Ấn triện lạ vừa phát hiện ở Nghệ An: Giải ảo về Ngọc Tỷ , ấn chương của vua chúa Việt Nam

Nhật Minh |

Ấn chương, một vật ít được quan tâm nghiên cứu lại hàm chứa nội dung lý thú khi tìm hiểu lịch sử và nền hành chính Đại Việt.

Từ tên gọi, hình dáng, chất liệu làm ấn đều mang những ý nghĩa và phân cấp rõ rệt, đồng thời mang dấu ấn của mỗi triều đại. Đặc biệt, đó còn là vật tượng trưng cho quyền uy tối thượng của các bậc thiên tử ngày xưa.

Tên gọi và phân loại

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu có các loại hình ấn chương như sau: Tỷ, Bảo, Ấn, Kiềm ấn, Chương và Tín chương, Quan phòng, Đồ Ký, Kiềm ký, Tín ký, Ký, Ký triện hay Triện.

Ấn triện lạ vừa phát hiện ở Nghệ An: Giải ảo về Ngọc Tỷ , ấn chương của vua chúa Việt Nam - Ảnh 1.

Ấn Đền Trần (Nguồn: Sưu tầm)

Kim ngọc Bảo Tỷ: Là những ấn nhà vua dùng với ý nghĩa phục vụ công việc quốc gia đại sự. Ấn làm bằng ngọc gọi là "Ngọc Tỷ", nếu đúc bằng vàng hay bạc gọi là "Kim Bảo Tỷ".

Ấn: Là ấn lớn của cơ quan từ trung ương xuống đến địa phương cấp huyện, châu và trong quân đội một số tướng lĩnh cũng được phép sử dụng loại ấn này

Kiềm ấn: Là loại ấn nhỏ của các cơ quan đi liền cặp với ấn lớn, thường được gọi là bộ ấn kiềm. Đây là loại ấn nhỏ, còn gọi là dấu kiềm, phân biệt với Kiềm ký.

Chương và Tín chương: Là loại ấn dùng cho quan đứng đầu cấp doanh, trấn, đạo (chính quyền địa phương cấp tỉnh, và dưới tỉnh) tồn tại dưới thời Vua Gia Long đến đời Minh Mệnh thứ 13 (1802-1832).

Ấn triện lạ vừa phát hiện ở Nghệ An: Giải ảo về Ngọc Tỷ , ấn chương của vua chúa Việt Nam - Ảnh 2.

Ấn "Sắc mệnh chi bảo" thời nhà Trần (Nguồn: Sưu tầm)

Quan phòng: Là loại ấn chức vụ của các quan chức, tướng lĩnh, thường gọi là quan phòng chức vụ. Ấn này bắt đầu sử dụng từ thời Nguyễn.

Đồ Ký: Ra đời và sử dụng dưới thời nhà Nguyễn, đây là loại ấn dùng cho các quan lớn chính ngạch, thường là các quan phụ trách phân phủ, giáo dục ở phủ, huyện, Trưởng quan các Ty, Sở và sĩ quan đứng đầu các Vệ, Cơ, Thuyền của quân đội.

Kiềm ký: Ấn này dùng cho các chức chỉ huy ở cửa thành, cửa khẩu, cửa biển, các đồn, trạm,…những đơn vị hành chính nhỏ có tính chất riêng biệt.

Tín ký: Đây là loại ấn riêng cho tất cả các quan viên, văn, võ trong triều ngoài kinh từ đại thần, vương công đến hàng bát, cửu phẩm.

Ký: Là loại ấn nhỏ dùng cho các lại thuộc ở cơ quan như Thư lại, Vị nhập lưu thư lại, những người chưa có phẩm hàm hoặc phẩm hàm thuộc hàng thấp nhất.

Triện hay Ký triện: Ấn nhỏ của Cai tổng (Chánh tổng) và Lý trưởng, những người đại diện cho chính quyền địa phương ở cấp thấp nhất (Tổng, làng, xã).

