Ấn Độ phóng vệ tinh quan sát Trái Đất vào vũ trụ

PV |

Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO), cơ quan vũ trụ của Ấn Độ hôm qua (7/8) đã phóng một vệ tinh quan sát Trái Đất vào quỹ đạo thông qua phương tiện phóng vệ tinh cỡ nhỏ (SSLV) từ sân bay vũ trụ Sriharikota, miền Nam bang Andhra Pradesh.

Theo thông báo của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ, tên lửa D1 (SSLV-D1) đã rời bệ phóng từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan lúc 9h18 phút (theo giờ địa phương) và mang theo vệ tinh quan sát Trái Đất EOS-02 và một vệ tinh đồng hành khác mang tên AzaadiSAT 8U.

Đáng chú ý, vệ tinh AzaadiSAT nặng khoảng 8 kg, do nhóm sinh viên "Space Kidz India" nghiên cứu, phát triển. Khoảng 750 nữ sinh từ các trường công lập trên khắp đất nước đã thiết kế vệ tinh để đánh dấu kỷ niệm 75 năm Ngày Độc lập của Ấn Độ.

Theo Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ, vệ tinh EOS-02 nặng khoảng 135 kg, là một vệ tinh dòng microsat và có tính năng viễn thám quang học tiên tiến, hoạt động trong dải tia hồng ngoại với độ phân giải không gian cao.

Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ, ông Sreedhara Panicker Somanath cho biết: "Chuyến bay đầu tiên của phương tiện phóng vệ tinh nhỏ-D1 (SSLV-D1) vừa hoàn thành. Tất cả các giai đoạn đã được thực hiện như mong đợi. Đúng như dự kiến, giai đoạn đầu, giai đoạn thứ hai và giai đoạn thứ ba đã được thực hiện và tách biệt. Trong giai đoạn cuối của nhiệm vụ, một số mất mát dữ liệu đã xảy ra và chúng tôi đang phân tích dữ liệu để đưa ra kết quả cuối cùng của sứ mệnh nhằm đạt được quỹ đạo ổn định".

Sứ mệnh của tên lửa D1 là nhằm đặt vệ tinh EOS-02 vào quỹ đạo thấp của trái đất cách đường xích đạo khoảng 350 km. Vệ tinh sẽ cung cấp hình ảnh chất lượng cao trong mọi điều kiện thời tiết cho các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp và quản lý đất đai./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại