Sau thất bại đau đớn trước Không quân Pakistan, mới đây Ấn Độ bắt đầu có động thái mua sắm thêm tên lửa không đối không thế hệ mới để chuẩn bị cho các cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai.
Việc chuẩn bị này được diễn ra trong không khí "ráo riết" khi chỉ trong một ngày xuất hiện thông tin hai thương vụ mua bán lớn.
Theo Sputnik, hôm 29/7, Ấn Độ đã ký hợp đồng trị giá 215 triệu USD mua 300 quả tên lửa không đối không tầm ngắn R-73E.
Cùng ngày, theo hãng thông tấn ANI, chính phủ Ấn Độ đã ký hợp đồng trị giá 217 triệu USD mua số lượng lớn tên lửa không đối không tầm trung R-27ER1.
Với hai loại tên lửa này, theo lẽ thường tình, không cần nói, ai cũng hiểu Ấn Độ mua cho loại máy bay nào trong biên chế của họ.
Tuy nhiên, dường như người Ấn lại rất thích "gây bất ngờ" phía sau các hợp đồng vũ khí của nước này.
Nguồn tin chính phủ nói với Sputnik rằng, nước này có kế hoạch tích hợp tên lửa R-73E cho máy bay tiêm kích đa năng Rafale của Pháp. Và họ đang tiến hành các cuộc đàm phán với Tập đoàn Dassault về phương án này.
Đem tên lửa Nga lên Rafale: Cú tát vỡ mặt nước Pháp!
Quả thật, sau khi nghe phương án này, giới phân tích quân sự có lẽ "nhập viện vì quá sốc" với kế hoạch điên rồ của các tướng lĩnh Không quân Ấn Độ (IAF).
Phương án tích hợp tên lửa Nga cho máy bay Pháp còn bất khả thi hơn cả việc Ấn Độ muốn đem tên lửa I-Derby của Israel tích hợp vào máy bay tiêm kích Su-30MKI do Nga sản xuất.
Bởi lẽ, vũ khí Israel từ nhiều năm nay là một lựa chọn không tồi trong các chương trình nâng cấp máy bay chiến đấu Nga. Ví dụ như chương trình hiện đại hóa MiG-21 của Romania đã đưa tên lửa Python Israel lên máy bay huyền thoại Liên Xô (cũ).
Không chỉ có vậy, các loại radar không đối không của Israel cũng thường được chọn lựa tích hợp cho một số máy bay chiến đấu đời cũ của Nga.
Nhưng đó là với máy bay cũ, lâu đời, với việc tích hợp tên lửa mới cho máy bay hiện đại hôm nay là hiếm thấy. Bởi lẽ máy bay chiến đấu hiện đại thường đi kèm với tên lửa mới nhất, mỗi quốc gia sản xuất máy bay đó sẽ luôn tự hào bộ vũ khí của mình, trừ phi họ không thể làm thì buộc phải dùng một nước khác.
Máy bay tiêm kích Rafale mang tên lửa không đối không Magic II.
Với nước Pháp cũng vậy, máy bay tiêm kích Rafale có đến hai lựa chọn vũ khí không đối không tầm ngắn gồm: R.550 Magic 2 và MBDA MICA.
Trong đó, R.550 Magic 2 có hiệu suất tác chiến không thua gì AIM-9 hay R-73 của Nga. Nó có tầm bắn từ 500m tới 15km, độ cao tác chiến đến 11.000m, sử dụng đầu tự dẫn hồng ngoại bị động
Còn tên lửa không đối không MICA có tầm bắn từ 500m tới 80km phù hợp với mục tiêu cự ly ngắn tới xa.
Nó trang bị đầu tự dẫn radar chủ động hoặc hồng ngoại, sở hữu tính năng đặc biệt như "khóa mục tiêu sau khi phóng", động cơ tích hợp kiểm soát véc tơ lực đẩy.
Thế mà nay Ấn Độ lại mong tích hợp R-73E cho Rafale thì có khác nào "tát vỡ mặt" công nghiệp quốc phòng Pháp, khác nào "sỉ nhục kỹ thuật quân sự" Pháp vốn đứng top đầu châu Âu, thế giới.
Cho nên, dù nước Pháp chưa có bình luận gì về thông tin của Ấn Độ, nhưng có thể khẳng định chắc chắn họ sẽ "nổi trận lôi đình" vì đề nghị "khiếm nhã" này.
Nước Pháp chắc chắn khó lòng chấp thuận việc chỉnh sửa lại hệ thống điều khiển hỏa lực của Rafale chỉ để tích hợp tên lửa không đối không của Nga.
Thay vào đó, có thể đoán định họ sẽ nỗ lực chào bán các tên lửa theo kèm Rafale với quảng cáo nó tương đương và phù hợp với nhiệm vụ tác chiến của IAF.
Quyết liều tự can dự, coi chừng mất sạch!
Tuy nhiên, cũng chẳng thể nào loại khả năng Ấn Độ kiên quyết phải có R-73E trên Rafale. Cũng như "lùm xùm R-77 bắn kém AIM-120 AMRAAM", việc Ấn Độ sẽ đưa ra những lý giải tương tự loại bỏ Magic II và chọn vũ khí Nga là có thể.
Bởi so về tầm bắn lý thuyết, Magic II đạt tầm bắn tối đa 15km, trong khi R-73E đạt tầm bắn tối đa 30km. Về phần MICA thì dẫu sao nó thiên về tên lửa không đối không tầm trung, nhưng có thể diệt mục tiêu ở cự ly ngắn.
Dĩ nhiên, bắn xa hơn thì sẽ đem lại ưu thế so với đối thủ trong không chiến. Cách mà Ấn Độ có thể giải quyết nếu như Pháp không chấp thuận có thể là tự mình tích hợp R-73E cho Rafale.
R-73E mạnh nhưng không phải là mấu chốt cho chiến thắng.
Nếu mọi chuyện đi xa tới đây, có thể xảy ra các trường hợp:
- Thứ nhất, việc tích hợp thành công, Rafale và R-73 sẽ trở thành "cặp song sát" nguy hiểm đem lại lợi thế cho Không quân Ấn Độ trước Pakistan trong các trận không chiến cự ly gần.
Phản ứng của Pháp có thể là bực bội, phản ứng nhưng khó ngăn được điều này xảy ra, trong khi Nga thì hứng khởi khi tên lửa của họ "giành thắng lợi" trước vũ khí phương Tây.
- Thứ hai, việc tích hợp này trở thành "thảm họa", nghiêm trọng nhất là việc Rafale cất cánh không chiến với R-73E. Nhưng vì lỗi nào đó, tên lửa không phóng thành công hoặc không đánh đấm hiệu quả, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc.
Lúc này, Ấn Độ sẽ một lần nữa "muối mặt xấu hổ" trước Không quân Pakistan vốn trang bị kém hơn, còn hai quốc gia bán hàng cho họ sẽ thi nhau chỉ trích sự kết hợp liều lĩnh.
- Thứ ba, chuyện này sẽ không đi tới đâu, Rafale sẽ không bao giờ cất cánh với R-73E khi mà rất khó để Ấn Độ làm được điều này khi không có cách nào can thiệp vào hệ thống điều khiển hỏa lực khi Pháp không giúp đỡ.
Thực tế, các thông tin của ANI gián tiếp cho thấy khả năng rất cao nếu không có sự đồng ý và trợ giúp kỹ thuật từ Pháp, Ấn Độ không thể đưa R-73E lên tiêm kích Rafale.
Phải chăng, người Ấn nên sớm quên đi bài toán vũ khí khi họ đã có những thứ tốt nhất, cái cần ở đây là con người.
Vũ khí đã có, thiếu con người thôi!
Thật vậy, rõ ràng sức mạnh tiêm kích Su-30MKI hay Dassault Rafale là chẳng thể nào bàn cãi yếu ớt hay cũ kĩ, lạc hậu.
Điều mà Ấn Độ thiếu bây giờ chỉ có thể là các phi công cùng ý chí chiến đấu của họ và chiến thuật tác chiến hiệu quả mà thôi.
Các trận không chiến với Pakistan hồi đầu năm đã chứng minh rõ là đang có vấn đề với chính phi công và chỉ huy Không quân Ấn Độ.
Nếu như, Ấn Độ có thể đổ cho việc MiG-21 Bison bị bắn hạ chỉ vì lạc hậu, thì không thể nào đổ cho khí tài kém khiến phi công Su-30MKI tháo chạy, không dám bắn trả khi giáp mặt tiêm kích F-16 của Pakistan.
Tên lửa tầm trung RVV-AE trên Su-30MKI không đáng trách, phi công - chỉ huy IAF mới là đáng phê bình kỷ luật.
Ngay từ lúc này, để không lặp lại sai lầm trong tương lai, Bộ Quốc phòng Ấn Độ và IAF không nên phung phí thời gian, tiền bạc, công sức vào dự án viển vông cải tiến vũ khí cho máy bay, thay vào đó họ cần xem lại khâu đào tạo phi công, xem lại chiến thuật, chiến lược của không quân.
Đó mới là chìa khóa giúp họ chiếm ưu thế trên không hoàn toàn trước Không quân Pakistan trong tương lai!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Tiêm kích Su-35 và Su-30SM phóng tên lửa R-73.