Úc lo ngại về dịch bệnh lở mồm long móng ở Indonesia

Hồng Anh |

Theo đài CNN (Mỹ), các quan chức Úc đang hết sức lo ngại về dịch bệnh lở mồm long móng ở Indonesia.

Ảnh minh họa: CNN

Ảnh minh họa: CNN

Mối lo ngại của Úc

Nước Úc đang trải qua mùa đông, và cũng là thời điểm nhiều người dân nước này tranh thủ tận hưởng kỳ nghỉ ở nước ngoài lần đầu tiên sau gần 3 năm đại dịch COVID-19.

Theo CNN, có hàng ngàn người dân Úc đã và đang lựa chọn đảo Bali của Indonesia là điểm đến của mình trong tháng 7 này để tận hưởng ánh nắng mặt trời của xứ nhiệt đới.

Thế nhưng, làn sóng du lịch này lại đang dấy lên nhiều lo ngại trong giới chức Úc bởi những "thứ" mà du khách có thể đem về nhà. Nhiều quan chức Úc đang cân nhắc về việc yêu cầu người dân đến đảo Bali du lịch không mang dép xỏ ngón (dép tông) của họ về Úc.

CNN cho biết lí do là bởi bệnh lở mồm long móng (FMD) đang lây lan nhanh chóng qua đàn gia súc ở Indonesia, và trong tuần này, Bali đã xác nhận các ca bệnh đầu tiên. Đảo Bali là một địa điểm du lịch nổi tiếng có các chuyến bay thẳng đến 7 thành phố của Úc.

Giám đốc Cục Thú Y của Úc, ông Mark Schipp, cảnh báo: "Bệnh lở mồm long móng sẽ rất thảm khốc nếu nó xâm nhập vào nước Úc". Ông Schipp hiện đang tư vấn cho chính phủ Úc về các cách để ngăn chặn và đối phó với virus lở mồm long móng.

Ẩn họa tiềm tàng từ dép tông bẩn khiến Úc đặc biệt lo ngại: Bài học đắt giá từ Anh - Ảnh 1.

Khách du lịch quốc tế tại sân bay Ngurah Rai ở Bali, Indonesia. Ảnh: CNN

Bệnh lở mồm long móng vô hại đối với con người, nhưng lại gây ra các vết phồng rộp và tổn thương đau đớn trên miệng và bàn chân của các loài động vật có móng như trâu bò, cừu, lợn, dê và lạc đà, khiến chúng không ăn được, trong một số trường hợp có thể khiến gia súc bị què hoặc tử vong.

Căn bệnh này được coi là mối đe dọa an toàn sinh học lớn nhất đối với vật nuôi của Úc, và một đợt bùng phát có thể dẫn đến việc tiêu hủy hàng loạt động vật nhiễm bệnh và đóng cửa thị trường xuất khẩu thịt bò đem lại nguồn doanh thu lớn cho Úc trong nhiều năm tới.

Chủ tịch Liên đoàn Nông dân Úc Fiona Simson nhấn mạnh: "Người nông dân sẽ chịu những tác động nặng nề nếu bệnh lở mồm long móng xâm nhập vào Úc. Nhưng không chỉ người nông dân chịu thiệt hại, mà nền kinh tế của Úc còn đối mặt với nguy cơ mất 80 tỷ USD. Đó sẽ là thảm họa kinh tế đối với tất cả mọi người".

Úc đã bắt đầu tăng cường kiểm soát an toàn sinh học tại các sân bay, kiểm tra hành lý đối với các sản phẩm thịt và pho mát, đồng thời cảnh báo khách du lịch rằng bụi bẩn trên giày của họ có thể vô tình gây ra đợt bùng phát bệnh lở mồm long móng đầu tiên ở Úc sau 150 năm.

Mặc dù vậy, nước này vẫn chưa triển khai biện pháp khử trùng giày bằng dung dịch hóa chất mạnh, do nhiều người trở về từ Bali không đi ủng mà đi dép tông - loại dép không tương thích với các biện pháp an toàn sinh học tiêu chuẩn.

"Họ không thể để hóa chất tiếp xúc với da của mình", ông Schipp cho biết các quan chức Úc đang cân nhắc việc yêu cầu du khách bỏ lại giày dép, đặc biệt là dép tông, trước khi trở về từ Bali.

Dịch lở mồm long móng ở Indonesia

Kể từ khi những ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào tháng 4, dịch lở mồm long móng đã và đang lan nhanh ở Indonesia. Vào tháng 5, các nhà chức trách Indonesia đã cảnh báo Úc, New Zealand, các nước Bắc Mỹ và Trung Mỹ, và Tây Âu - là những nơi không có dịch bệnh này.

Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Syahrul Yasin Limpo cho biết nước này đã nỗ lực triển khai chương trình tiêm phòng cho gia súc, nhưng tính đến ngày 27/6, Indonesia mới chỉ tiêm phòng được cho 58.275 cá thể gia súc trong tổng số khoảng 17 triệu cá thể trên toàn quốc.

Ông Schipp cho biết việc triển khai chương trình tiêm phòng chậm đã cho thấy những thách thức về hậu cần ở quốc gia châu Á này.

Ẩn họa tiềm tàng từ dép tông bẩn khiến Úc đặc biệt lo ngại: Bài học đắt giá từ Anh - Ảnh 2.

Nhân viên kiểm tra sức khỏe cho bò ở Bandung, Tây Java, Indonesia. Ảnh: CNN

Thời điểm bùng phát dịch bệnh lở mồm long móng tại Indonesia là vài tuần trước khi "lễ hiến tế" Idul Adha, bắt đầu, khi một số lượng lớn động vật được bán ra để phục vụ nhu cầu giết thịt trong ba ngày kể từ ngày 10/7. Sau khi các gia đình cầu nguyện và dùng bữa cùng nhau, họ sẽ giết mổ gia súc và phân phát cho người nghèo.

Ông Mike Tildesley, một chuyên gia về mô hình bệnh truyền nhiễm tại Đại học Warwick, cho biết, thực tế việc giết mổ không làm tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm, mà là việc phân phối động vật từ các nơi để phục vụ cho lễ hội.

"Chúng tôi đã quan sát điều tương tự ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có một lễ hội hàng năm có tên là Kurban và cũng có dịch lở mồm long móng lưu hành", ông Tildesley nói.

Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, tính đến ngày 7/7, dịch lở mồm long móng bùng phát ở nước này đã lây lan sang hơn 330.000 cá thể gia súc ở 21 tỉnh.

Bài học từ Vương quốc Anh

Khi bệnh lở mồm long móng được phát hiện ở cừu ở Vương quốc Anh 2001, hậu quả thực sự tàn khốc. Vào thời điểm đó, chính phủ Anh đã lên kế hoạch khoanh vùng 10 địa điểm lây nhiễm.

Thế nhưng, trước khi được phát hiện, căn bệnh này thực tế đã lây lan đến 57 địa điểm. Sau đó sự thiếu phối hợp đã khiến việc triển khai tiêm chủng khẩn cấp bị chậm trễ. Trong 7 tháng chính phủ Anh tìm cách đối phó với virus lở mồm long móng, đã có hơn 6 triệu cá thể gia súc bị tiêu hủy.

Một năm sau, chính phủ Anh đã giải quyết được dịch bệnh, nhưng tác động của nó còn lan rộng đến nhiều lĩnh vực khác ngoài thương mại, trong đó bao gồm ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng vì lệnh hạn chế di chuyển từ vùng dịch.

Chính phủ và thành phần tư nhân của Anh đã thiệt hại tổng cộng 8 tỷ bảng Anh (9,5 tỷ USD) trong đợt dịch lở mồm long móng năm 2001, theo CNN.

Ẩn họa tiềm tàng từ dép tông bẩn khiến Úc đặc biệt lo ngại: Bài học đắt giá từ Anh - Ảnh 3.

Gia súc bị thiêu hủy trên một cánh đồng ở Lockerbie, Scotland, trong đợt dịch chân tay miệng năm 2001 ở Anh. Ảnh: CNN

Ông Ross Ainsworth, một bác sĩ thú y có kinh nghiệm 40 năm hành nghề và đang sinh sống ở Bali, cho biết khách du lịch rất dễ tiếp xúc với gia súc và mang virus về nhà khi đến đảo này, bỏ "gia súc ở khắp mọi nơi trên đảo Bali. Virus lở mồm long móng có thể tồn tại trong vài ngày trên đế giày hoặc lâu hơn một chút nếu nhiệt độ thấp hơn".

Liên đoàn Nông dân Úc đã hoan nghênh việc tăng cường kiểm soát an toàn sinh học, nhưng cũng nói rằng chính phủ nên "liên tục xem xét" các biện pháp an ninh và có khả năng phải buộc tất cả khách du lịch đến từ các khu vực có nguy cơ cao phải kiểm tra an toàn sinh học.

Ẩn họa tiềm tàng từ dép tông bẩn khiến Úc đặc biệt lo ngại: Bài học đắt giá từ Anh - Ảnh 4.

Đàn bò gần một khu villa cho khách du lịch ở Seminyak, một thị trấn ven biển ở phía Nam Bali. Ảnh: CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại