1. Hai năm về trước, chức Á quân U23 châu Á của thầy trò HLV Park Hang-seo trên đất Trung Quốc không chỉ đến từ may mắn hay tinh thần chiến đấu quật cường, mà còn bởi họ đã có được quá trình chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng cho giải đấu ấy, bằng 4 trận giao hữu quốc tế trước toàn những đối thủ đáng gờm để rèn quân.
Trước thềm U23 châu Á, U23 Việt Nam lần lượt gặp U23 Myanmar, Uzbekistan và Thái Lan tại M-150 Cup trên đất Thái. Đây là một giải đấu thành công của thầy trò HLV Park Hang-seo. Ở đó, họ đã có trận thắng trước chủ nhà U23 Thái Lan, tạo đà tâm lý cực tốt cho các cầu thủ khi đả bại được "đại kình địch" Đông Nam Á.
Không chỉ thế, trận thua trước U23 Uzbekistan cũng mang lại rất nhiều bài học quý cho U23 Việt Nam khi phải đối đầu với các đội bóng mạnh hơn. Điều đó đã được chứng minh ở VCK U23 châu Á 2018.
Loạt giao hữu trước thềm VCK U23 châu Á năm ấy được kết thúc bằng trận giao hữu với CLB Ulsan Hyundai của Hàn Quốc trên sân Hàng Đẫy. Kết quả đáng khích lệ trong loạt trận giao hữu ấy khiến những Xuân Trường, Quang Hải, Công Phượng... hầu như rũ bỏ sạch sẽ được tâm lý nặng nề sau thất bại đau đớn ở SEA Games 29, góp phần tạo nên kỳ tích đầu tay của HLV Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.
Hai năm sau, chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2020 trên đất Thái, thầy trò HLV Việt Nam có sự chuẩn bị "lặng lẽ" hơn nhiều, với 2 trận "đấu kín" theo kiểu đá tập với những đội bóng được đánh giá là yếu hơn nhiều là Đại học Yeungnam và CLB đang thi đấu ở tít giải hạng 3 Hàn Quốc - Busan Transportation Corporation.
Trở về Việt Nam, thầy trò ông Park có thêm hai trận đấu tập khác với CLB TP.HCM và Bình Dương. Trận đấu "có sức nặng" nhất sẽ là gặp U23 Bahrain trên đất Thái vào ngày 3/1, tuy nhiên tính chất của nó cũng chỉ là một buổi đá tập kín, tránh mọi ánh mắt của truyền thông.
2. Phải chăng không có được những trận đấu tập huấn "hoành tráng" như hai năm về trước là do lỗi chuẩn bị của thầy Park cũng như VFF?
Không phải. Bởi có không ít lý do để thầy trò HLV Park Hang-seo không cần phải "trống dong cờ mở" như hai năm về trước, và tất cả đều chung mục đích tạo nên ngạc nhiên bất ngờ cho các đối thủ mạnh sắp tới.
Nếu như hai năm trước, 4 trận giao hữu trước VCK U23 châu Á 2018 giúp rất nhiều cho HLV Park Hang-seo trong việc thử nghiệm các phương án, lắp ráp đội hình, cũng như cho các học trò "thực hành" sơ đồ chiến thuật 3-4-3/5-4-1 của mình, thì hiện tại, với việc sơ đồ chiến thuật quen thuộc ấy của ông đã bị tất cả các đội bóng sắp đối đầu nghiên cứu "hết nước", nhà cầm quân người Hàn Quốc cần "khoảng lặng" để chuẩn bị "bài mới", đồng thời khiến đối phương phải đau đầu.
Hơn thế nữa, U23 Việt Nam đã được tập trung từ gần 1 năm về trước, chơi với nhau rất nhiều và đã đạt đến độ ăn ý đủ khiến ông Park không còn phải lo về việc lắp ghép con người, cũng như vận hành chiến thuật. Các học trò của ông cũng không cần phải dự những trận giao hữu "mở" như hai năm về trước để có được sự tự tin, nhất là sau chức vô địch SEA Games vừa qua.
Cuối cùng, không ít cầu thủ trụ cột của U23 Việt Nam dính chấn thương trong chiến dịch SEA Games vừa qua. Thay vì những chiến thắng ở các trận giao hữu trước giải, nhà cầm quân người Hàn Quốc đang ưu tiên hơn cho việc giữ gìn cho Quang Hải hay Tiến Linh những "khoảng lặng" cần thiết, để rồi bùng nổ vào lúc cần thiết. Với U23 Việt Nam lúc này, những trận giao hữu kiểu đá tập là thích hợp hơn cả.
3-4-3 của thầy Park không còn là thứ vũ khí hữu hiệu nhất để gây bất ngờ với các đối thủ mạnh tầm châu Á, thay vào đó, sơ đồ 3-5-2 đang được ông thử nghiệm ở các buổi tập kín sẽ là bất ngờ khác mà ông thầy người Hàn Quốc dành cho các đối thủ.
Bất ngờ là thứ không bao giờ thiếu trong "thực đơn" mà thầy Park "chiêu đã" các đối thủ. Và thêm lần nữa, cả châu Á sẽ lại được chứng kiến "phép màu" của thầy Park, lần này đến từ "sự tĩnh lặng trước cơn bão".