Trong số 30 quốc gia NATO, không có nước nào khiến liên minh quân sự này phải “đau đầu” như Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ có đội quân lớn thứ 2 trong NATO và nằm ở vị trí trung tâm của khu vực có tầm quan trọng chiến lược, khiến nước này được đánh giá là một đồng minh không thể thiếu.
Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sẵn sàng đối đầu với Nga, một đối thủ lâu đời của Ankara, và tiếp tục ủng hộ các lợi ích, sứ mệnh của NATO trong khu vực cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, mối quan hệ ngày càng nồng ầm giữa Ankara với Moscow đang khiến mọi thứ trở nên phức tạp đối với NATO.
Tình trạng hiện tại của mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là “kết quả” của những thay đổi trong khu vực, sự chuyển đổi ưu tiên sau Chiến tranh Lạnh và cũng như sự thay đổi cán cân quyền lực khu vực trong thập kỷ qua.
Mối quan hệ này khó có khả năng phát triển thành liên minh, nhưng sự gần gũi thấy rõ và tác động của nó với các lợi ích của NATO đang chọc giận các thành viên khác của khối.
Bất đồng nhưng vẫn hợp tác
Về mặt lịch sử, mối quan hệ Nga-Thổ có những bất đồng, bằng chứng là thực tế hai bên đối đầu nhau trong nhiều cuộc chiến tranh từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ hợp tác hạn chế đầu thế kỷ 20, nhưng sau những bất đồng thời hậu Thế chiến II dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO năm 1952 (cùng Hy Lạp), Ankara và Moscow đã ở 2 bên đối lập rõ ràng trong hầu hết các vấn đề. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn đồng ý cho Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân và cho tới nay vẫn còn hàng chục vũ khí vẫn được lưu trữ tại đây.
Tuy nhiên, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, mối quan hệ giữa 2 nước bắt đầu “tan băng”. Năm 1987, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nhập khẩu khí đốt của Liên Xô và Nga sau đó trở thành nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan hệ kinh tế Nga-Thổ cũng phát triển sau khi Liên Xô tan rã. Nga đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Thổ Nhĩ Kỳ (sau Liên minh châu Âu) vào năm 2008. Năm 2010, hai nước ký thỏa thuận đi lại miễn thị thực.
Mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tạo điều kiện cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa 2 nước. Các mối quan hệ này trở nên gần gũi hơn sau cuộc đảo chính thất bại tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.
“Hành động cân bằng” giữa Nga và phương Tây
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 của Nga, tiến hành chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria và các chiến dịch chống người Kurd tại đây, cùng với các cuộc trấn áp người biểu tình sau đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến nhiều nước phương Tây áp lệnh trừng phạt và giảm hợp tác với Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn là một đối tác đáng tin cậy của các nước phương Tây và hiện đang cân bằng một cách thận trọng giữa phương Tây và Nga.
Tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ cũng không hoàn toàn hài lòng với tham vọng và hành động gần đây của Nga.
Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, can thiệp quân sự ở Syria năm 2015 cũng như ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Moscow ở Biển Đen và Caucasus đều khiến Thổ Nhĩ Kỳ bất an về nước láng giềng.
“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục hành động cân bằng. Ankara về cơ bản không tin tưởng Moscow, nhưng họ cũng không chắc chắn về sự ủng hộ của phương Tây”, ông Stephen Flanaga, nhà khoa học chính trị cấp cao tại RAND cho biết.
Xung đột và đối đầu
Xung đột giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, đặc biệt ở Syria, có thể cho thấy rõ những bất đồng cơ bản giữa Ankara và Moscow.
Theo giới chức Mỹ, “hàng chục” binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sát hại trong các chiến dịch quân sự của Nga ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắn hạ 1 máy bay của Nga tại đây và tiến hành các chiến dịch trực tiếp nhằm vào đồng minh Syria của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng xung đột với các bên được Nga ủng hộ ở Libya.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng hỗ trợ quân sự cho các nước lân cận có xung đột với Nga hoặc đồng minh của Nga, trong đó bao gồm cả việc giúp các nước láng giềng của Nga ở Biển Caspi củng cố sức mạnh hải quân.
Ankara xây dựng mối quan hệ gần gũi với Ukraine từ năm 2014, bán UAV quân sự cho Ukraine, giúp Kiev tái thiết lực lượng hải quân.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng công khai ủng hộ việc Ukraine và Gruzia trở thành thành viên NATO trong khi nhiều đồng minh khác trong liên minh phản đối.
Dù việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa 2 bên, nhưng những nỗ lực hiện đại hóa quân sự cũng là một phản ứng của Ankara trước việc Moscow tăng cường năng lực quân sự.
Mặt khác, Ankara cũng chưa bao giờ từ bỏ các mối quan hệ đối tác quân sự với phương Tây. Mặc dù Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 sau thương vụ S-400, nhưng Ankara gần đây đã đề nghị Washington bán 40 máy bay F-16 mới và 80 bộ hiện đại hóa cho phi đội hiện tại của nước này.
“Thổ Nhĩ Kỳ muốn bảo vệ các lợi ích riêng ở khu vực rộng lớn hơn và vẫn rất lo ngại về Nga”, ông Flanaga nói.
Những rủi ro trong tương lai
Bất chấp những lo ngại, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hợp tác rộng rãi với Nga. Nga đang xây dựng một số lò phản ứng hạt nhân cho Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Erdogan đã từ chối loại trừ khả năng mua thêm thiết bị quân sự của Nga.
Mối quan hệ hợp tác hiện nay một phần cho thấy Ankara chấp nhận thực tế địa chính trị.
“Ở khía cạnh nào đó, Thổ Nhĩ Kỳ không có lựa chọn nào khác ngoài mối quan hệ hợp tác với Nga, dù Nga nắm trong tay những nước cờ cuối cùng ở Syria và tăng cường sức mạnh ở Biển Đen”, ông Flanagan nói.
Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ NATO tăng cường hiện diện ở Biển Đen để kiềm chế Nga, nhưng Ankara cũng không muốn làm dấy lên một cuộc khủng hoảng.
Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như “lơ lửng” giữa đối đầu và đối tác, nhưng những lợi ích cạnh tranh ở Biển Đen, Trung Đông và Bắc Phi khiến mối quan hệ đối tác có thể nhanh chóng trở thành đối đầu.
“Đó là mối quan hệ không ổn định, dễ dàng thay đổi, nếu 1 trong 2 bên tính toán sai lầm”, ông Flanagan nói.