Năm 2017 là năm sôi động hơn hẳn mấy năm trước đó ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), chiến tranh và nội chiến ở Syria và Iraq cùng với xung đột giữa Israel và Palestine cũng như sự can dự của nhiều đối tác bên ngoài là nguyên cớ.
Nhưng còn một lý do quan trọng không kém là vai trò của một cá nhân: Mohammed bin Salman, được gọi là MbS, sinh năm 1985, hiện nắm giữ nhiều trọng trách trong vương triều Ả rập Xê út như Thái tử, phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Chánh văn phòng quân vương, Tư lệnh lực lượng cận vệ, đứng đầu Uỷ ban quốc gia chống tham nhũng...
Độc nhất vô nhị
Tuổi còn trẻ mà đã quyền cao chức trọng đến thế là trường hợp độc nhất vô nhị xưa nay ở vương triều sa mạc này. MbS là con trai của quốc vương Salman. Người này kế nhiệm anh trai hồi tháng 1/2015 sau khi người anh qua đời và không hao phí thời gian để gây dựng MbS làm người kế thừa chính mình và "chi" của mình trong dòng tộc Saudi vốn theo thời gian đến nay rất đông đảo, rất nhiều "chi" và đều giàu có nhờ khai thác dầu lửa để bán.
Ngay trong ngày cầm quyền đầu tiên, ông Salman đã cử MbS, khi ấy chưa đủ 30 tuổi, là Bộ trưởng Quốc phòng và Chánh văn phòng quân vương.
Chỉ ba tháng sau, MbS được đẩy lên vị trí thứ hai trong thứ bậc kế thừa ông Salman, sau Thái tử khi đó là Mohammed bin Naif, con trai của người anh đã quá cố của ông Salman. Theo quy định từ trước tới nay trong hoàng tộc Ả rập Xê út thì Naif sẽ là người trở thành quân vương mới khi ông Salman qua đời hoặc thoái vị và ngôi báu chỉ có thể đến với MbS trong trường hợp Naif từ chối lên ngôi hoặc chết.
Hơn hai năm sau, ông Salman phế truất Thái tử Naif để lấy chỗ cho MbS. Cuộc cách mạng ở hậu cung của vương triều này đã qua giai đoạn đầu tiên là tập trung mọi quyền bính vào tay "chi" của ông Salman. MbS đã được đặt vào bệ phóng để tiếp cận và chiếm lĩnh ngôi báu.
Tháng 5/2015, Tổng thống Obama đón tiếp Thái tử khi đó là Mohammed bin Naif (giữa) và Hoàng tử Mohammed bin Salman (phải) đến thăm Nhà Trắng. Ảnh: Getty
Cách mạng cung đình và ngôi sao mới nổi
Giai đoạn tiếp theo của cuộc cách mạng cung đình mà ông Salman cùng con trai tiến hành là củng cố vị thế quyền lực và thanh trừng, loại bỏ hết mọi đối thủ và địch thủ tiềm năng có thể gây nguy hại tới công danh sự nghiệp và cả sinh mạng của MbS và chi tộc này.
Chiêu bài được sử dụng là chống tham nhũng. Biện pháp được áp dụng là bắt giam. Đối tượng bị xử lý là 11 hoàng tử và 38 Bộ trưởng, cựu Bộ trưởng và thành viên nội các cùng với một số đại gia, trong đó có cả người được coi là giàu nhất xứ sở sa mạc này. MbS không chỉ tập trung quyền lực vào tay mình mà còn phô diễn quyền lực, tạo uy và trấn áp mọi sự chống đối.
MbS tự chứng tỏ không chỉ có trị vì mà còn cả kiến tạo. Ai ai cũng thừa biết rằng người này chủ mưu phát động cuộc chiến tranh ở Yemen để đẩy lùi ảnh hưởng của Iran, gia tăng mức độ quyết liệt trong mối thâm thù với Iran và ganh đua vai trò cường quốc khu vực cũng như lãnh đạo thế giới Hồi giáo với Iran; bài binh bố trận để thuần phục Qatar với việc tiến hành cuộc chiến tranh ngoại giao và kinh tế, thương mại chống Qatar; gây áp lực buộc thủ tướng Lebanon Hariri phải từ chức.
Ở trong nước, MbS gây dựng hình ảnh về vị quân vương của tương lai có tầm nhìn xa trông rộng về chiến lược. Ông này đưa ra "Tầm nhìn 2030" - một kế hoạch phát triển đầy tham vọng cho Ả rập Xê út với mục tiêu là chuẩn bị cho thời kỳ vương triều này không còn trông cậy vào dầu lửa được nữa mà phải có được những ngành kinh tế mới.
MbS còn chủ xướng một số cải cách chính trị và luật pháp gây tiếng vang không nhỏ như cho phép phụ nữ lái xe ô tô hay ra sân vận động xem thi đấu thể thao. Tranh thủ thế hệ trẻ và bộ phận thần dân là phụ nữ được MbS sử dụng đồng thời với loại bỏ đối thủ chính trị. Chống tham nhũng và coi hoàng tộc không phải là "vùng cấm" đúng là cần thiết thật đối với MbS, nhưng rõ ràng cũng còn được người này lợi dụng một cách dân tuý đặc sệt.
MbS vì thế được coi như ngôi sao đang lên ở bầu trời xứ Ả rập Xê út.
Nhìn về bề ngoài thì đúng như thế thật. Nhưng nhìn vào thực chất thì năm qua lại không hẳn đã thành công đến thế đối với MbS, đặc biệt về đối ngoại.
Chắc chắn là sự chống đối trong hoàng tộc vẫn âm ỉ và không hẳn không quyết liệt. Nội bộ xã hội ở vương quốc này vẫn sôi sục về bất công và bất bình đẳng. Tầm nhìn 2030 chủ yếu vẫn còn ở trên giấy. Kinh tế ở đây vẫn chưa qua thời kỳ khó khăn.
Cuộc chiến tranh ở Yemen đã biến dạng trở thành cuộc phiêu lưu quân sự chưa biết đến khi nào mới chấm dứt đối với Ả rập Xê út. MbS đã thất bại gần như hoàn toàn với chủ ý gây hấn với Qatar. Năm 2017, Ả rập Xê út thua hẳn Iran trên nhiều phương diện.
Ngôi sao đang lên này không biết sẽ lên được đến đâu và sáng được bao lâu. Người này có tham vọng quyền lực và ý chí giành quyền, cũng có trí tuệ và tầm nhìn. Nhưng dục tốc quá ắt sẽ bất đạt. Không ai có thể chắc chắn rằng ngôi sao mới nổi này một lúc nào đó sẽ không thất bại.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.