Ấn Độ đặt mua khoảng 200 máy bay tiêm kích của phương Tây

Trọng Sâm |

Theo nguồn tin của Defence News, Không quân Ấn Độ (IAF) có kế hoạch sắm mới khoảng 200 máy bay tiêm kích một động cơ của nước ngoài, nhưng sẽ được sản xuất ngay tại nước này.

Ấn Độ đặt mua khoảng 200 máy bay tiêm kích của phương Tây - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar

Phát biểu họp báo mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cho biết: nước này sẽ chọn lựa một đối tác phương Tây để cung cấp dòng máy bay chiến đấu một động cơ cho IAF.

Lựa chọn cuối cùng phụ thuộc vào quá trình chuyển giao về công nghệ, cũng như mức giá mà các nhà sản xuất thiết bị gốc đưa ra - ông Parrikar cho hay. Cũng theo ông này, hợp đồng sẽ được thực hiện theo mô hình Đối tác Chiến lược (SP) mà Ấn Độ sẽ công bố vào cuối tháng.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của IAF khẳng định: đề xuất về chương trình mua sắm nói trên sẽ được trình lên Bộ Quốc phòng Ấn Độ trong 4 tháng tới, bao gồm khoảng 200 chiếc máy bay với chi phí khoảng 45 triệu USD/chiếc.

Khái niệm Đối tác Chiến lược (SP) từng gây nhiều tranh cãi trong nội bộ giới chức quốc phòng Ấn Độ. Báo cáo hồi tháng 4 của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho rằng New Delhi nên chỉ định một số công ty tư nhân là SP.

Tuy vậy, một quan chức hàng đầu của Bộ trên cho hay, việc lựa chọn một công ty tư nhân trong nước để sản xuất các máy bay chiến đấu chỉ có thể được Nội các thông qua vào cuối năm 2017.

Sau đó, Ấn Độ hy vọng sẽ có thêm các SP từ nước ngoài, trong đó có tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) và Saab (Thụy Điển) với các mẫu chiến đấu cơ tương ứng là F-16 và Gripen.

Hồ sơ mời thầu các công ty nước ngoài sẽ được Ấn Độ phát hành trong Quý 1 năm 2018. Vào thời điểm đó, một công ty tư nhân sẽ được đề cử làm SP sản xuất.

Quá trình đánh giá kỹ thuật, tài chính và tiến hành thử nghiệm sẽ kéo dài khoảng 2 năm hoặc lâu hơn, trước khi SP này được Bộ Quốc phòng Ấn Độ chính thức công nhận. Thỏa thuận cuối cùng sẽ được ký kết vào năm 2021.

Hiện, Pháp đang đề nghị Ấn Độ mua thêm các chiến đấu cơ Rafael bổ sung, sau khi 2 bên đạt được thỏa thuận mua bán 36 chiếc Rafael vào tháng 9 năm ngoái, với giá trị hợp đồng vào khoảng 8,8 tỷ USD.

IAF muốn thay thế những chiếc tiêm kích MiG-21 và MiG-27 (do Nga sản xuất) cũ kĩ trong vòng 5-7 năm tới. Lực lượng này hiện có khoảng 34 phi đội chiến đấu cơ đang hoạt động, thiếu hụt 11 phi đội so với con số 45 cần thiết để đối phó với Trung Quốc và Pakistan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại