Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên trang tin tài chính Yicai (Trung Quốc), Lưu Tông Nghĩa - Tổng thư ký Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Nam Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải – nhận định rằng, thái độ hiện tại của Ấn Độ có vẻ mâu thuẫn, nhưng lại thực sự phù hợp với chiến lược "cân bằng đa bên". Tuy nhiên, chiến lược cân bằng không phải là không có rủi ro.
"Rất nhiều bên sẽ được lợi nếu làm tốt điều đó, và Ấn Độ có thể trở thành mục tiêu chỉ trích của công chúng nếu làm không tốt", ông Lưu nói.
Ông Lưu giải thích thêm rằng, về mặt kinh tế, Ấn Độ thực sự đang làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Mỹ, hy vọng thu hút sự chuyển giao các chuỗi kinh tế và công nghiệp cho Ấn Độ; nhưng đồng thời, nước này không sẵn sàng trở thành một "đối tác nhỏ" trong hệ thống kinh tế toàn cầu của Mỹ. Hợp tác kinh tế với Nga sẽ giúp Ấn Độ thực hiện tự chủ về kinh tế.
Ấn Độ không sẵn sàng trở thành một "đối tác nhỏ" trong hệ thống kinh tế toàn cầu của Mỹ. Ảnh: Sina
Thanh toán bằng đồng rupee giúp "mở đường"
Theo trang tin Yicai, sau một thời gian dài chờ đợi, giao dịch bằng đồng rupee với Nga cuối cùng cũng được triển khai.
Ngay từ tháng 2 năm nay, sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Ấn Độ đã thực sự bắt đầu tìm cách thiết lập một cơ chế thanh toán bằng đồng rupee để giao dịch với Nga trong tương lai và giảm bớt những tác động bất lợi của việc leo thang các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga.
Ngày 11/7, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) - ngân hàng trung ương của nước này - đã đưa ra cơ chế thanh toán bằng đồng rupee đối với các hoạt động thương mại quốc tế, và có hiệu lực ngay lập tức. Mặc dù RBI tuyên bố rằng, việc này nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại toàn cầu, tăng cường sự quan tâm của cộng đồng thương mại toàn cầu đối với đồng rupee của Ấn Độ, và thúc đẩy xuất khẩu của Ấn Độ; nhưng động thái này được cho là sẽ giúp Ấn Độ giao thương với Nga.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (SBI) cho biết, họ đang "thực hiện các thủ tục cần thiết để xử lý đơn đề nghị từ các ngân hàng khác nhau, bao gồm cả ngân hàng Nga" theo hướng dẫn của RBI và các chính sách liên quan.
A. Shaktivel - Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) cho biết, SBI bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại bằng đồng rupee với Nga, và "một số ngân hàng khác cũng thể hiện sự quan tâm". Khi Ấn Độ và Nga giao dịch bằng đồng rupee, thông tin về việc ngân hàng nào của Nga sẽ tham gia sẽ sớm được công bố.
Anatoly Popov - Phó chủ tịch hội đồng quản trị của Sberbank - ngân hàng lớn nhất của Nga - vào đầu tháng này cho biết, Sberbank dự định mở văn phòng tại trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ vào năm 2023, và đã nộp đơn lên các cơ quan quản lý địa phương.
Ông Shakshevel cũng dự đoán rằng, sau khi giao dịch bằng đồng rupee, xuất khẩu của Ấn Độ sang Nga dự kiến sẽ tăng từ mức 3,3 tỷ USD trong tài khóa trước lên khoảng 5 tỷ USD trong tài khóa này.
Thương mại Ấn Độ - Nga tăng trưởng chưa từng có
Lưu Tông Nghĩa - Tổng thư ký Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Nam Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải – tin rằng, trong lĩnh vực địa chính trị và an ninh, "Ấn Độ đang cân bằng giữa Nga và Mỹ, và hiện tại đang nghiêng về Mỹ nhiều hơn. Về lâu dài, quan hệ Ấn Độ - Nga sẽ dần bớt thân thiết".
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Lưu, Ấn Độ sẽ không hoàn toàn ngả về phía Mỹ; Ấn Độ hy vọng sẽ trở thành một cực trong một thế giới đa cực, chứ không phải là một "đối tác nhỏ" của Mỹ, nhằm làm nổi bật vị thế quốc tế và tối đa hóa lợi ích của mình.
Khi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng, an ninh lương thực, phân bón và nhiên liệu là những vấn đề chính được thế giới quan tâm hiện nay. Ông Putin nói rằng thương mại giữa Nga và Ấn Độ đã tăng trưởng đáng kể, và xuất khẩu phân bón của Nga sang thị trường Ấn Độ đã tăng hơn bảy lần, hy vọng điều này sẽ giúp ích cho ngành nông nghiệp của Ấn Độ.
Hợp tác kinh tế với Nga sẽ giúp Ấn Độ thực hiện tự chủ về kinh tế. Ảnh: Sohu
Theo trang tin Yicai, kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, bất chấp sức ép liên tục từ Mỹ, Ấn Độ đã không theo chân các nước phương Tây trừng phạt Nga, thay vào đó, nước này tăng cường hợp tác thương mại với Nga, nhân cơ hội mua một lượng lớn dầu mỏ và than đá của Nga với giá rẻ.
Cách đây vài ngày, các nước phương Tây cũng khuyến khích Ấn Độ tham gia "liên minh giới hạn giá dầu Nga" cùng với Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Nhưng Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra đã trả lời: "Ấn Độ không phải là thành viên G7, và việc mua dầu của Nga là để đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng".
Denis Alipov - Đại sứ Nga tại Ấn Độ - cho biết, kim ngạch thương mại giữa Nga và Ấn Độ đang cho thấy sự tăng trưởng chưa từng có. Trong nửa đầu năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Nga và Ấn Độ đã vượt quá 11 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Ấn Độ cũng đang nghiên cứu khả năng mở rộng xuất khẩu thuốc, nông sản, sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô sang Nga.