Amazon – Walmart và cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hai đại gia bán hàng của Mỹ

Trung Mến |

Cuộc cạnh tranh của họ cho thấy rất nhiều ngành kinh doanh của nước Mỹ đang thay đổi, lợi thế sẽ thuộc về doanh nghiệp nào có tiềm lực mạnh, loại bỏ đi các đối thủ yếu kém.

Khi Amazon quyết định dành số tiền mười mấy tỷ USD để mua lại công ty thực phẩm sạch Whole Foods, nhiều chuyên gia bán lẻ đã nhắc lại điều mà người ta đã nói đến trong những thập niên qua: Amazon đang cố gắng để cạnh tranh với Walmart để trở thành nhà cung cấp chính mọi sản phẩm đến người tiêu dùng.

Nghệ thuật bán hàng làm thay đổi thói quen tiêu dùng

Theo New York Times, cả hai bên đang cùng đầu tư để trở nên giống nhau hơn. Từ vị thế một nhà bán lẻ truyền thống, Walmart đầu tư mạnh vào mảng bán hàng trực tuyến để thu hút khách hàng. Trong khi đó, đang giữ vị trí hàng đầu trong mảng bán hàng trực tuyến, Amazon lại rót thêm rất nhiều tiền, đẩy mạnh hoạt động thâu tóm doanh nghiệp để mở những cửa hàng vật lý. Amazon từng mở cửa hàng sách và bây giờ đã làm chủ chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch.

Thế nhưng hơn tất cả, cuộc cạnh tranh giữa Walmart và Amazon không đơn thuần chỉ là cuộc cạnh tranh giữa hai “đại gia” bán hàng của nước Mỹ. Cuộc cạnh tranh của họ cho thấy rất nhiều ngành kinh doanh của nước Mỹ đang thay đổi, lợi thế sẽ thuộc về doanh nghiệp nào có tiềm lực mạnh, vượt xa hơn nữa tất cả những doanh nghiệp quy mô trung bình và nhỏ.

Người tiêu dùng chắc chắn hưởng lợi thế nhưng không thể không lo lắng về ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn lên mức lương, việc làm của người lao động và sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh.

Tác giả bài viết đã lấy chính sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của bản thân để nói đại diện cho thói quen của nhiều người tiêu dùng khác.

Ông kể lại: “Tôi từng mua áo sơ mi từ một nhà may ở Hồng Kông. Áo của họ được thiết kế và may đo vô cùng vừa vặn. Mỗi tuần, tôi đều mặc áo sơ mi của nhà may này đi làm, hôm nay màu xanh nhạt, mai màu trắng, ngày kia áo kẻ, ngày tiếp đó nữa cũng áo kẻ nhưng phong cách khác. Nhà may này có cách giới thiệu về sản phẩm áo sơ mi của họ hay đến nỗi ai cũng phải cảm thấy hài lòng.”

“Thế rồi, tôi cũng dần cảm thấy không hài lòng bởi với cách làm việc quá cẩn thận, tỉ mỉ, họ chau chuốt từng sản phẩm cực kỳ cẩn thận và khâu đặt hàng tốn nhiều thời gian đến nỗi từ khi đặt hàng đến khi nhận được sản phẩm phải mất đến 6 tuần. Mỗi chiếc áo khi tôi cầm được đến tay có giá tận 120USD và nếu bạn mua 8 cho đến 10 cái bạn không được giảm đồng nào.”

“Sau vài năm sử dụng sản phẩm như vậy, tôi được biết đến một công ty có tên Bonobos đang bán các sản phẩm áo sơ mi ra thị trường với kiểu dáng, mẫu mã và giá tiền khá hợp với tôi. Họ bán theo set 3 chiếc giá 220USD, tức khoảng 73USD/chiếc, hàng đến chỉ sau 2 ngày tính từ khi đặt hàng.”

“Ngay lập tức tôi chuyển sang dùng sản phẩm của Bonobos, dù tất nhiên tôi biết rằng sản phẩm của Bonobos không thể bằng hàng của nhà cung cấp Hồng Kông trước đây. Nhưng đổi lại giá sản phẩm rẻ hơn, thời gian nhận hàng nhanh hơn. Bonobos trở thành nhà cung cấp sản phẩm áo sơ mi chính cho tôi trong khoảng thời gian khá lâu.”

“Và từ khi tôi biết đến Amazon, Bonobos cũng trở thành quá khứ. Amazon đang nhanh chóng chen chân vào lĩnh vực may mặc bằng cách cung cấp sản phẩm áo sơ mi nam sử dụng vải theo họ quảng cáo là chất lượng cao, mỗi sản phẩm có giá chỉ 40USD.”

“Tất nhiên, không thể so sánh chất liệu và kiểu dáng của áo sơ mi Amazon với Bonobos hay nhà may Hồng Kông mà tôi từng sử dụng. Thế nhưng mức giá quá hợp lý đi kèm với chất lượng sản phẩm tàm tạm làm tôi hài lòng. Và đến giờ tôi cũng không có ý định sẽ quay lại dùng sản phẩm của bất kỳ nhà may nào trước đó nữa.”

Và cuối cùng, tác giả nhấn mạnh đến một sự thật có thể vui với người tiêu dùng nhưng không mấy vui nếu nói đến vấn đề cạnh tranh tương lai trên thị trường: Walmart đã thâu tóm Bonobos.

Cuộc cạnh tranh Amazon và Walmart

Việc Walmart cố gắng tiến vào mảng bán hàng trực tuyến có thể coi như quyết định gây khá nhiều bất ngờ. Xưa nay, dù có dòng sản phẩm riêng nhưng chủ yếu Walmart vẫn chuyên đi phân phối lại sản phẩm do các hãng khác sản xuất.

Đã nhiều năm nay, Amazon và Walmart luôn nghiên cứu và dè chừng lẫn nhau bởi công ty nào cũng muốn mình sẽ tiếp tục thống trị ở mảng mà phía bên kia vốn đã rất mạnh. Hay nói cách khác, sau khi thành công ở mảng này, họ lại đang đi những bước đi đầu tiên để phát triển từ đầu trong mảng đối lập.

Amazon hiện đang là “ông trùm” ngành bán hàng trực tuyến, Amazon đặc biệt phổ biến với nhóm người tiêu dùng giàu có ở thành phố. Amazon đang vươn ra thị trường bán lẻ truyền thống bằng cách mở thêm cửa hàng sách và thực phẩm sạch.

Walmart đang sở hữu hệ thống cửa hàng, siêu thị với doanh thu hàng chục tỷ USD mỗi năm. Người tiêu dùng khu vực ngoại thành và nông thôn với mức thu nhập trung bình và trung bình thấp đặc biệt thích Walmart, và nay Walmart đang cố gắng chạm tới nhóm người tiêu dùng giàu có sống ở các khu vực đô thị cũng như người tiêu dùng thích sử dụng dịch vụ mua hàng trực tuyến.

Với những động thái mới, Amazon và Walmart đang cố gắng làm gì? Họ muốn ôm trọn tất cả nhu cầu của người tiêu dùng. Điều đó lý giải tại sao Walmart muốn mua lại Bonobos bởi công ty này từng kết hợp kinh doanh khá thành công giữa bán hàng trực tuyến và kinh doanh tại các cửa hàng vật lý. Dịch vụ chăm sóc khách hàng trực tuyến của công ty vô cùng hoàn hảo.

Cùng lúc đó, Bonobos có nhiều cửa hàng quần áo tại các thành phố lớn, khách có thể thoải mái đến thử đồ và đặt hàng chuyển đồ trực tiếp đến nhà. Bonobos quản lý theo hình thức kho hàng tập trung, chính vì vậy họ không tốn quá nhiều diện tích cho mỗi cửa hàng.

Còn đối với Walmart, việc hãng mua lại Bonobos sẽ giúp hãng nhanh chóng nắm được bí quyết kinh doanh trong mãng mà hãng muốn cạnh tranh với Amazon. Còn trong thương vụ Amazon thâu tóm Whole Foods.

Thông qua Whole Foods, hãng sẽ nắm được nhiều bí quyết kinh doanh tại các cửa hàng truyền thống, đơn giản nhất từ việc bày hàng thực phẩm chắc chắn sẽ phải khác rất nhiều so với trưng bày các quyển sách. Cùng lúc đó, Amazon sẽ học được cách làm sao thuyết phục khách mua hàng tại chỗ và mang về nhà.

Walmart dùng Bonobos để tiếp cận nhiều hơn với khách hàng giàu có và thích sử dụng công nghệ trong mua sắm. Amazon dùng Whole Foods để giành được nhiều khách hàng quen mua hàng theo cách truyền thống hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại