Tại Triển lãm Công nghệ Hàng không Ấn Độ (Aero India 2019) diễn ra tại Bengaluru, nước chủ nhà đã gây sự chú ý đặc biệt cho khách tham quan.
Các nhà tổ chức đã trưng bày một chiếc máy bay chiến đấu hạng nhẹ LCA (Tejas) đeo tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos-NG bên hông.
Tên lửa BrahMos-NG được biết đến như là biến thể thu nhỏ từ phiên bản không đối hạm BrahMos-A trang bị cho tiêm kích Su-30MKI.
Mặc dù tính năng kỹ chiến thuật rất lợi hại nhưng do trọng lượng của BrahMos-A quá nặng (lên tới 2,5 tấn) mà Ấn Độ đã yêu cầu chế tạo BrahMos-M (BrahMos mini) và nay là BrahMos-NG để tích hợp lên mọi loại chiến đấu cơ.
Hiện tại thông số kỹ chiến thuật cơ bản của tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos-NG vẫn chưa được Ấn Độ công bố rõ ràng.
Mặc dù vậy, nhiều dự đoán ban đầu cho rằng trọng lượng của nó được thu gọn về mức chỉ 1,5 tấn để các tiêm kích như MiG-29K có thể treo tại mấu cứng hạng nặng chính giữa thân.
Tuy nhiên căn cứ vào hình ảnh mới nhất tại cuộc triển lãm, có thể nhận thấy tên lửa BrahMos-NG có kích thước rất gọn gàng, thậm chí chỉ ngang với Kh-31A.
Tức là trọng lượng chiến đấu của BrahMos-NG vào khoảng trên dưới 600 kg để tiêm kích LCA có thể mang theo tới 2 đạn trên giá treo bên cánh thay vì chính giữa thân.
Nhưng khi đã đánh đổi kích thước của tên lửa BrahMos-NG thì có lẽ Ấn Độ cũng phải chấp nhận việc vũ khí này không còn mạnh mẽ như trước.
Cụ thể, tầm bắn tối đa, vận tốc lớn nhất cũng như uy lực đầu đạn của tên lửa sẽ bị giảm đi đáng kể so với phiên bản đầy đủ BrahMos-A.
Mặc dù vậy, nếu tên lửa không đối hạm BrahMos-NG sớm hoàn thiện để trang bị cho mọi chiến đấu cơ của Không quân Ấn Độ thì chắc chắn Trung Quốc sẽ phải giật mình.
Bởi vì Hải quân Trung Quốc sắp phải đối đầu một lực lượng cực mạnh, sở hữu dàn vũ khí tấn công rất phong phú về chủng loại.
Ngoài ra trên chiếc tiêm kích LCA trưng bày tại triển lãm, Tập đoàn công nghiệp hàng không HAL đã cố tình lắp cho nó chiếc nắp chụp mũi trong suốt để "khoe" loại radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) thế hệ mới.
Nhờ khí tài này, chiến đấu cơ LCA sẽ tạo ra được ưu thế đáng kể trước J-10A của Trung Quốc hay F-16 và JF-17 trong biên chế Không quân Pakistan, bởi các tiêm kích hạng nhẹ này mới chỉ có radar mảng pha quét thụ động (PESA) lạc hậu hơn cả một thế hệ.
Bên cạnh phục vụ Không quân Ấn Độ, bộ đôi tiêm kích LCA và tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos-NG còn được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu rất cao, khách hàng đầu tiên có thể sẽ là đồng minh thân thiết của New Delhi tại khu vực Đông Nam Á.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-an-do-gay-choang-cho-trung-quoc-khi-tich-hop-ten-lua-brahmosng-len-tiem-kich-lca/800403.antd