Ăn đủ đòn từ "biến số vùng trũng", thầy Park liệu đã có thể thở phào trước Campuchia?

Kinh Luân - Ảnh: Đoàn Ca |

"Trong sự nghiệp của mình, tôi chưa từng làm việc ở giải đấu nào khắc nghiệt như SEA Games", thầy Park từng than thở. Liệu ông có chủ quan trong khâu chuẩn bị? E rằng là có.

1. Suốt hai năm trở lại đây, chưa bao giờ một đội bóng Việt Nam dưới tay thầy Park lại phải "sấp ngửa" đến như thế ở một giải đấu. Từ U23 châu Á, Asiad, AFF Cup, rồi Asian Cup, thầy trò HLV Park Hang-seo đều có sự chuẩn bị cực kỳ chu đáo, và chẳng khó để nhận ra đội bóng dưới tay thầy Park luôn chịu ít "biến số" - như cách nói của ông thầy người Hàn Quốc, nhất so với các đối thủ của mình.

Biến số - theo cách gọi của thầy Park, là những diễn biến bất ngờ, không thể lường trước được trong trận đấu. Càng có sự chuẩn bị chu đáo, càng có nhiều phương án dự phòng, thì những "biến số" ấy càng ít xảy ra, càng ít có cơ hội can thiệp đến kết quả mà đội nhà nhận được. Ấy vậy mà "biến số" lại liên tục xảy ra với thầy trò ông Park, ở giải đấu "kém danh giá" nhất, là giải đấu trẻ của "vùng trũng" Đông Nam Á.

Vòng bảng SEA Games 2019: U22 Việt Nam 2-2 U22 Thái Lan (nguồn: HTV)

Quang Hải - linh hồn của mọi đội bóng Việt Nam dưới tay thầy Park, dính chấn thương khi trước mắt đang là VCK U23 châu Á - giải đấu mà U23 Việt Nam là đương kim Á quân, cũng là cơ hội để U23 Việt Nam thực hiện giấc mơ đoạt tấm vé Olympic danh giá. Thế đã đủ là "biến số" lớn nhất chưa?

Trước U22 Indonesia và U22 Thái Lan, hai lần thầy trò HLV Park Hang-seo bị dẫn trước. Đây là điều cực kỳ ít khi diễn ra với các đội tuyển Việt Nam trong tay thầy Park. Trước hai trận đấu ấy, lần gần nhất thầy trò HLV bị thủng lưới trước là trận gặp Jordan ở Asian Cup, và cũng đã trôi qua được gần 1 năm. Hàng phòng ngự nổi tiếng chắc chắn dưới tay thầy Park đang bị tổn thương, đây mới là "biến số" nội tại lớn nhất của U22 Việt Nam.

Ăn đủ đòn từ biến số vùng trũng, thầy Park liệu đã có thể thở phào trước Campuchia? - Ảnh 2.

Hai pha mắc lỗi của Văn Toản và Bùi Tiến Dũng có vẻ như chỉ là nhất thời, nhưng nó lại đến từ những điểm yếu lớn nhất của hai thủ môn này. Với Bùi Tiến Dũng, đó là khả năng bắt bóng bổng. Còn với Văn Toản, nó là khả năng xứ lý bóng bằng chân.

Hai trận đấu bị dẫn trước ở SEA Games lần này, thầy Park đều có sự thay đổi ở vị trí của Tấn Tài. Nếu như trận đấu với U22 Indonesia, Hồ Tấn Tài bị thay ra sau hiệp đấu đầu tiên, thì đến trận đấu với U22 Thái Lan, hậu vệ này bị thay ra ngay ở phút 18, sau pha bóng để Suphanat thoải mái nhận bóng đối mặt thủ thành Văn Toản, trong tình thế U22 Việt Nam bị dẫn bàn sớm. Rõ ràng hàng phòng ngự của ông Park cực kỳ bị động, bởi chính sự lựa chọn của ông.

2. Rõ ràng, ngoài những "biến số" khách quan đến từ việc phải thi đấu trên mặt sân cỏ nhân tạo, cũng như lịch thi đấu cực kỳ khắc nghiệt của SEA Games lần này, thì khoảng thời gian 5 tuần là chưa đủ để U22 Việt Nam của thầy Park chuẩn bị thực sự chu đáo cho tham vọng vô địch SEA Games 30, hoặc quá trình chuẩn bị ấy chưa được tối ưu nhất, để rồi những "biến số" liên tiếp xảy ra.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Hai trận đấu vị dẫn trước ấy, HLV Park Hang-seo đều "xua quân" tràn lên dồn ép đối phương ngay từ đầu trận, để rồi sớm "ăn quả đắng" từ lỗ hổng hiện ra ở phần sân của mình.

Có thể thầy Park đã đánh giá sai về đối phương, về bản thân các học trò của mình, nhưng cũng có một thực tế không thể chối cãi là ông không thể áp dụng bài chiến thuật phòng ngự - phản công của mình một cách triệt để, khi những đối thủ đều được đánh giá thấp hơn, và người hâm mộ cần một thế trận tưng bừng, áp đảo, thay vì muốn xem một U22 Việt Nam kín kẽ, chắc chắn.

Ăn đủ đòn từ biến số vùng trũng, thầy Park liệu đã có thể thở phào trước Campuchia? - Ảnh 4.

Sau tất cả những "biến số" ấy, U22 Việt Nam rốt cuộc cũng đã vượt qua được "cửa ải" khó khăn nhất khi đích thân loại U22 Thái Lan - đối thủ lớn nhất của mình, ra khỏi cuộc tranh đua đến ngôi vô địch. Đã đến lúc thầy Park có thể thở phào nhẹ nhõm khi ngay trước mặt chỉ là U22 Campuchia - đối thủ mà lọt qua được vòng bảng đã là kỳ tích?

Chưa chắc, bởi U22 Campuchia sẽ bước vào trận bán kết với tâm thế cực kỳ thoải mái, bởi đã "hoàn thành nhiệm vụ", trong khi thầy trò HLV Park Hang-seo còn phải phân tâm với trận chung kết, mà đối thủ rất có thể là "cựu thù" U22 Indonesia - sẽ được xác định ngay trước giờ bóng lăn trận bán kết 2 giữa U22 Việt Nam và Campuchia.

Không chỉ có thế, U22 Campuchia chơi cực kỳ tốt trên mặt sân cỏ nhân tạo, khi đã quá quen thuộc với nó ở giải VĐQG. Hãy nhớ rằng trong trận đấu "sống mái" với U22 Malaysia ở lượt cuối vòng bảng, đội bóng láng giềng của Việt Nam đã dẫn trước đến 3 bàn, và kết thúc trận đấu với tỷ số 3-1 khiến đối phương phải "tâm phục khẩu phục".

Ăn đủ đòn từ biến số vùng trũng, thầy Park liệu đã có thể thở phào trước Campuchia? - Ảnh 5.

"Thu phục" U22 Campuchia là điều chắc chắn thầy trò HLV Park Hang-seo phải làm được bằng bất cứ giá nào, bởi nếu không làm được điều đó, thì kết quả cũng chẳng khác nào U22 Việt Nam bị loại ngay từ vòng loại, như thầy trò HLV Hữu Thắng hơn 2 năm về trước.

Chắc chắn thầy trò ông Park sẽ phải gồng mình hết cỡ với mong muốn "thắng sớm" trước U22 Campuchia. Và với riêng thầy Park, chắc hẳn chưa bao giờ ông mong đoạt chức vô địch SEA Games như bây giờ. Không chỉ bởi ông biết người hâm mộ và VFF thiết tha với danh hiệu này đến thế nào.

Mà bởi có đoạt được chức vô địch SEA Games lần này, ông mới thoát khỏi kiếp đối mặt với những "biến số" đầy rủi ro ở giải đấu nặng tính "vùng trũng" như giải đấu này. Có đoạt được chức vô địch này, thì cái áp lực "nặng hơn núi Thái Sơn" ấy mới được trút bỏ.

Bởi suy cho cùng, một bộ huy chương dành cho bóng đá trẻ ở đại hội thể thao khu vực không bao giờ xứng đáng là giấc mơ của một nền bóng đá đang thăng hoa như Việt Nam, có phải không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại