Ấn Độ cung cấp cho Mỹ bằng chứng việc Pakistan sử dụng F-16 tấn công

Quang Huy |

Ấn Độ đã cung cấp cho Hoa Kỳ những bằng chứng quan trọng chứng minh Pakistan đã sử dụng máy bay chiến đấu F-16 để tấn công khu vực do Ấn Độ kiểm soát.

Một quan chức Ấn Độ giấu tên cho biết Không quân Pakistan đã sử dụng máy bay F-16 thực hiện các cuộc không kích vào ngày 27/02/2019 tại khu vực Nowshera (thuộc Jamu và Kashmir) nhằm trả đũa việc Không quân Ấn Độ tấn công một trại huấn luyện các chiến binh khủng bố ở Balakot (khu vực do Pakistan kiểm soát) trước đó một ngày.

Thông qua kênh tình báo, Ấn Độ đã cung cấp cho phía Mỹ các bằng chứng bổ sung cho những báo cáo của mình, bao gồm các thu âm tín hiệu điện đàm từ máy bay chiến đấu F-16 của Pakistan, cùng với các mảnh vỡ của tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 được sử dụng trên các máy bay của Pakistan.

Chi tiết số hiệu, số liệu trên các mảnh vỡ tên lửa tương ứng với những lô hàng mà Mỹ đã trao cho Pakistan, vị quan chức này cho biết thêm.

Vào tháng trước, sau một vụ đánh bom thảm khốc xảy ra tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát khiến cho 40 binh sỹ thuộc lực lượng Bán quân sự Ấn Độ thiệt mạng, không quân Ấn Độ và Pakistan đã tiến hành các cuộc tấn công vượt biên giới. New Delhi cáo buộc nhóm phiến quân Jaish-e-Mohammed do Pakistan hậu thuẫn đã thực hiện vụ khủng bố này.

Pakistan xác nhận đã bắn hạ hai máy bay chiến đấu Mig-21 Bison của Ấn Độ và bắt được một phi công - Abhinandan Varthaman. Islamabad sau đó đã trao trả viên phi công cho Ấn Độ.

Ấn Độ tuyên bố rằng lực lượng không quân của họ đã bắn hạ một máy bay F-16 của Pakistan, trong khi Islamabad phủ nhận việc này và viện dẫn không có việc điều động máy bay F-16 tham gia không kích.

Các quan chức Ấn Độ đã tuyên bố rằng việc tìm thấy và thẩm định các mảnh vỡ thu được ở khu vực Kashmir cho thấy đây không là các phụ kiện của Mig-21 mà chắc chắn nó thuộc về một chiếc F-16 Fighting Falcon. Hình ảnh của xác máy bay cho thấy phần động cơ của chiếc máy bay không có đinh tán, trong khi động cơ của Mig-21 có rất nhiều đinh tán.

Liên quan đến các cáo buộc sử dụng F-16 chủ động tấn công mục tiêu ngoài lãnh thổ, vi phạm các cam kết giữa Pakistan và Hoa Kỳ, Thiếu tướng Asif Ghafoor, phát ngôn viên chính của Lực lượng Vũ trang Pakistan cho biết, vào thời điểm xảy ra xung đột, Không quân Pakistan đã điều nhiều máy bay quân sự thực hiện các nhiệm vụ ở trên không phận Pakistan và tái khẳng định không quân nước này đã tuân thù nghiêm ngặt những thỏa thuận với Hoa Kỳ.

Washington đã cung cấp các máy bay chiến đấu F-16 cho Islamabad với điều kiện chúng sẽ không được sử dụng để gây hấn với bất kỳ quốc gia nào khác mà chỉ thực hiện các nhiệm vụ tiêu diệt khủng bố và tự vệ chính đáng. Mối quan hệ với Washington đã xấu đi khi cuộc chiến chống Taliban nổ ra và việc Tổng thống Obama cắt giảm viện trợ cho Islamabad vào năm 2016.

Trong khi đó ở một diễn biến khác liên quan đến việc máy bay trực thăng Mi-17-V5 của Ấn Độ bị rơi vào ngày 27/02/2019. Theo kết quả điều tra ban đầu, đã có một quả tên lửa phòng không của Ấn Độ khai hỏa chỉ ngay trước khi chiếc trực thăng của Không quân nước này rơi ở Budgam, gần Srinagar, khiến 6 thành viên tổ bay và 1 dân thường thiệt mạng.

Các nhân chứng đã nói rằng, có một vụ nổ lớn đã được nghe thấy trên không trung trước khi chiếc trực thăng rơi xuống kéo theo một vệt khói.

Một quan chức cấp cao Không quân Ấn Độ đã nói với Indiatimes, rõ ràng là cần thiết phải đưa ra xét xử những người có trách nhiệm nếu có bằng chứng điều tra khẳng định họ có lỗi.

Các nguồn tin cho biết tên lửa có nguồn gốc từ Israel, đã được khai hỏa sau khi có báo động phòng không. Khi đó có 25 chiến đấu cơ Pakistan được phát hiện dọc theo biên giới vào sáng ngày 27/02/2019.

Ấn Độ cung cấp cho Mỹ bằng chứng việc Pakistan sử dụng F-16 tấn công - Ảnh 1.

Một máy bay Mi-17 V5 biên chế trong Không quân Ấn Độ cùng loại với chiếc máy bay bị bắn hạ (Ảnh Press TV)

Nguồn tin của Indiatimes cho biết, có bằng chứng cho thấy chiến đấu cơ Pakistan đang tìm cách tiếp cận biên giới để tấn công các vị trí đóng quân của Ấn Độ và còn có cả những cảnh báo về việc triển khai các máy bay không người lái vũ trang từ Pakistan.

Một mục tiêu bay chậm như trực thăng Mi-17-V5 có thể bị nhầm lẫn với một chiếc UAV vũ trang của Pakistan đang chuẩn bị tấn công, nhiều nguồn tin khác cho biết.

Kashmir đã bị chia cắt giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ năm 1947. Cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền với Kashmir và đã có ba cuộc chiến tranh liên quan vùng lãnh thổ này giữa hai nước.

Quân đội Ấn Độ thường xuyên đụng độ với các nhóm vũ trang chiến đấu đòi ly khai của Kashmir hoặc sáp nhập khu vực này với Pakistan.

Ấn Độ cáo buộc Pakistan chứa chấp, vũ trang, huấn luyện các chiến binh và cho phép họ vượt qua biên giới tiến hành các cuộc tấn công vào Ấn Độ. Phía Pakistan đã cực lực phủ nhận các cáo buộc này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại