Các mô hình hiện vật đặc trưng của Hoàng thành Thăng Long như đầu rồng, đầu phượng, lá đề đất nung… cùng các tấm pa-nô bằng 3 ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh, các video trình chiếu giới thiệu về Hoàng thành Thăng Long chính thức đến với người dân Pháp từ ngày 06/12 sau lễ khai mạc Không gian quảng bá di sản Hoàng thành Thăng Long tại thành cổ Provins, di sản văn hoá thế giới của Pháp, nằm trong vùng thủ đô Ile de France.
Các tấm pano giới thiệu về Hoàng thành Thăng Long
Đây là thành quả của sự hợp tác trong nhiều năm qua giữa Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và đô thị cổ Provins. Trước đó, trong năm 2020, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng du lịch Provins và Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam tổ chức triển lãm “Khu đô thị cổ Provins – Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, di sản văn hoá trong lòng đô thị”, nằm trong hoạt động chào mừng kỷ niệm 10 năm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản Văn hoá thế giới.
Phát biểu chào mừng việc mở không gian Hoàng thành Thăng Long tại nhà thờ cổ Saint – Ayoul của đô thị cổ Provins, Thị trưởng thành phố Provins, Olivier Lavenka khẳng định, Hoàng thành Thăng Long và đô thị cổ Provins có một điểm chung hiếm có rất đáng tự hào, đó là cả hai đều là các di sản ngàn năm, đều là các trung tâm lưu giữ các giá trị lịch sử và văn hoá lớn của hai quốc gia. Trong quá khứ, Hoàng thành Thăng Long là trung tâm văn hoá-chính trị của dân tộc Việt Nam còn đô thị cổ Provins cũng nổi tiếng là trung tâm kết nối giao thương của châu Âu từ thời Trung Cổ, trong đó nhà thờ cổ Saint-Ayoul là nơi tổ chức những hội chợ lớn đầu tiên tại Pháp. Ngày nay, đô thị cổ Provins là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất trong vùng thủ đô Ile-de-France và đón tiếp mỗi năm khoảng 1 triệu lượt du khách.
Với những giá trị lịch sử và văn hoá quý giá, cả Hoàng thành Thăng Long và đô thị cổ Provins đều đã được công nhận là Di sản văn hoá thế giới của UNESCO và giờ đây đã trở thành di sản chung của nhân loại. Vì thế, theo Thị trưởng Olivier Lavenka, việc mở ra Không gian Hoàng thành Thăng Long ngay tại nhà thờ cổ Saint-Ayoul, cái nôi sinh ra đô thị cổ Provins, sẽ càng giúp giá trị của hai di sản được lan toả mạnh hơn.
Mô hình hiện vật đầu phượng của Hoàng thành Thăng Long
Thị trưởng Olivier Lavenka cho biết: “Chúng tôi thực sự rất vui mừng. Đây là một sự tự hào lớn lao và cũng là một cơ hội cho đô thị cổ Provins khi nuôi dưỡng được mối quan hệ đối tác với Hoàng thành Thăng Long.
Chúng tôi đã chờ đợi sự kiện này từ rất lâu bởi thời gian qua chúng ta đều bị hạn chế vì Covid-19. Chúng tôi vui mừng đón chào các bạn bè Hà Nội, từ Hoàng thành Thăng Long, vì một quan hệ đối tác sẽ giúp cho các di sản tuyệt vời của Hoàng thành Thăng Long càng thêm giá trị hơn. Hoàng thành Thăng Long và đô thị cổ Provins có rất nhiều điểm chung và sự kiện hôm nay gửi đi một thông điệp rất đẹp về hợp tác du lịch, di sản cũng như tình hữu nghị Pháp-Việt”.
Không gian Hoàng thành Thăng Long với đầy đủ hiện vật tại đô thị cổ Provins sẽ được mở cửa trưng bày trong vòng 1 năm, đến hết tháng 12/2023. Các hiện vật trưng bày sau đó sẽ được trao tặng lại cho đô thị cổ Provins. Riêng các tấm pa-nô quảng bá về Hoàng thành Thăng Long sẽ được giữ lại trong Không gian trưng bày trong vòng 3 năm, đến hết tháng 12/2025, tạo điều kiện cho các du khách Pháp và quốc tế khi đến thăm Provins có thêm thông tin, hiểu biết về các di sản của Hoàng thành Thăng Long.
Khai mạc không gian Hoàng thành Thăng Long
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, hợp tác giữa Hoàng thành Thăng Long và đô thị cổ Provins cũng như giữa thành phố Hà Nội với các cơ quan chính quyền vùng Ile-de France đã được duy trì và thúc đẩy rất hiệu quả trong vài năm qua. Việc trưng bày về đô thị cổ Provins tại Hoàng thành Thăng Long từ năm 2020 đã thu hút được sự chú ý, quan tâm lớn của du khách, do đó, việc mở ra Không gian quảng bá di sản Hoàng thành Thăng Long tại đô thị cổ Provins cũng sẽ giúp đưa các giá trị văn hoá và lịch sử của Hoàng thành Thăng Long được biết đến nhiều hơn trên thế giới.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết: “Vùng Provins và Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã có nhiều hợp tác, trong đó phía Provins cử các cán bộ sang nghiên cứu tại Hoàng thành Thăng Long và Hoàng thành Thăng Long cũng cử cán bộ sang học về công tác bảo tồn, khảo cổ tại Provins. Hai bên cũng phối hợp với nhau để xây dựng các tour, tuyến thăm quan cũng như xây dựng các trung tâm thông tin để sự phối hợp giữa hai bên được tốt nhất. Hy vọng trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Provins để phát huy những thế mạnh của Hoàng thanh Thăng Long và đô thị cổ Provins để hai bên cùng đưa nhau phát triển trong công tác bảo tồn, tôn tạo di sản”./.