Ấn tín tư nhân: Bao gồm tất cả những quả ấn của cá nhân dùng với tính chất tự do trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thường được gọi với tên "Tư ấn" nhằm phân biệt với "Quan ấn" của nhà nước.

Hình thể của ấn chương

Ấn triện lạ vừa phát hiện ở Nghệ An: Giải ảo về Ngọc Tỷ , ấn chương của vua chúa Việt Nam - Ảnh 3.

Hoằng Tông Tuyên Hoàng Đế chi bảo (đời Vua Khải Định) (Nguồn: Sưu tầm)

Hình thể của các loại ấn từ Bảo Tỷ của vua đến Triện của Tổng, Lý rất đa dạng, tuy nhiên tất cả đều được làm theo một số quy định cụ thể của nhà vua. 

Những Bảo Tỷ của vua dùng với ý nghĩa quốc gia trọng đại, núm thường làm theo hình rồng với những kiểu dáng khác nhau: Rồng cuốn, rồng ngồi, rồng đứng, rồng đi, có ấn làm làm hình hai con rồng đang cuốn vào nhau. Đặc biệt, có một số ít Bảo Tỷ dùng ngoài ý nghĩa quốc gia thì núm làm theo hình của kỳ lân.

Ấn triện lạ vừa phát hiện ở Nghệ An: Giải ảo về Ngọc Tỷ , ấn chương của vua chúa Việt Nam - Ảnh 4.

Sắc mệnh chi bảo (đời Vua Minh Mạng) (Nguồn: Sưu tầm)

Đa số các ấn của các triều đại đều làm theo kiểu núm chuôi vồ. Riêng nhà Nguyễn có ấn Đình thần chi ấn núm chạm hình con rồng có sừng. Ấn ở lục Bộ và Tôn nhân phủ chạm kỳ lân. 

Ấn của tướng lĩnh cao cấp, ấn ở trường thi, ấn doanh, trấn thường chạm hổ hay sư tử ở núm, cũng có một số ấn hình lạc đà để giành cho một viện hoặc gia phong cho các nước lân bang. 

Trong khi đó, ấn lưu kinh làm theo hình núi. Ấn ở lục Tự, chư nha, ấn quan Bố chánh, Án sát và ở phủ, huyện, châu làm theo kiểu chuôi vồ núm thẳng.

Ấn triện lạ vừa phát hiện ở Nghệ An: Giải ảo về Ngọc Tỷ , ấn chương của vua chúa Việt Nam - Ảnh 5.

Phong cương vạn cổ (dưới thời Vua Minh Mạng) (nguồn: Sưu tầm)

Đồ ký, Kiềm ký, Tín ký, Ký, Triện và Ký triện đều sử dụng những hình thể đơn giản. Trừ Đồ ký trong quân đội và cấp Phân phủ là dùng núm tay quai còn tất cả sử dụng núm có chuôi vồ, dài hoặc ngắn tùy theo chức vụ người sử dụng.

Ngoài phần núm của ấn chương được trang trí thì mặt dưới của dấu và viền ngoài cũng được chạm khắc tinh xảo. Đó thường là các hình lưỡng long chầu nguyệt, họa tiết hoa lá, mô típ cung đình.

Chất liệu làm ấn

Chất liệu chế tác Kim ngọc Bảo Tỷ và tất cả các loại ấn từ thời Lê sơ đến thời Nguyễn đều phải theo quy chế của vua và triều đình. Những chất liệu chính bao gồm: Ngọc, vàng, bạc, ngà quý, ngà thường, đá quý, cẩm thạch, gỗ quý và thủy tinh. Cụ thể:

Tỷ của Vua bao giờ cũng được làm bằng ngọc. Có loại ngọc thường, có loại ngọc tốt, thường sử dụng hai loại là: Ngọc xanh và ngọc trắng. Ngọc tỷ chủ yếu được làm dưới thời nhà Nguyễn, vì quý hiếm nên loại này ít hơn so với Kim Bảo Tỷ.

Ấn triện lạ vừa phát hiện ở Nghệ An: Giải ảo về Ngọc Tỷ , ấn chương của vua chúa Việt Nam - Ảnh 6.

