Ấn tượng quân sự Việt Nam tuần qua: Loạt trang bị mới cho Quân đội Nhân dân Việt Nam

Sao Đỏ |

Những vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự dưới đây hoặc đã được đưa vào biên chế, hoặc đang tiến hành nghiên cứu thử nghiệm, cũng có loại mới chỉ ở dạng tiềm năng.

Vũ khí mới đầu tiên là thế hệ M3 của pháo tự hành bánh lốp 105 mm do Việt Nam tự nghiên cứu chế tạo. So với phiên bản M1 đặt trên khung gầm xe tải việt dã Ural-375D thì mẫu M3 thử nghiệm lần này đã có hàng loạt cải tiến đáng chú ý.

Ấn tượng quân sự Việt Nam tuần qua: Loạt trang bị mới cho Quân đội Nhân dân Việt Nam - Ảnh 1.

Thế hệ M3 của pháo tự hành 105 mm do Việt Nam chế tạo. Ảnh: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

Cụ thể, pháo M101 105 mm được tích hợp trên xe Ural-4320 tải trọng lớn hơn và bổ sung cả súng máy hạng nặng NSV 12,7 mm trên nóc ca bin, có tác dụng nâng cao khả năng tác chiến cũng như tăng tính cơ động của xe khi thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, dễ dàng nhận thấy với biến thể M3, kíp pháo thủ được bảo vệ tốt hơn khỏi mảnh đạn hay tác nhân sát thương trên chiến trường vì không bị bộc lộ hoàn toàn trên thùng xe như ở thế hệ M1.

Ấn tượng quân sự Việt Nam tuần qua: Loạt trang bị mới cho Quân đội Nhân dân Việt Nam - Ảnh 2.

Trung tâm xử lý giả đạn tên lửa phòng không 9M311 Sosna-R. Ảnh: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.

Trung tâm xử lý giả đạn tên lửa phòng không 9M311 Sosna-R là đề tài nghiên cứu do Đại úy Phạm Thành Công - Phó Trưởng phòng Thu phát và Truyền sóng - Viện Điện tử - Viện Khoa học Công nghệ Quân sự làm chủ nhiệm, sản phẩm đã giành giải Nhất cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo lần thứ XVI.

Khí tài này tạo ra hiệu ứng giống như việc bắn tên lửa thật. Tất cả tín hiệu cũng như quỹ đạo của tên lửa và mục tiêu đều được tạo giả theo tình huống cũng như theo đúng yêu cầu kỹ thuật và phản ứng được với máy bắn của Nga, đáp ứng nhanh yêu cầu phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu với chi phí nhỏ nhất, linh động, thời gian triển khai nhanh.

Khi đưa vào huấn luyện, các trắc thủ được thực hành bài phóng bằng hệ thống giả đạn với đầy đủ tính năng như đạn thật. Qua đó rèn luyện tâm lý, kỹ chiến thuật cho kíp chiến đấu, góp phần đưa công tác huấn luyện sát với thực tế. Ngoài ra, hệ thống còn giúp kiểm tra, đánh giá chức năng toàn bộ tổ hợp phòng không Palma, duy trì hệ số kỹ thuật ở mức cao nhất.

Ấn tượng quân sự Việt Nam tuần qua: Loạt trang bị mới cho Quân đội Nhân dân Việt Nam - Ảnh 3.

Tàu tuần tra USCGC Morgenthau (WHEC 722) khi còn trong biên chế Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ.

Báo cáo ngày 13/4/2017 của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ (Defense Security Cooperation Agency - DSCA) cho biết, tàu tuần duyên USCGC Morgenthau (WHEC 722) vừa rút khỏi biên chế Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ sẽ được chuyển giao cho Việt Nam theo chương trình Bán trang bị quốc phòng dư thừa (Excess Defense Articles - EDA).

Việt Nam đã đề nghị mua lại 3 tàu tuần tra của Mỹ, tuy nhiên con số thông qua chỉ là 1 chiếc, quyết định được phê duyệt vào ngày 3/10/2016. Với lượng giãn nước đầy tải 3.250 tấn, chiều dài 115 m; khi chính thức tiếp nhận, chiếc USCGC Morgenthau sẽ trở thành tàu tuần tra lớn nhất của Cảnh sát biển Việt Nam, vượt qua cả DN 2000.

Ấn tượng quân sự Việt Nam tuần qua: Loạt trang bị mới cho Quân đội Nhân dân Việt Nam - Ảnh 4.

Trực thăng đa dụng Mi-17V-5 của Không quân Ấn Độ.

Cuối cùng, thông tin chính thức từ Tập đoàn Công nghệ Quốc gia Rostec của Nga cho biết, một phái đoàn quân sự Việt Nam đã có chuyến thăm tới Nhà máy trực thăng Kazan và bày tỏ sự quan tâm đến một số dòng trực thăng hiện đại. Trong đó, những chiếc Ansat và Mi-17V-5 đã thu hút sự chú ý đặc biệt khi trực tiếp bay trình diễn.

Theo đánh giá, Việt Nam có nhu cầu thực sự đối với trực thăng đa dụng hạng trung, khi cả Không quân lẫn Lục quân đều được quan tâm đầu tư để tiến hành hiện đại hóa. Mi-17V-5 nhờ đảm nhiệm tốt cả vai trò vận tải, chuyển quân, yểm trợ hỏa lực từ trên không, lại có ưu thế ở sự quen thuộc trong khai thác vận hành đang tỏ ra là ứng viên sáng giá nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại