Cờ phướn nhiều màu tung bay trên nền trời xanh. Những hàng người trong trang phục truyền thống nhiều lớp, búi tóc, đội mũ, bên hông dắt kiếm hoặc cầm cung tên phủ phục trên lối đi rải sỏi. Các linh mục Thần đạo vận trang phục lụa trắng bước dọc theo hành lang gỗ, từ từ tiến vào chính điện - nơi đặt Ngai vàng Hoa cúc buông kín rèm.
Đó là khung cảnh lễ đăng quang của Thiên hoàng Nhật Bản Akihito vào tháng 11/1990, một buổi lễ khiến người ta có cảm giác như tới từ một thế giới bị lãng quên.
Rất nhiều nghi thức và hiện vật trong buổi lễ đã tồn tại từ hơn 1.000 năm trước. Tuy nhiên, lễ đăng quang này không giống với những lần trước đó.
Lần này, một trong số Tam chủng thần khí – ba báu vật thần thánh tượng trưng cho ngôi báu của Thiên hoàng – đã không xuất hiện. Chiếc gương thần, hiện thân của nữ thần mặt trời Amaterasu Omikami đã được để lại Thần cung Ise bởi người ta cho rằng tính chất thần thánh của báu vật này không phù hợp cho một dịp lễ như vậy theo Hiến pháp mới của Nhật Bản thời hậu chiến.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, chính phủ Nhật Bản sắp xếp tổ chức lễ đăng quang của Nhật hoàng ở Tokyo, chứ không phải ở cố đô Kyoto.
Tất cả những điều này thể hiện bản chất thế tục của sự kiện, cũng như tình thế của Nhật Bản ở thời điểm hậu Thế chiến II, một Nhật Bản chìm đắm trong cuộc khủng hoảng bản sắc, giằng xé giữa hai tính danh: Một nền dân chủ theo chủ nghĩa hòa bình chối bỏ quá khứ quân phiệt và dư vị về một tính danh ràng buộc chặt chẽ với quá khứ ấy.
Vương triều hiện đại của Nhật Bản vốn được thiết kế để trở thành trung tâm của Đế quyền. Hệ tư tưởng này lên tới cực điểm trong giai đoạn chiến tranh, đòi hỏi một vị hoàng đế tựa vị thần, người có thể được tôn thờ như sự hiện thân của quốc gia. Luật pháp ngày nay phản đối việc thoái vị chính là di sản của trạng thái thần thánh này – Làm sao một vị thần có thể từ chức được?
Trong khi Hirohito, vị Thiên hoàng trước đó, từng gắn với một giai đoạn quá khứ đau buồn của Nhật Bản, rồi sau lại được sùng bái vì sự hồi sinh thần kỳ của đất nước thì nhiều người Nhật coi Akihito như hiện thân của một kỷ nguyên mới.
Kế vị ngôi báu, Akihito thừa hưởng một vị trí mà về cơ bản không đại diện cho chủ nghĩa quân sự, cũng không đại diện cho chủ nghĩa hòa bình, không phải quá khứ, cũng không phải hiện tại, mà là sự căng thẳng chưa được hóa giải giữa 2 yếu tố ấy, là biểu hiện cho cuộc khủng hoảng bản sắc quá đau đớn và khó khăn để đối mặt.
Sự kiện lên ngôi của Thiên hoàng thứ 125 là một sự kiện đương đại – vừa nhìn về quá khứ, lại vừa hướng tới tương lai – một nỗ lực nhằm hòa hợp di sản của Nhật Bản với hình ảnh một quốc gia mà Nhật Bản muốn trở thành sau sự thất bại từ cuộc chinh phạt ở châu Á, Thái Bình Dương.
Gần như xuyên suốt chiều dài lịch sử, Nhật hoàng chỉ chịu trách nhiệm đảm đương các công việc mang tính nghi thức, tế lễ. Thực quyền ở Nhật Bản hầu hết đều nằm trong tay của các Tướng quân. Những người này thao túng Nhật hoàng và giữ ông làm biểu tượng cho sự chính thống của mình.
Chỉ sau thời Minh Trị Duy Tân thì Đế quyền mới được khôi phục. Nhật hoàng được nâng lên làm người đứng đầu nhà nước "linh thiêng và bất khả xâm phạm". Tính đến những năm 1930, những khái niệm mới về Thần đạo và sự tôn thờ Nhật hoàng được sử dụng để biện hộ cho cuộc viễn chinh của Nhật Bản.
Khi đại diện cho lực lượng Đồng minh tới cải tổ Nhật Bản sau Thế chiến II, Tướng Mỹ Douglas A. MacArthur đã khước từ lời khuyên của rất nhiều người và quyết định không loại bỏ, cũng không trừng phạt Nhật hoàng Hirohito bởi về bản chất Thiên hoàng Nhật Bản không có quyền chấm dứt chiến tranh. MacArthur cho rằng duy trì Nhật hoàng sẽ giúp thúc đẩy tình bằng hữu và sự đoàn kết của nhân dân Nhật Bản.
Đây là một phần trong quyết định định mệnh mà người Mỹ đã đưa ra ở Nhật Bản, nơi họ lưu lại suốt 7 năm sau Thế chiến II. Thay vì giải tán tất cả những gì liên quan đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ II một cách hoàn toàn như đã làm ở Đức, họ ủng hộ Nhật hoàng tiếp tục tại vị, với hy vọng dựa vào ông để hợp pháp hóa quyền lực.
Nước Mỹ, lúc đó đang vướng vào cuộc Chiến tranh Lạnh, muốn biến Nhật Bản thành một nền dân chủ thân thiện. Người Mỹ sợ rằng nếu buộc người Nhật giáp mặt với quá khứ chiến tranh của mình và chối bỏ vị hoàng đế mà họ yêu quý thì điều đó sẽ đẩy Nhật Bản vào vòng tay Liên Xô.
Hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản định nghĩa: Thiên hoàng chỉ đơn giản là "biểu tượng của nhà nước và sự đoàn kết dân chúng". Ông chịu trách nhiệm chủ trì các buổi yến tiệc, đón tiếp các quan khách nước ngoài, ký những tài liệu chính thức và đảm đương một số trọng trách khác của một người đứng đầu nhà nước nhưng không có thực quyền.
Thiên hoàng đồng thời là một lãnh đạo tôn giáo nhưng không có Thần quyền. Giống như các vị vua trước đó, ông là người đứng đầu Thần đạo nhưng kể từ sau chiến tranh, Hiến pháp Nhật Bản không cho phép chính quyền ủng hộ Thần đạo như Quốc giáo nữa.
Người Mỹ cũng đưa ra những quyết sách đặc biệt quan trọng đối với Akihito, lúc này mới chỉ là một Thái tử 12 tuổi, đang sơ tán ở thị trấn sơn cước yên bình Nikko. Những quyết sách ấy dường như đã phần nào thay đổi cuộc đời ông, cũng như số phận của Hoàng gia Nhật Bản.
Từ khi 3 tuổi, Akihito đã bị cách ly khỏi cha mẹ và được chăm sóc đặc biệt. Sau này, ông còn kể với bạn bè rằng ngay cả việc tự mình đi bộ lên cầu thang, ông cũng không mấy khi được phép.
Tuổi thơ của Akihito cô độc đến mức đau đớn. Bạn học bị buộc phải giữ khoảng cách với ông. Họ cũng được đề nghị không nhắc đến những chuyến đi chơi để khỏi làm ông thêm buồn khổ. Có lần, một người bạn bước vào căn phòng tối của Akihito lúc chiều tàn và thấy ông đang ngồi một mình, lặng lẽ giết sâu bướm bên chiếc đèn bàn.
Khi còn là một cậu thiếu niên, Akihito từng được hỏi rằng liệu ông có bao giờ ước mình được làm một cậu bé bình thường hay không. "Tôi không biết", ông đáp lời, "Tôi chưa bao giờ là một cậu bé bình thường cả".
Người Mỹ cho rằng tiếp tục cách ly Akihito sẽ rất nguy hiểm. Vì thế, ông được đưa về Tokyo để theo học cấp III và đại học. Akihito cũng được sắp xếp cho một gia sư riêng để học tiếng Anh và văn hóa phương Tây.
Elizabeth Gray Vining, gia sư của Akihito, nhớ lại rằng, bà thấy cậu bé thân thiện, tinh tế nhưng quá lịch sự và nhút nhát, thường xuyên chán nản với bài vở mà lại hứng thú với cá và cưỡi ngựa.
"Tội nghiệp cậu bé", Vining viết trong hồi ký của mình, "Tôi nghĩ rằng cậu bé đã có một cuộc sống rất nhàm chán, bị bó buộc và tôi mong mỏi được trả lại cho cậu sự tự do, cho cậu cơ hội để phát triển lòng nhiệt thành và sự hứng thú".
Thái tử trẻ tuổi mong mỏi được cảm nhận năng lượng của một Tokyo đang hồi sinh. Có giai thoại kể rằng trong những ngày tháng trung học, ông và bạn bè còn lên kế hoạch trốn khỏi hoàng cung. Trong vài giờ đồng hồ rực rỡ ngắn ngủi ấy, ông đã đi dọc những con phố khu Ginza – dù chỉ cách Hoàng cung tầm 1 dặm nhưng đó là một thế giới hoàn toàn khác. Sau này Akihito còn nói, ông "chỉ muốn được một lần đi thử tàu điện".
Bạn học và bà Vining là những nguồn ảnh hưởng mạnh mẽ đối với Akihito. "Bà ấy đã khai sáng và giúp Akihito thấm nhuần các giá trị tự do, dân chủ", một người bạn của Nhật hoàng cho biết.
Khi bước vào tuổi trưởng thành, Akihito đã thề sẽ tự nuôi dạy con mình mà không có những quy định hà khắc ông từng phải tuân thủ trong những năm tháng tuổi thơ cô độc. Ông trở thành Nhật hoàng đầu tiên làm điều đó, và cũng là vị vua đầu tiên của Nhật Bản kết hôn với dân thường.
Mùa hè năm 1957, Thái tử gặp Michiko Shoda, con gái của một nhà công nghiệp ưu tú, một sinh viên của Đại học Thánh tâm Tokyo tại sân tennis ở khu nghỉ dưỡng trên núi. Trong một trận đấu đôi, Akihito thảm bại nhưng ngay lập tức phải lòng cô gái Michiko tươi tắn, vui vẻ và tràn đầy năng lượng.
Giới quý tộc rất bàng hoàng khi thấy người được Akihito chọn làm Thái tử phi xuất thân từ một gia đình theo Công giáo, chứ không phải Thần đạo như truyền thống. Nhà Shoda cũng phản đối cuộc hôn nhân vì lo ngại về gánh nặng sẽ được đặt lên vai con gái mình.
Nhằm đưa con gái ra khỏi tầm mắt của Thái tử, nhà Shoda đưa Michiko tới Brussels (Bỉ) để tham gia một cuộc hội thảo quốc tế của cựu sinh viên từ các trường Công giáo.
Thế nhưng, Thái tử Akihito không dừng ở đó. Ông muốn giữ liên lạc với Michiko. Thái tử không thể sử dụng kênh ngoại giao thông thường để gửi thư cho người thương ở Brussels bởi không có đại sứ nào dám đi ngược lại mong muốn của hoàng gia. Vì thế, Akihito đã liên lạc với Quốc vương Baudouin trẻ tuổi của Bỉ, người mà ông từng có cơ hội gặp gỡ trước đó, và nhờ Quốc vương giúp mình tiếp tục duy trì liên lạc.
Akihito đã gửi những bức thư tình trong phong bì dán kín cho Baudouin và sau đó vua Bỉ tiếp tục gửi chúng tới địa chỉ của Michiko ở Brussels.
Baudouin còn trực tiếp liên lạc với hoàng gia Nhật Bản ở Tokyo và đề cập tới mối quan hệ của Thái tử. Ông cho rằng những quy tắc không nên là trở ngại đối với tình yêu và lý luận rằng, nếu Thái tử được hạnh phúc nhờ vào mối quan hệ với Michiko thì sau này ông sẽ trở thành một vị quân vương tốt hơn.
Vài tháng sau, Hoàng gia Nhật Bản thông báo lễ đính hôn giữa Thái tử Akihito và Michiko Shoda. Họ kết hôn nửa năm sau đó vào tháng 4/1959.
Thái tử Akihito và Thái tử phi Michiko Shoda mặc trang phục truyền thống trong đám cưới hoàng gia năm 1959. Ảnh: EPA
Đám cưới giữa hoàng gia với dân thường – giữa Thái tử và một người từng theo học trường Công giáo – đã thu hút sự chú ý của người dân. Hàng nghìn người Nhật đã mua chiếc vô tuyến đầu tiên trong đời để xem đám cưới, và rất nhiều người bắt đầu học chơi tennis.
Cặp vợ chồng trẻ đã quyết định đưa những yếu tố phương Tây vào đời sống của mình, công khai từ bỏ một số truyền thống mà Akihito đã cùng lớn lên. Họ mời bạn bè tới cung điện, cho con cái đi du học nước ngoài.
Akihito và Michiko sống ở Cung Togu ngoại ô Tokyo, giữa những cánh rừng thông, rừng bulo và đỗ quyên với cô con gái Nori. Nhật hoàng cố gắng phá bỏ lề thói cũ bằng cách mời bạn bè thân hữu tới uống trà hoặc dùng bữa. "Ông ấy là Thiên hoàng đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản có bạn bè, một tài sản khổng lồ mà cha ông chưa bao giờ có được", Yohinobu Tokugawa, một nhà sử học, đồng thời là bạn học của Nhật Hoàng cho biết.
Trong một buổi tiệc tối ấm cúng năm 1961, một người bạn học của Akihito đã rất bất ngờ khi phát hiện ra, cặp đôi thậm chí còn bày tỏ tình cảm với nhau - một điều hiếm khi được thể hiện công khai trong hôn nhân của người Nhật. Người bạn còn bất ngờ hơn khi biết Nhật hoàng thi thoảng còn nấu ăn và rửa bát.
Đảm đương vị trí Thái tử phi, rồi Hoàng hậu, là một trách nhiệm rất lớn đối với Michiko, đặc biệt khi bà phải chịu sự chỉ trích từ phía hoàng gia Nhật Bản vì những quyết định cách tân trong đời sống của mình. Tuy nhiên, bạn bè của Akihito cho biết, trong suốt những năm tháng kết hôn, Nhật hoàng vẫn luôn đứng bên người vợ yêu.
Họ đã nỗ lực để tạo ra một hình ảnh "hoàng gia trung lưu" và đưa hoàng gia tới gần với người dân hơn.
Akihito là Nhật hoàng đầu tiên tự nuôi dạy con cái. Ảnh: EPA
Akihito từng nói:
Tại công viên thành phố, nơi tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công bom nguyên tử năm 1945, đám đông đã vô cùng bất ngờ khi thấy Nhật hoàng bỏ ô và cúi người rất thấp trước đài tưởng niệm, một cử chỉ nhún nhường mà cha ông không bao giờ làm. Một người dân đã không nén nổi xúc động mà cất tiếng hát vang quốc ca:
Xin hãy tiếp tục trị vì, thưa Hoàng Đế
Cho tới khi những viên sỏi nhỏ
Kết thành đá tảng…
Đám đông bất giác hô lớn ba lần: ''Vạn tuế! Vạn tuế! Vạn tuế!"
Nếu như ở thời kỳ trước chiến tranh, người dân phải cúi đầu, phủ phục khi Nhật hoàng đi qua thì dưới thời Bình Thành của Akihito, họ có thể đứng thẳng nhìn ông vẫy tay, tươi cười.
Hình ảnh Nhật hoàng và Hoàng hậu quỳ gối, trò chuyện thân tình với các nạn nhân thảm họa động đất tại trung tâm sơ tán có lẽ sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của người Nhật.
Người dân được thông báo rộng rãi khi Nhật hoàng được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt năm 2002, một điều hoàn toàn ngược với không khí bí mật xung quanh bệnh tình của cha ông, Hirohito.
Ngoài ra, Nhật hoàng Akihito còn sử dụng những từ tiếng Nhật thông dụng. Ông giảm bớt số lượng đoàn tùy tùng của mình, gồm lực lượng an ninh, người nếm thử thức ăn và các quan chức tháp tùng, tiễn, đón ông ở sân bay, ga tàu. Akihito cũng yêu cầu đoàn xe của mình dừng ở một số đèn giao thông.
Nhật hoàng Akihito đã nỗ lực thổi một hơi thở mới vào cuộc sống hoàng cung và mối quan hệ giữa hoàng gia với dân chúng, nhưng ông không có ý định can thiệp vào thể chế.
Từ trước khi lên ngôi, Akihito đã nói: "Thiên hoàng không đứng ở vị trí làm thay đổi chính trị. Theo truyền thống, Thiên hoàng đứng ở vị trí tinh thần, cùng chia sẻ niềm vui và sự đau khổ đối với dân chúng".
Những ràng buộc chính trong cuộc sống của Thiên hoàng Nhật Bản là Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản - bộ phận quyền lực chịu trách nhiệm bảo vệ gia đình hoàng gia - và quy định ông không được bày tỏ ý kiến cá nhân.
Trong các phát ngôn công khai, ông tránh đưa ra những phát biểu có tính chính trị. Rất hiếm hoi Nhật hoàng Akihito mới công khai bày tỏ quan điểm cá nhân về một vấn đề nào ngoài sinh học, bộ môn nghiên cứu sở trường và cũng là đam mê của cá nhân ông.
Dù vậy, ông không thích các phát biểu của mình được sắp xếp một cách quá đà. Những người thân với Nhật hoàng cho biết, ông chủ động để tâm tới những gì mình phải nói trong các dịp ngoại giao và thường yêu cầu giải thích hoặc thay đổi câu chữ để thể hiện cảm nhận của cá nhân ông.
Điều này được thể hiện rất rõ trong một sự vụ năm 2012, một năm sau khi Nhật Bản trải qua thảm họa kép động đất – sóng thần. Bài phát biểu của Nhật hoàng nhân dịp này đã bị đài truyền hình kiểm duyệt và cắt bỏ vì ông nhắc tới thảm họa hạt nhân ở Fukushima, điều mà chính quyền Nhật Bản lúc bấy giờ vẫn né tránh.
Lúc đó, vị vua 78 tuổi vừa ra viện sau khi phẫu thuật nhưng vẫn kiên quyết tham dự lễ tưởng nhiệm. Dù chỉ là người đứng đầu nhà nước một cách tượng trưng nhưng ông vẫn được nhân dân tôn kính. Nhiều người Nhật coi Thiên hoàng là ngọn lửa dẫn lối trong những thời điểm khủng hoảng. Bài phát biểu của ông thu hút rất nhiều sự quan tâm.
Khác với Thủ tướng Noda, người chưa từng nhắc tới thảm họa hạt nhân trong bài phát biểu nhân dịp lễ kỷ niệm, Nhật hoàng lại đề cập thẳng:
Đối với người ngoài, thông điệp này chẳng có gì lạ lùng nhưng thực ra, lời phát biểu của Nhật hoàng lại hàm chứa 2 quan điểm nổi bật.
Thứ nhất, có vẻ như ông cho rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân vẫn chưa trôi qua, một "nhiệm vụ lớn lao" vẫn cần được thực hiện. Điều này mâu thuẫn với tuyên bố chính thức của chính phủ Nhật rằng Fukushima đã ngừng hoạt động nguội (cold shutdown) và cuộc khủng hoảng đã kết thúc.
Thứ hai, nó ẩn chứa quan điểm rằng hiện giờ vẫn chưa an toàn để người dân quay trở lại những khu vực có mức độ phóng xạ cao, ít nhất là trước khi "nhiệm vụ lớn lao" được hoàn thành. Điều này, một lần nữa, mâu thuẫn với lập trường của chính phủ rằng hiện giờ đã an toàn cho người dân quay về phần lớn các khu vực gặp nạn.
Phát biểu của Nhật hoàng đã gây hiệu ứng lớn đối với dân chúng. Hành động kiểm duyệt bài phát biểu của đài truyền hình vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội.
"Lời nói của Nhật hoàng giống như nhát dao đâm vào trái tim tôi", tài khoản @shun1sta viết trên Twitter, "Có vẻ ông ấy cũng rất đau đớn. Tôi chỉ có thể tưởng tượng được ông ấy phải cảm thấy quyết tâm như thế nào mới nói ra được những lời ấy".
"Có vẻ như Nhật hoàng đang làm những điều tốt nhất ông có thể bất chấp những ràng buộc ở vị trí của mình, để truyền đạt ý kiến của bản thân về vấn đề hạt nhân. Có thể chính phủ đã yêu cầu ông không đề cập tới cuộc khủng hoảng hạt nhân. Ông ấy chắc hẳn phải đấu tranh rất khó khăn để nói lên sự thật".
Dù Nhật hoàng tránh thể hiện quan điểm cá nhân nhưng những người thân cận không mấy hoài nghi về lập trường hòa bình của ông.
"Ông ấy rất giống một người thuộc thế hệ của mình, một nhà hòa bình mạnh mẽ, một người theo quan điểm tự do và tin tưởng vào sự dân chủ", Edwin O. Reischauer, cựu Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản và cũng là một người bạn thân thiết lâu năm với Nhật hoàng cho hay.
Như một minh chứng cho lập trường hòa bình của Akihito, người ta kể rằng Nhật hoàng từng thẳng thừng giáo huấn một người về sự tàn phá của vũ khí hạt nhân khi người này gọi đó là "con quỷ cần thiết".
So với người Đức, Nhật Bản ít nhận trách nhiệm về Thế chiến II hơn. Trước thời Bình Thành, trong khi Đức nhờ sự trợ giúp của các quốc gia châu Âu để viết sách giáo khoa thì Nhật Bản nhìn chung lại phớt lờ khi châu Á phàn nàn về tình trạng tẩy trắng cuộc chiến trong sách giáo khoa của họ.
Trong thời gian trị vì, Nhật hoàng Akihito đã nhiều lần công khai xin lỗi về hành động của Nhật Bản trong Thế chiến II. Ảnh: Getty
Ngay sau khi lên ngôi, Akihito đã chấp nhận xin lỗi vì 35 năm nô dịch mà Nhật Bản áp đặt trên bán đảo Triều Tiên. Năm 1992, ông trở thành vị Nhật hoàng đầu tiên tới thăm Trung Quốc, nơi sự cay đắng về chiến tranh đã khắc sâu, và ông nói, ông cảm thấy "nỗi buồn sâu sắc" về một "giai đoạn không may mà đất nước chúng tôi đã tạo ra khổ đau quá lớn cho người dân Trung Quốc".
Trong những năm sau này, Thiên hoàng Akihito đã công nhận món nợ của Nhật Bản đối với văn hóa Triều Tiên và gốc gác của chính ông – một quan niệm cấm kị ở đất nước vốn lâu nay coi người Triều Tiên là thấp kém. Điều gây tranh cãi nhất là ông đã bày tỏ sự hối tiếc đối với các hành động lạm dụng của Nhật Bản trong chiến tranh ở nước ngoài.
Năm 2005, vợ chồng Nhật hoàng tới đảo Saipan, nơi diễn ra giao tranh đẫm máu trong suốt Thế chiến II, để tưởng niệm những người Nhật Bản, Triều Tiên và Mỹ đã thiệt mạng trong chiến tranh.
Khi được hỏi về quá khứ xâm lược của đất nước, Akihito nói: "Trái tim tôi đau nhói mỗi khi nghĩ tới rất nhiều người dân Nhật và cả người nước ngoài, những người đã mất mạng hoặc chịu nhiều đớn đau trong chiến tranh".
Caron Gluck, sử gia của Đại học Columbia, nhận định: Bằng cách làm cho vai trò của mình "hòa hợp với các cơ quan dân chủ của Nhật Bản", có lẽ Nhật hoàng mong muốn thúc đẩy Nhật Bản tới một tính danh dân chủ mới, rời xa khỏi quá khứ đau thương.
Năm tháng đã trôi qua và người ta phải công nhận: Chỉ Nhật hoàng mới có thể công khai đối mặt với lịch sử như vậy.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko tưởng niệm những người thiệt mạng trong chiến tranh tại Saipan năm 2005. Ảnh: Kyodo
Thiên hoàng Nhật Bản từ lâu vốn đã bị thao túng chính trị. Khi Meiji được "khôi phục" để giữ vai trò Hoàng đế vào năm 1868, ông mới chỉ 15 tuổi, với mái tóc dài chấm vai, hàm răng đen và khoác bộ trang phục truyền thống của Thần đạo.
Để gửi cho thế giới thông điệp rằng Nhật Bản có một hoàng gia theo chế độ quân chủ lập hiến, những nhà lãnh đạo của đất nước đã xây dựng một hình ảnh mới cho Thiên hoàng Meiji: Đặt ông lên lưng ngựa với một thanh kiếm và bộ quân phục.
Cháu trai của Meiji, Thiên hoàng Hirohito cởi bỏ bộ trang phục nhà binh sau chiến tranh nhưng lại trở thành một biểu tượng quen thuộc với những bộ comple rộng và mũ phớt. Về phần mình, Thiên hoàng Akihito thường mặc một bộ comple may chuẩn và trong những dịp đặc biệt thì vận kimono truyền thống.
Thế nhưng, để duy trì vẻ hào nhoáng của hệ thống hoàng gia, ông còn phải làm nhiều việc khác ngoài khoác lên mình những bộ trang phục cầu kỳ. Khảo sát cho thấy phần đông người Nhật có quan điểm tích cực đối với ông nhưng quan điểm ấy không mạnh mẽ bằng cha ông, Hirohito, người được tôn trọng tuyệt đối như "vị thần cuối cùng" của đất nước. Một số trí thức và phe cánh tả còn tỏ thái độ không tôn trọng Akihito. Họ cho rằng ông quá nhún nhường.
Trước thời điểm đăng quang, Akihito hoàn toàn nhận thức được thái độ mâu thuẫn vừa yêu vừa ghét mà người Nhật có đối với ông. Nhiều người coi Thiên hoàng có vai trò không thích đáng, họ kỳ vọng ông phải cư xử kiểu mẫu và duy trì hoàng gia như một nơi lưu giữ văn hóa và truyền thống.
Nhật hoàng hiểu rằng với một lễ đăng quang long trọng, người dân sẽ nhận thấy nỗ lực khôi phục các nghi thức cổ xưa, nỗ lực ghi lại dấu ấn cá nhân và bằng một cách nào đó tìm cho mình một chỗ đứng phù hợp trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21.
Akihito không cô độc trước cơn sóng gió này. Trong suốt 30 năm tại vị, ông được bảo vệ bởi lòng tự hào của người Nhật đối với truyền thống cổ xưa.
"Khi tôi lớn lên, các nhà trí thức và sinh viên đều phê phán văn hóa Nhật, kể cả vương triều", Shinichi Nakazawa, tác giả một số cuốn sách về xã hội Nhật Bản nói, "Ngày nay thì ai cũng bị hấp dẫn bởi hoàng gia. Trong tất cả các cuốn tạp chí và báo, anh không thể tìm thấy một lời nói nặng nề nào nhằm vào hoàng gia đâu".
Thậm chí ,1 cuốn tạp chí dành cho giới trẻ còn cho rằng hoàng gia "đã cứu vớt chúng ta khỏi trở thành quốc gia của những người bán hàng". (quốc gia hình thành từ thương mại chứ không phải từ lãnh thổ hay nhân dân - PV)
Với di sản đen tối của chiến tranh, Akihito đã phải chịu cái bóng của lịch sử theo những cách mà các hoàng gia khác trên thế giới không phải trải qua, nhưng ông đã khéo léo tận dụng sự độc đáo trong văn hóa Nhật Bản – một tính chất của người Nhật mà nhiều người nước ngoài thấy vừa quyến rũ vừa nguy hiểm. Đó là lòng thành kính mà người Nhật hướng về cha mẹ, tổ tiên.
Akihito nhắc cho người Nhật nhớ về sợi dây kết nối mạnh mẽ thần kỳ với lịch sử, cũng như tính chất độc đáo của dân tộc mình. Và ông mãi mãi có một chỗ đứng đặc biệt trong trái tim của họ. Điều này có thể thấy rất rõ ở vẻ xúc động không thể che giấu của hàng trăm nghìn người dân Nhật Bản khi họ tập trung phía trước Hoàng cung vào ngày đầu năm để chờ nghe thông điệp mừng năm mới của Thiên hoàng.
"Trên gương mặt của ông ấy, bạn có thể thấy Nhật hoàng yêu hòa bình", Hideoki Ogawa, một người dân Nhật Bản ở Nagasaki nói, "Ông ấy đại diện cho điều gì đó vừa quý giá vừa mong manh, một thực tế rằng dòng máu của chúng tôi vẫn tiếp tục chảy suốt 2.000 năm trong một con người, rằng chúng tôi là người Nhật và đây là quê hương của chúng tôi. Chối bỏ ông ấy cũng giống như chúng tôi chối bỏ chính mình".