Vạn thọ vô cương (Ngọc tỷ của Vua Minh Mạng) (nguồn: Sưu tầm)

Kim Bảo Tỷ của nhà vua được đúc bằng vàng hoặc bạc. Nhà Nguyễn có đến hàng trăm quả ấn loại này, có quả nặng 395 lượng vàng như Kim bảo Sắc mệnh chi bảo là một điển hình.

Các đại thần, tướng lĩnh, các quan cao cấp trong triều được dùng ấn Quan phòng, Kiềm ấn có chất liệu bằng bạc; dưới đó như Thị lang, Thống chế,… thì ấn Quan phòng làm bằng ngà tốt, đồng pha; dưới đó nữa thì Đồ ký, Kiềm ấn làm bằng ngà thường và đồng.

Ấn triện lạ vừa phát hiện ở Nghệ An: Giải ảo về Ngọc Tỷ , ấn chương của vua chúa Việt Nam - Ảnh 7.

Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh (đời vua Thiệu Trị) (nguồn: Sưu tầm)

Ấn cơ quan, Chương và Tín chương, Quan phòng chức vụ, Đồ ký, Kiềm ký được đúc bằng chất liệu đồng chiếm đa số. Hình dạng, trọng lượng, thể tích của mỗi loại khác nhau để phân biệt chức vụ.

Quan lại nhỏ như Giáo thụ, Huấn đạo sử dụng Đồ ký và Kiềm ký đều sử dụng gỗ tốt để làm. Ngoài ra, những Kiềm ấn của những quan nhỏ cũng làm bằng gỗ.

Triện hay Ký triện của Tổng, Lý ở cấp tổng và xã bao giờ cũng được làm bằng gỗ.

Ấn triện lạ vừa phát hiện ở Nghệ An: Giải ảo về Ngọc Tỷ , ấn chương của vua chúa Việt Nam - Ảnh 8.

Ấn Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu Chi bảo (nguồn: Sưu tầm)

Riêng có Kiềm ký hay Ký thì được làm bằng nhiều loại chất liệu khác nhau. Kiềm ký hay Ký có thể được làm bằng ngà, đá, đồng, gỗ nó tùy thuộc vào tước phẩm của quan lại sử dụng. Nguyên tắc, quan lớn thì chất liệu quý và tốt hơn, các quan nhỏ thường dùng chất liệu gỗ thường.

Chất liệu ít được sử dụng làm ấn nhất đó là thủy tinh. Giống với Bảo ấn bằng cẩm thạch, ấn thủy tinh có số lượng rất ít, nó mang những nội dung ý đẹp, lời hay, ví như "Ký thọ Vĩnh xương".

Đối với loại hình ấn tư nhân, không quy định chung, ai thích làm bằng chất liệu gì tùy ý. Tuy nhiên, chất liệu hay được sử dụng nhất là ngà, đá, đồng, gỗ.

Ấn triện lạ vừa phát hiện ở Nghệ An: Giải ảo về Ngọc Tỷ , ấn chương của vua chúa Việt Nam - Ảnh 9.

Khải Định Hoàng Đế chi tỷ (nguồn: Sưu tầm)

Nhận xét:

Ấn chương là một kênh thông tin tiếp cận và tìm hiểu lịch sử Đại Việt. Thông qua ấn chương, ngày nay chúng ta có thể thấy được sự đa dạng của mỹ thuật, điêu khắc, chạm trổ của Đại Việt cách đây nhiều thế kỷ. 

Từ uy quyền tuyệt đối của nhà vua, sự phân tầng quản lý đến phân tầng xã hội cũng được biểu hiện sinh động trong hình thức, vật liệu và trọng lượng của các loại ấn chương.

Tài liệu tham khảo chính

- Nguyễn Công Việt (2006), Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX, Nxb Khoa học Xã hội, HN.

- Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư tập I, II, III, Nxb Khoa học Xã hội, HN, Tr 262, 266.

- Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm Định Việt sử thông giám cương mục tập I, II, Nxb Giáo dục, HN.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại