Con chó đi lạc và nhát kéo gây tổn hại 43% sức khỏe
Theo cáo trạng số 58/CT-VKSLN ngày 07/10/2020 của Viện KSND huyện Lý Nhân (Hà Nam), do Phó Viện trưởng Trần Văn Quang ký, nêu rõ sự việc: Khoảng 8h ngày 7/5/2020, ông Phạm Hồng Quảng (SN 1967), trú tại thôn 8 Đồng Lư Hạ, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam đi chợ về nhà thấy có một con chó màu nâu đen, nặng khoảng 10kg đi lạc đến nhà mình, ông Quảng nhốt con chó vào trong lồng sắt để có ai đến xin thì ông sẽ trả.
Khoảng 9h cùng ngày, bà Vũ Thị Lền (SN 1949) cùng thôn (là em họ của ông Quảng) đến nhà ông Quảng xác nhận là con chó nhà mình, ông Quảng đã trả lại con chó.
Đến khoảng 11h cùng ngày, bà Lền lại đi sang nhà ông Quảng thì gặp bà Mai Thị Oanh (vợ ông Quảng), nói chuyện về việc ông Quảng bắt chó (ý nói ông Quảng bắt trộm chó) của bà Lền rồi đi về. Sau đó bà Oanh nói lại sự việc này cho ông Quảng.
Khoảng 16h30 cùng ngày, ông Quảng đi xe máy một mình đến nhà bà Lền để nói chuyện phải quấy thì hai bên xảy ra lời qua tiếng lại, ông Quảng dùng tay phải tát vào mặt bà Lền, bà Lền cầm chiếc kéo ở trên mặt bàn (loại kéo cắt vải, dài 22cm) đâm một nhát vào mắt bên trái ông Quảng.
Quang cảnh phiên tòa thứ 12.
Hậu quả ông Quảng bị thương tích phải điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương Hà Nội từ ngày 7/5/2020 đến ngày 14/5/2020 thì ra viện. Bản kết luận giám định pháp y của Trung tâm pháp y tỉnh Hà Nam kết luận về thương tích của ông Phạm Hồng Quảng: “Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giảm định: 43%; Mắt trái bị mất chức năng hoàn toàn; Thương tích do vật sắc nhọn tác động trực tiếp gây nên”.
Tại cơ quan điều tra, bà Lền đã khai nhận hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên. Lời khai của bị can phù hợp với lời khai của người làm chứng, vật chứng thu giữ và các tài liệu khác có trong hồ sơ.
Căn cứ vào lời khai và các chứng cứ liên quan, Viện KSND huyện Lý Nhân truy tố bị can Vũ Thị Lền tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ Luật hình sự.
Về trách nhiệm dân sự, ông Quảng yêu cầu bà Lền bồi thường 290.198.000 đồng. Bị can Vũ Thị Lền chưa có tiền án, tiền sự và bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 26/6/2020.
13 lần mở rồi hoãn phiên tòa
Ngày 30/11/2020, TAND huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, dưới sự điều hành tố tụng của Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa Đinh Thành Nam. Tại phiên sơ thẩm này, bị cáo Vũ Thị Lền đã vắng mặt và cho con trai ruột là Nguyễn Hữu Chiến đến xuất trình đơn xin hoãn phiên tòa với lý do “bị ốm, đang nằm viện, có xác nhận của cơ sở y tế”. Hội đồng xét xử sau khi thảo luận đã quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm này.
Và từ ngày mở phiên tòa sơ thẩm đầu tiên (30/11/2020) đến ngày 4/8/2021, TAND huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã 13 lần mở rồi hoãn phiên tòa xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Vũ Thị Lền tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ Luật hình sự. Lý do các lần hoãn đều do “bị cáo Vũ Thị Lền xin hoãn vì lý do sức khỏe, nằm viện”.
Không đồng ý với các lý do bị cáo đưa ra để “cố tình xin hoãn phiên tòa”, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại (ông Phạm Hồng Quảng) đã xác minh tình trạng sức khỏe của bị cáo Vũ Thị Lền và ghi nhận hồ sơ bệnh án của bị cáo chẩn đoán các bệnh lý sau: Viêm phế quản (lao, phổi); Rối loạn chức năng tiền đình, Đái tháo đường không phụ thuộc insuline; Tăng huyết áp vô căn (nguyên phát), thoái hóa khớp gối nguyên phát. Trong đó xuyên suốt quá trình nằm viện, bị cáo chủ yếu nằm viện để điều trị hai bệnh lý là lao phổi và đái tháo đường.
Từ thực tế các phiên xét xử cho thấy, cứ đến những ngày chuẩn bị mở phiên tòa xét xử, bị cáo luôn viện lý do sức khỏe để xin hoãn phiên tòa. Điều này đã gây khó khăn trong tiến trình tố tụng của tòa án, kéo dài hoạt động tư pháp, xét xử; ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự khác.
Để xác minh sự việc, luật sư của bị hại đã gửi các công văn đến các bệnh viện nơi bị cáo từng đến điều trị cũng như các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Hà Nam… để yêu cầu phối hợp điều trị đối với bệnh nhân Vũ Thị Lền.
Trong quá trình xác minh thông tin, luật sư của bị hại đã trực tiếp làm việc với các bác sĩ và được biết bệnh tình của bị cáo chỉ là những bênh lý của tuổi già, không đến mức phải điều trị nội trú mà chỉ cần điều trị thuốc tại nhà nhưng bị cáo vẫn kiên quyết xin nằm viện để điều trị.
Cụ thể, tại phiên tòa ngày 14/7/2021, bị cáo xin nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà, tỉnh Hưng Yên, tuy nhiên bệnh viện đã từ chối tiếp nhận do không thuộc trường hợp phải cấp cứu. Bị cáo và người nhà của bị cáo đã liên tục yêu cầu bệnh viện phải tiếp nhận mặc dù tình trạng sức khỏe bình thường. Di chuyển sang địa bàn tỉnh Hưng Yên để điều trị y tế, bị cáo Vũ Thị Lền đã vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 26/6/2020 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Lý Nhân (Hà Nam).
Theo luật sư của bị hại, tại phiên tòa xét xử lần thứ 11 và 12, bị cáo Lền vắng mặt vì lý do sức khỏe phải điều trị tại bệnh viện nhưng không xuất trình được các giấy tờ xác nhận của các cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, hành động của bị cáo gây tổn thương cho bị hại là ông Phạm Hồng Quảng là thiệt hại thực tế, trong hồ sơ vụ án cũng như bản giám định pháp y đối với ông Quảng, trong bản kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra, bản cáo trạng của Viện kiểm sát,… các cơ quan đã xác minh vi phạm đối với bị cáo Vũ Thị Lền rất rõ ràng. Do vậy, luật sư của bị hại cho rằng, việc xét xử vắng mặt bị cáo không trở ngại cho việc xét xử.
Phiên tòa thứ 14 và bản án 7 năm tù cho bị cáo
Ngày 1/9/2021, TAND huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam đã mở phiên tòa thứ 14 xét xử bị cáo Vũ Thị Lền phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Tại phiên tòa này, bị cáo Lền tiếp tục có đơn xin vắng mặt vì lý do sức khỏe. HĐXX đã xem xét đến các tình tiết áp dụng đối với bị cáo tuổi cao (khoản 6, Điều 127 Bộ luật hình sự ) nên không tiến hành áp giải bị cáo đến phiên tòa. Đồng thời sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử và trên cơ sở tài liệu chứng cứ vụ án, tòa áp dụng theo điểm c Điều 134; điểm b, o, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự, tuyên phạt bị cáo Vũ Thị Lền 7 năm tù và bồi thường cho bị hại Phạm Hồng Quảng hơn 140 triệu đồng.
Vụ án được khép lại, người gây án thì phải chịu mức án rất nặng ở tuổi thất thập cổ lai hi; người bị hại bị tổn hại 43% sức khỏe, mất sức lao động; mất hết tình làng nghĩa xóm, anh em họ hàng.
Đặc biệt, vụ án này cũng cho thấy “kẽ hở” của luật pháp và sự thiếu cương quyết của các cơ quan tố tụng huyện Lý Nhân khi để bị cáo lách luật bằng việc viện cớ tuổi cao, sức khỏe ốm yếu (chỉ đi viện khi có giấy triệu tập của tòa) để trì hoãn việc xét xử, gây bức xúc cho bị hại và dư luận xã hội./.