Dự kiến Thủ tướng Narendra Modi sẽ triệu tập và chủ trì cuộc họp với các quan chức hàng đầu để xem xét vấn đề này vào ngày 29/9 tới.
Động thái trên là phản ứng mới nhất của Ấn Độ sau vụ căn cứ lục quân tại thị trấn Uri, thuộc khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, bị những kẻ khủng bố được trang bị vũ khí hạng nặng tấn công ngày 18/9 vừa qua, làm 18 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng và hơn 20 người bị thương.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Lalit Mansingh nhận định việc New Delhi rút lại MFN là động thái nhằm gây sức ép với Pakistan về chính trị và ngoại giao. Vì trên thực tế quan hệ thương mại Ấn Độ-Pakistan vẫn còn hạn chế, không bị ảnh hưởng nhiều bởi MFN.
Trong một diễn biến khác, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 19 của Hiệp hội Nam Á vì hợp tác khu vực (SAARC) nhiều khả năng bị trì hoãn do 4 quốc gia, chiếm 1/2 số lượng thành viên Hiệp hội quyết định không tham dự.
Nepal - nước Chủ tịch luân phiên của SAARC - cho biết đã nhận được thông điệp từ Ấn Độ, Afghanistan, Bangladesh và Bhutan về việc không tham dự hội nghị thượng đỉnh, dự kiến được tổ chức tại Islamabad (Pakistan) vào ngày 9-10/11 tới.
Do SAARC làm việc dựa trên sự đồng thuận nên ngay cả khi chỉ 1 quốc gia thành viên không tham dự, hội nghị thượng đỉnh SAARC sẽ tự động hoãn hoặc bị hủy bỏ.
Trước đó, Ấn Độ là nước đầu tiên chính thức thông báo sẽ không tham dự hội nghị nhằm phản đối và cô lập ngoại giao đối với Pakistan sau vụ tấn công khủng bố ở Uri.
Các nước Afghanistan, Bangladesh, Butan cũng đã chuyển thông điệp tương tự tới Nepal với lý do lo ngại chủ nghĩa khủng bố gia tăng hoạt động trong khu vực./.