Ấn Độ "dậy sóng" vì 1 lá thư sát ngày đón Bộ trưởng QP Mỹ: Đừng keo kiệt với gã khổng lồ!

Linh Lâm |

Trước chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis (bắt đầu từ ngày 25/9), một lá thư gây tranh cãi từ phía Hội đồng kinh doanh Mỹ-Ấn đã khiến New Delhi rất lo lắng.

Các chuyên gia dự đoán, việc Mỹ "giữ khư khư" các công nghệ quân sự có thể khiến họ gặp trở ngại lớn với kế hoạch cung cấp các loại khí tài mới cho quốc gia được mệnh danh là "gã khổng lồ Nam Á" này.

Cụ thể, theo hãng tin Sputnik, trong bức thư gửi tới Bộ Quốc phòng Ấn Độ, Hội đồng kinh doanh Mỹ-Ấn (UIBC) đã làm dấy lên lo ngại về việc chuyển giao công nghệ cho các công ty Ấn Độ.

"Chính sách kiểm soát công nghệ độc quyền là điều quan trọng cần cân nhắc đối với tất cả các công ty đang xem xét lựa chọn đối tác quốc phòng là công ty cổ phần đại chúng và công ty cổ phần nội bộ" - bức thư viết.

Lưu ý này được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Ấn Độ đang thúc bách các công ty nước ngoài chia sẻ công nghệ với các đối tác tại Ấn Độ để đẩy mạnh chương trình "Make in India" do Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng nhằm mục đích thúc đẩy khả năng tự cung ứng trong nước.

Ấn Độ dậy sóng vì 1 lá thư sát ngày đón Bộ trưởng QP Mỹ: Đừng keo kiệt với gã khổng lồ! - Ảnh 1.

Ấn Độ đang muốn đẩy mạnh chương trình "Make in India". Ảnh: Indian Express

"Rất ít khả năng Ấn Độ đồng ý tiếp tục mua các loại thiết bị đã lắp ráp hoàn chỉnh từ Mỹ như hiện nay. Các cuộc thảo luận chỉ có tác dụng nếu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đưa ra được một số gợi ý cụ thể để điều hòa mối lo ngại của người Mỹ với nguyện vọng của Ấn Độ" - ông Amit Cowshish, cựu cố vấn tài chính của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói với Sputnik.

Các công ty Mỹ cũng nói rõ rằng họ không muốn chịu trách nhiệm cho bất kỳ khiếm khuyết nào trong các thiết bị hợp tác sản xuất với đối tác Ấn Độ.

"Chúng tôi đề nghị Bộ Quốc phòng xác nhận rằng, các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý cho bất cứ khiếm khuyết nào bên ngoài công ty của họ" - Bức thư của UIBC viết.

Điều này có thể gây trở ngại cho triển vọng hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn.

Giới chuyên gia cho biết, sự miễn cưỡng của các công ty quốc phòng Mỹ trong việc chia sẻ công nghệ với Ấn Độ còn có thể khiến Mỹ khó xúc tiến kế hoạch cung cấp các thiết bị quốc phòng như máy bay không người lái Avenger Predator và máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-16 Block 70 cho Ấn Độ.

Trước đó, theo bản sửa đổi của Thượng viện Mỹ về Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2018, Mỹ chỉ định Ấn Độ là một đối tác quốc phòng quan trọng "nhằm tạo thuận lợi cho tiềm năng chia sẻ công nghệ giữa 2 nước, bao gồm việc tiếp cận không cần giấy phép với một loạt công nghệ lưỡng dụng".

Ấn Độ dậy sóng vì 1 lá thư sát ngày đón Bộ trưởng QP Mỹ: Đừng keo kiệt với gã khổng lồ! - Ảnh 2.

Một số loại vũ khí Mỹ đã cung cấp cho Ấn Độ. Ảnh:

Trong 10 năm qua, Mỹ đã bán cho Ấn Độ các trang thiết bị quốc phòng có giá trị lên tới 15 tỷ USD, bao gồm máy bay vận tải C-17 Globemaster III và C-130J, máy bay tuần thám biển P-8I Poseidon, trực thăng hạng nặng CH-47F Chinook, trực thăng tấn công AH-64E Apache.

Hầu hết thỏa thuận này do chính phủ trước đây của Ấn Độ (thời ông Manmohan Singh) khởi xướng nhưng kể từ năm 2014, chính phủ mới (do ông Modi làm thủ tướng) đã đẩy mạnh sản xuất trong nước, nếu các thỏa thuận nước ngoài được xúc tiến thì chúng phải bao gồm chuyển giao công nghệ.

Theo Sputnik, hiện Nga, Israel và Pháp đều "rất hào phóng" trong việc chia sẻ công nghệ với Ấn Độ, giúp các đối tác địa phương nâng cao năng lực của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại