Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương là vị hoàng đế khai quốc triều Minh, hậu thế biết về sự nghiệp của ông gắn liền với cụm từ “tay trắng làm nên”. Ngay từ thuở nhỏ ông đã chịu nhiều thiệt thòi, vất vả, nhiều ngày tháng lang thang xin ăn, ở chùa. Sau này khi lên làm hoàng đế, ông vẫn luôn nhắc nhở bản thân mình không được quên quá khứ khổ sở đó.
Chu Nguyên Chương vẫn luôn nhớ về món canh đậu phụ đã cứu sống bản thân mình thuở chiến bại. Được ăn lại món ăn này, ông vô cùng vui sướng, tấm tắc khen ngon, nhưng khi rời đi thì lập tức ra lệnh chém chủ quán. Rốt cuộc là vì sao vậy?
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (Ảnh minh họa trên phim)
Năm 25 tuổi, Chu Nguyên Chương đầu quân, tham gia khởi nghĩa. Dù khí thế ngút trời, ý chí chiến đấu hừng hực, một đội quân cũng không thể tránh khỏi có những lúc bị bại trận.
Một lần nọ, Chu Nguyên Chương trong một trận thua phải lẩn trốn vào một ngôi miếu hoang, đói lả rồi ngất đi. May sao có một bà cụ đi ngang qua, thấy ông ngất trên nền đất, bèn lấy bát canh đậu phụ định đem đi lễ bón cho ông ăn. Nhờ bát canh đậu phụ này mà Chu Nguyên Chương đã sống lại, đối với ông ta, đó là món canh đậu phụ ngon nhất trên đời.
Món canh đậu phụ chết người
Khi lên làm hoàng đế, ngày ngày được nếm vô số sơn hào hải vị, Chu Nguyên Chương vẫn không quên được hương vị của bát canh đậu phụ đã cứu sống mình năm xưa. Tuy nhiên, không đầu bếp hoàng cung nào có thể nấu được ra bát canh ngon như thế.
Trong một lần xuất cung, Chu Nguyên Chương đi thăm lại ngôi miếu cũ năm xưa, muốn tìm lại hương vị của bát canh đó.
Lúc đi ngang qua một khu chợ nhỏ, thấy một quán ăn có đề biển “canh đậu phụ”, ông bèn ghé vào ăn thử. Nào ngờ, bà chủ quán đó chính là bà cụ đã cứu ông năm xưa, món canh đậu phụ bà mang ra cho ông cũng đúng là hương vị năm đó ông được ăn.
Chu Nguyên Chương vừa ăn vừa luôn miệng khen ngon, nhân tiện hỏi bà cụ cách làm ra món canh này. Hóa ra, nguyên liệu để nấu canh là đậu phụ thối. Các đầu bếp hoàng cung không ai dám đem món đồ này nấu cho hoàng đế, nên không thể có hương vị ngon như của bà cụ nấu được.
Bà cụ cũng nhanh chóng nhận ra chàng trai mình đã cứu sống năm xưa, nay đã là một người giàu có, có kẻ đón người hầu. Bà ta không giấu nổi vui mừng mà kể lại chuyện cũ của Chu Nguyên Chương, không hề biết rằng đã phạm phải một điều cấm kỵ. Đó là Chu Nguyên Chương rất ghét người khác nhắc lại quá khứ nghèo khổ của ông ta.
Chu Nguyên Chương nổi tiếng là vị hoàng đế đa nghi, tàn ác (Tranh minh họa)
Trước mặt bao nhiêu bá quan, thái giám, binh lính để người khác nói đến những chuyện xấu hổ của mình, thật khiến cho vị đương kim hoàng đế mất mặt. Ngay khi vừa rời khỏi quán ăn, Chu Nguyên Chương lập tức ra lệnh giết chết bà cụ đó. Nguyên nhân là bởi bà ta quá nhiều chuyện, ông ta sợ bà sẽ đi kể cho người khác biết, nên sớm diệt khẩu để trừ hậu họa.
Từ câu chuyện này chúng ta có thể rút ra được một bài học:
Đó là luôn phải cẩn thận trong lời nói và hành động, giữa hai người dù có thân đến mấy cũng có những chuyện không nên nói ra. Kiểu người nói chuyện không lường trước sau như bà lão trong câu chuyện, sớm muộn cũng sẽ gặp họa diệt thân.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, không kể chuyện xấu của người khác trước mặt mọi người cũng là một nguyên tắc giao tiếp quan trọng của người thông minh.
Một bát canh đã cứu sống một con người, nhưng cũng chính bát canh đó lại lấy đi một mạng người. Ảnh: Sohu
Lời kết
Không có bát canh đậu phụ, Chu Nguyên Chương có thể đã mất mạng, không có bát canh đậu phụ, có thể bà cụ có thể đã giữ được mạng. Tiếc rằng người mà bà cụ đối mặt lại chính là bậc đế vương.
Chúng ta vẫn thường nghe đến câu “Họa từ miệng mà ra”. Lời nói quả thực không mất tiền mua, nhưng lựa lời để nói thế nào, nên nói chuyện gì và không nên nói chuyện gì phù hợp với hoàn cảnh thì đôi khi phải học cả một đời.