sau cuộc chiến tranh tại Syria, tưởng như những màn thể hiện khá ấn tượng của các dòng tiêm kích Nga sẽ khiến cho các tổ hợp chế tạo hàng không phải hoạt động cơ mức hết công suất.
Thế nhưng thật bất ngờ khi biết được rằng số lượng tiêm kích chế tạo mới mà Không quân Nga nhận trong năm 2018 đã quay về mức năm 2013 với 14 Su-30SM, 10 Su-35S và 12 Su-34, tổng số chỉ là 36 chiếc.
Nếu miễn cưỡng cho rằng máy bay huấn luyện phản lực Yak-130 cũng nên xếp vào danh sách này vì ít nhiều nó cũng đảm nhiệm được vai trò của chiến đấu cơ thì cũng chỉ thêm được 14 chiếc nữa.
Cần lưu ý là bản thống kế này không tính đến các loại máy bay vận tải hay phi cơ chức năng đặc biệt như chỉ huy cảnh báo sớm trên không hay trinh sát điện tử.
Mặc dù vậy cũng có thể dễ dàng nhận thấy rằng sự khó khăn của nền kinh tế thông qua việc cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng đã gây gánh nặng lên Không quân Nga.
Lẽ ra con số chiến đấu cơ mà Không quân Nga được nhận năm 2018 còn có thể lớn hơn nếu các máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3M hay Tu-160M2 sớm hoàn thành các bài thử nghiệm.
Ngoài ra cũng đã có khá nhiều dự đoán cho rằng tổ hợp MiG sẽ chế tạo mới một lô tiêm kích đa năng thế hệ 4,5 MiG-35 nhưng rồi cuối cùng điều này cũng chưa diễn ra.
Bên cạnh đó đơn hàng sản xuất 12 tiêm kích tàng hình thế hệ 5 cũng chưa thể tiến hành ngay trong năm 2018, khiến cho số lượng chiến đấu cơ sản xuất mới được chấp nhận vào biên chế sụt giảm mạnh.
Một lưu ý nữa cũng cần nhắc đến chính là thống kế trên chưa kể đến các loại tiêm kích đời cũ đang được lấy ra khỏi kho lưu trữ để tiến hành đại tu, sửa chữa lớn.
Trong năm 2015 Nga đã công bố dự án đầy tham vọng đó là khôi phục lại phi đội MiG-31 với hàng trăm chiến, nhưng có vẻ như công việc chưa tiến triển nhanh như kỳ vọng của họ.
Trong tương lai vài năm tới có lẽ vẫn là thời điểm "thắt lưng buộc bụng" đối với Không quân Nga vì nền kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc thực sự rõ ràng.
Tình hình trên sẽ khiến Nga ngày càng tụt hậu so với Mỹ về sức mạnh trên không, khi các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ dự kiến hàng năm sẽ nhận cả trăm tiêm kích các phiên bản được sản xuất mới để thay thế số hết hạn sử dụng.
Số lượng đã vậy nhưng chất lượng còn có sự chênh lệch lớn hơn, khi tiêm kích Mỹ chế tạo mới chủ yếu là F-35 Lightning II hoặc các phiên bản nâng cấp của F-15 và F/A-18 được xếp vào phân khúc thế hệ 4,75.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-bat-ngo-lon-khi-so-luong-tiem-kich-khong-quan-nga-nhan-nam-2018-sut-giam-manh/796381.antd#p-12