Vài ngày qua, truyền thông Israel đã liên tục đăng tải các thông tin về việc Iran dường như đang chấm dứt sự hiện diện quân sự trong khu vực, bao gồm sơ tán một số căn cứ và thu hẹp nhân lực ở Syria.
Điều này được lý giải là do áp lực ngày càng đè nặng lên Tehran đến từ lệnh trừng phạt của Mỹ và dịch bệnh làm suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Ngoài ra, Iran cũng không thể duy trì hoạt động quân sự ở Syria với quy mô lớn như trước đây khi không còn tướng Qasem Soleimani.
Nếu sự rút lui của Iran ở Syria là sự thật thì đây được coi là tin mừng của Israel. Trong vài năm qua, sự hiện diện quân sự tăng cường của Tehran ở Syria đã trở thành cái gai trong mắt quốc gia Do Thái.
Israel lo sợ rằng một khi tích lũy quân sự đầy đủ, Iran sẽ sử dụng Syria làm bệ phóng cho các cuộc tấn công vào lãnh thổ nước này. Để hóa giải mối lo ngại, Israel đã thực hiện hàng trăm cuộc không kích nhắm mục tiêu ở Syria trong thời gian qua.
Ưu tiên hàng đầu của Iran
Trong khi truyền thông Israel ăn mừng, một số quan điểm lại tỏ ra dè dặt về thông tin Iran chôn vùi kế hoạch ở Syria. Thứ trưởng Quốc phòng Israel Avi Dichter là một trong số đó. Nhận xét về các báo cáo mới, ông cho rằng Iran sẽ không từ bỏ ảnh hưởng quân sự mà nước này đã mất công gây dựng nhiều năm một cách dễ dàng như vậy.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Eado Hecht, một chuyên gia quân sự từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin-Sadat cũng nhấn mạnh: "Người Iran sẽ không dễ gì từ bỏ các mục tiêu của họ trong khu vực mà trong đó là thành lập và lãnh đạo một mặt trận Shiite thống nhất".
Theo kế hoạch của Iran, mặt trận Shiite này là mạng lưới các quốc gia có dân số người Shiite lớn, tạo nên một hành lang kéo dài từ nước láng giềng Iraq và tới các quốc gia trên Địa Trung Hải như Lebanon và Syria.
Mục tiêu nói trên vốn đã được Iran theo đuổi ngay sau khi kết thúc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Sau khi cựu Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ và các lực lượng Mỹ thiết lập sự hiện diện tại đây, người Iran cũng nhanh chóng mở rộng đòn bẩy ảnh hưởng ở Iraq bằng cách ủng hộ các nhóm dân quân có tiếng nói và ảnh hưởng lớn.
Sự sụp đổ của Saddam Hussein cũng đã thúc đẩy hoạt động của Iran ở Lebanon, nơi dân quân Shiite của Iran đã tích lũy được một kho vũ khí ấn tượng.
Tại Syria, hoạt động mở rộng của Iran đã bị khựng lại do sự miễn cưỡng của giới lãnh đạo đất nước trong việc cho phép nước này thao túng chính trị. Tuy nhiên, rào cản này đã được gỡ bỏ phần nào vào năm 2011, khi cuộc chiến giữa chính quyền hợp pháp của Tổng thống Assad và phiến quân đối lập nổ ra. Trong đó, Tehran đã hỗ trợ tài chính và quân sự giúp cho Damascus.
"Cuộc chiến ở Syria đã cho người Iran cơ hội kết nối các hành động của họ ở Iraq và Lebanon. Tổng thống Assad cần tài trợ của Iran và sự hỗ trợ quân sự của họ. Vì vậy, ông đành phải cho phép họ hoạt động ở Syria", chuyên gia Hecht giải thích.
Từ đó đến nay, Iran đã định hình một mạng lưới quân sự và ảnh hưởng đáng kể ở Syria. Theo truyền thông Israel, năm 2018, Iran có tới mười căn cứ ở quốc gia này. Ngoài ra, Iran cũng được cho là đã huấn luyện khoảng 20.000 chiến binh ở Syria với mục đích đảm bảo quyền lực của Tổng thống Assad được giữ vững.
Israel không đủ mạnh?
Mạng lưới ảnh hưởng của Iran trong khu vực đang phát triển mạnh mẽ.
Sự hiện diện của Iran ở Iraq, Lebanon và đặc biệt ở Syria – có thể không phải là mối bận tâm đối với nhiều quốc gia nhưng đối với Israel, sự hiện diện quân sự có chủ đích của một quốc gia được coi là đối thủ truyền kiếp lại là điều vô cùng nguy hiểm.
Trong những năm qua, nhiều báo cáo cho rằng Israel đã đẩy mạnh các cuộc tấn công vào Syria, nhắm vào các căn cứ quân sự, kho vũ khí của Iran và các mục tiêu chiến lược khác.
Tuy nhiên, chuyên gia Hecht nói rằng các cuộc tấn công của Israel cho đến lúc này dù dã tàn phá đáng kể nhưng không có khả năng ngăn chặn chiến lược của Iran. Các nỗ lực tấn công đó về cơ bản chỉ giúp trì hoãn phần nào kế hoạch củng cố sự hiện diện của Iran trong khu vực, giúp Israel có thêm nhiều thời gian hơn để chuẩn bị trước rủi ro.
"Học thuyết an ninh của Israel dựa trên sự thấu hiểu rằng chúng ta không bao giờ có thể đánh bại hoàn toàn hoặc tiêu diệt bất kỳ kẻ thù nào, mà chỉ có thể làm tổn thương hoặc tạm thời khiến kẻ thù dừng lại.
Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp phải đối đầu với các đối thủ ngang ngửa hoặc mạnh hơn. Nó được cho là phù hợp với cuộc chiến chống Iran hiện tại của Israel", chuyên gia Hecht nêu quan điểm.
Israel hiểu rằng họ sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn các hành động của Iran ở sát biên giới.
"Người Iran rất kiên nhẫn và đang chơi trò chơi dài hạn. Nếu họ rút quân đội ra khỏi Syria thì đó có lẽ chỉ là để tiết kiệm chi phí, vì các lệnh trừng phạt của Mỹ đang làm tổn thương họ, hoặc có thể họ đang che giấu vũ khí nào đó. Nhưng, dù là bất kỳ trường hợp nào, nếu họ rút khỏi Syria, đó cũng chỉ là tạm thời", nhà phân tích quân sự kết luận.