Tàu chiến các nước tham gia cuộc tập trận hàng hải Malabar năm 2019. Ảnh: Forever News.
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét lại chiến lược về Trung Quốc để đối phó với những thách thức tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việc nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố thành lập lực lượng đặc trách Trung Quốc cho thấy Washington luôn thể hiện mối quan tâm lớn đối với Bắc Kinh và khu vực này.
“Bộ Tứ kim cương” và thế cờ vây
Chỉ hai tuần sau khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải đầu tiên ở Biển Đông và điều tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan. Hoạt động này diễn ra nhanh hơn nhiều so với giai đoạn đầu nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump.
Tiếp đến ngày 9/2, Hải quân Mỹ đã điều hai tàu sân bay tập trận ở Biển Đông - dấu hiệu cho thấy quyết tâm của chính quyền mới trong việc duy trì “lập trường cứng rắn” với Bắc Kinh.
Theo cây bút Danil Bochkov của SCMP, kế hoạch phân bổ lực lượng mới của Mỹ có thể là chuyển hướng các nguồn lực từ Trung Đông sang châu Á. Song điều này còn phụ thuộc phần lớn vào cách thức Mỹ xây dựng chiến lược với Iran, vốn còn mơ hồ kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đưa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thách thức từ Trung Quốc trở thành tâm điểm của kế hoạch quân sự dài hạn.
Còn Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Đối thoại an ninh bốn bên gồm (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ) còn được biết đến với tên gọi “Bộ tứ kim cương” sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Đối thoại an ninh bốn bên đã được khôi phục vào năm 2017 nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bắc Kinh coi đây là một liên minh chống Trung Quốc hoặc “NATO ở châu Á”.
Cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên của nhóm Bộ Tứ diễn ra vào tháng 9/2019 tại New York và cuộc họp thứ 2 diễn ra tại Tokyo vào tháng 10/2020. Ở thời điểm đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi các thành viên trong nhóm hợp tác chống lại cái mà ông cho là sự “bóc lột, tham nhũng và cưỡng bức” của Trung Quốc.
Tháng 11/2020, bất chấp căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc với Ấn Độ và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cả 4 thành viên của nhóm Bộ Tứ đã tham gia cuộc tập trận trung Mabalar do Ấn Độ dẫn đầu. Đáng chú ý, cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang.
Lo ngại Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Bộ Tứ đang nỗ lực xúc tiến việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên.
Điều này sẽ đưa nhóm tiến gần hơn đến việc “thể chế hóa” để chống lại thách thức từ Trung Quốc. Theo cách nói của Cố vấn an ninh Mỹ Jake Sullivan, Bộ Tứ cần phải đóng vai trò nền tảng để xây dựng chính sách của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoài Bộ Tứ, Mỹ đã và đang củng cố mạng lưới liên minh trong khu vực để đối phó Trung Quốc.
Washington có kế hoạch gia hạn Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) với Philippines trong bối cảnh Trung Quốc mới thông qua Luật Hải cảnh đầy tranh cãi. Ký kết vào năm 1998, VFA được coi là khuôn khổ pháp lý cho hàng nghìn binh sỹ Mỹ đồn trú tại Philippines và cho phép hai nước tiến hành hàng trăm cuộc tập trận chung thường niên cũng như triển khai các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo.
Trung Quốc muốn hình thành “tam giác quyền lực”?
Về phần mình, Trung Quốc cũng đang tập hợp các đối tác chống lại liên minh do Mỹ dẫn đầu. Bắc Kinh tăng cường phối hợp với Nga và Iran – những quốc gia đang phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh. Vào tháng 12/2019, Nga, Trung Quốc và Iran đã tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên ở Ấn Độ Dương và Vịnh Oman. Truyền hình nhà nước Iran gọi bộ 3 này là “tam giác quyền lực mới trên biển”.
Còn truyền thông Nga cho biết, cả 3 bên đều có chung quan điểm phản đối “quyền bá chủ” của Mỹ. Tuần này, Nga và Iran đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung ở Ấn Độ Dương với mục đích tăng cường an ninh thương mại hàng hải quốc tế, chống cướp biển và khủng bố, trao đổi thông tin.
Sau khi cựu Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018, Washington đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, buộc nước này phải tìm kiếm sự trợ giúp từ Nga và Trung Quốc.
Ở thời điểm đó, Tổng thống Nga Putin đã lên tiếng ủng hộ việc nâng cấp quy chế của Iran tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) từ quan sát viên lên thành viên. Đến năm 2019, Trung Quốc và Iran đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên thành “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Hai bên hiện đang xem xét một thỏa thuận kinh tế trị giá 400 tỷ USD.
Vẫn có nhiều ý kiến hoài nghi về khả năng nhóm Bộ Tứ sẽ trở thành một khối thống nhất giống như NATO bởi có nhiều thành viên trong nhóm này phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế. Cuộc chiến thương mại gần đây giữa Trung Quốc với một số thành viên của nhóm Bộ Tứ cho thấy các lợi ích quốc gia vẫn được ưu tiên, nhóm Bộ Tứ vẫn chưa thực sự hoàn thiện và Ấn Độ đã lộ rõ “gót chân Achilles”.
Giao thương giữa Ấn Độ với Trung Quốc đang sụt giảm bất chấp kỳ vọng thương mại hai chiều sẽ vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong tương lai. Chưa kể, New Dehli đang tìm cách tái khởi động các cuộc đàm phán với Iran liên quan đến việc phát triển cảng Chabahar – vốn đóng vai trò quan trọng về mặt chiến lược.
Chabahar nằm ở đông nam Iran là cảng biển lớn ở nước ngoài đầu tiên mà Ấn Độ tham gia xây dựng. Năm 2003, Iran và Ấn Độ đã nhất trí cùng phát triển hải cảng Chabahar. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã phải tạm dừng do các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình hạt nhân Iran.
Dù mỗi nước thành viên đều phải đối phó với những thách thức riêng, nhưng nhóm Bộ Tứ vẫn đưa ra cam kết sẽ kiềm chế Trung Quốc trên mặt trận đa phương. Khi Tổng thống Mỹ Biden khôi phục lại các liên minh, cơ chế của nhóm Bộ tứ có thể hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt nếu các quan hệ đối tác mới được hình thành và phát triển.
Theo giới phân tích “Sự cạnh tranh gay gắt” tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ tăng nhiệt, đi kèm với nó là những cuộc đụng độ nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, một cuộc chiến tranh quy mô lớn sẽ khó xảy ra vì các bên liên quan đều cho thấy khả năng kiềm chế, dù là Mỹ, Iran, Trung Quốc hay Ấn Độ. Tất cả các quốc gia đều coi trọng sự ổn định về chiến lược và kinh tế trong một khu vực đóng vai trò quan trọng đối với thương mại hàng hải quốc tế.