Ẩn ý của Thủ tướng Trung Quốc với Mỹ tại WEF Davos

Bình Giang |

Phát biểu tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos ngày 16/1, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nói rằng không nên sử dụng đổi mới công nghệ như một cách để hạn chế hoặc kiềm chế các quốc gia khác.

Ẩn ý của Thủ tướng Trung Quốc với Mỹ tại WEF Davos- Ảnh 1.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại WEF Davos 2024. (Ảnh: CNBC)

“Để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và mang lại sức sống lớn nhất, cách duy nhất là tăng cường hợp tác trong đổi mới. Thành quả khoa học và công nghệ sẽ mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại, thay vì trở thành phương tiện hạn chế hoặc kìm hãm sự phát triển của các quốc gia khác”, ông Lý nói.

Thủ tướng Trung Quốc không nêu cụ thể tên quốc gia nào trong bài phát biểu của mình.

Bắc Kinh đã nhiều lần yêu cầu Washington dỡ bỏ chính sách hạn chế nhằm ngăn các công ty Trung Quốc mua công nghệ tiên tiến từ đối tác Mỹ.

Các biện pháp mà Chính phủ Mỹ áp dụng trong 2 năm qua tập trung vào việc cắt đứt nguồn cung thiết bị bán dẫn hiện đại có thể hỗ trợ ngành trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, vì lo ngại công nghệ này giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực quân sự.

Sau bài phát biểu, ông Lý nói về những rủi ro và cơ hội từ công cụ AI sáng tạo như ChatGPT.

“Con người chúng ta phải điều khiển máy móc thay vì để máy móc điều khiển chúng ta”, ông Lý nói trong phần hỏi đáp với người sáng lập WEF Klaus Schwab. Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi cần có “ranh giới đỏ phổ quát trong phát triển AI”, nhưng ông không nêu cụ thể.

Ông Lý cũng cho rằng AI nên mang lại lợi ích cho không chỉ một nhóm nhỏ mà cần ưu tiên lợi ích của các nước đang phát triển.

Sau khi công cụ ChatGPT của OpenAI gây chú ý, nhiều chatbot tương tự của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Baidu và Alibaba đã ra mắt ở nước này.

Trong bài phát biểu, ông Lý khẳng định Trung Quốc ủng hộ chủ nghĩa đa phương và kêu gọi hợp tác toàn cầu hơn nữa.

Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh, Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp để giải quyết lo ngại về luồng dữ liệu xuyên biên giới và cơ hội tham gia bình đẳng vào lĩnh vực mua sắm công.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc than phiền gặp khó khăn vì những quy định chặt chẽ của nước này trong thu thập và truyền dữ liệu. Họ cũng phàn nàn rằng các doanh nghiệp trong nước có lợi thế không công bằng khi cạnh tranh giá thầu trong các dự án mua sắm của chính quyền.

“Trung Quốc vẫn kiên quyết cam kết mở cửa. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thế giới chia sẻ các cơ hội của Trung Quốc”, ông Lý khẳng định.

Ông cho biết, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 5,2% trong năm 2023. Con số được đưa ra 1 ngày trước khi Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố số liệu GDP chính thức và các dữ liệu khác.

“Trong thúc đẩy phát triển kinh tế, chúng tôi đã không sử dụng các biện pháp kích thích lớn. Chúng tôi không tìm kiếm tăng trưởng ngắn hạn mà tích lũy rủi ro dài hạn. Thay vào đó, chúng tôi tập trung tăng cường các động lực nội tại”, Thủ tướng Trung Quốc cho biết.

Theo CNBC
Cạn nguồn viện trợ, lính Ukraine phải "xẻ" xe tăng của Nga để lấy thiết bị

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại