Khi bạn nghe về trí thông minh nhân tạo (AI), nhiều người thường tưởng tượng về một viễn cảnh mà máy tính có thể làm mọi thứ con người chúng ta có thể làm, nhưng với một hiệu suất tốt hơn.
Nhưng dù có hứa hẹn bao nhiêu đi chăng nữa, hãy luôn hiểu rằng công nghệ này cũng có những mặt trái của nó. Đó là việc AI hiện vẫn có khả năng kém hơn con người và nó đang được mã hóa với sự thiên vị của chính con người.
Đầu tiên, hãy định nghĩa về trí tuệ nhân tạo.
Đó là một thuật ngữ để chỉ một tập hợp các khái niệm cho phép các hệ thống máy tính hoạt động một cách mơ hồ, giống như bộ não. Đó có thể là các khái niệm như mạng nơ-ron, một hệ thống toán học có thể phân tích dữ liệu và xác định các mẫu.
Để dễ hiểu hơn, hãy lấy ví dụ rằng nếu bạn chụp hàng nghìn bức ảnh mèo và đưa chúng vào mạng nơ-ron, nó có thể học cách nhận ra các mẫu và xác định hình dáng của một con mèo.
Các mạng nơ-ron đầu tiên đã được xây dựng vào những năm 1950, nhưng trong nhiều thập kỷ, chúng chưa bao giờ thực sự thực hiện được lời hứa của mình. Nhưng mọi thứ đã bắt đầu thay đổi vào khoảng năm 2010.
Trong nhiều thập kỷ, mạng nơ-ron có hai hạn chế đáng kể: không đủ dữ liệu và máy tính không đủ sức mạnh để xử lý. Nhưng Internet đã dần dần cung cấp cho chúng ta hàng đống dữ liệu, và cuối cùng các nhà khoa học cũng tạo ra các cỗ máy có đủ sức mạnh tính toán để xử lý tất cả mọi thứ được đưa vào.
Và, những ý tưởng này dần được hiện thực hóa để thay đổi thế giới công nghệ rất nhiều trong 10 năm qua. Các trợ lý kỹ thuật số như Alexa, Siri hay ô tô không người lái, những con bot biết trò chuyện, hệ thống máy tính có thể làm thơ, hệ thống giám sát và robot có thể tự động lấy hàng trong kho.... đều vận hành dựa vào mạng nơ-ron.
Và dần dần, nhiều người trong chúng ta đôi khi có cảm giác rằng mọi người nói về trí thông minh nhân tạo như thể đó là một liều thuốc ma thuật.
Điều đó không sai bởi tội lỗi ban đầu thuộc về những người tiên phong về AI, đã gọi nó là trí tuệ nhân tạo. Khi nghe đến thuật ngữ này, chúng ta hình dung ra một chiếc máy tính có thể làm bất cứ điều gì mà con người có thể làm.
Nhưng, mọi người không nhận ra rằng thật khó để các dòng code có thể sao chép lý trí của con người và khả năng đối phó với sự không chắc chắn của thế giới này. Xe tự lái có thể nhận biết những gì xung quanh nó - theo một số cách tốt hơn những gì con người có thể làm được - nhưng nó không hoạt động đủ tốt để lái xe tới bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào hoặc làm những gì như bạn và tôi có thể làm, như khi phản ứng với một cái gì đó bất ngờ xảy ra trên đường.
Các mạng nơ-ron và AI cũng có nhược điểm của riêng mình.
Vâng, thậm chí rất nhiều nhược điểm. Vì máy móc sẽ có khả năng tạo ra thông tin sai lệch ở quy mô lớn. Sẽ không có bất kỳ cách nào để phân biệt đâu là thông tin thật và giả ở trên mạng. Nó cũng giống như sự nguy hiểm của vũ khí tự hành.
Và điều đáng sợ nhất là nhiều công ty đã quảng bá các thuật toán AI như một điều không tưởng rằng nó có thể loại bỏ mọi sai sót của con người. Điều đó là không thể. Một số mạng nơ-ron học từ lượng lớn thông tin trôi nổi trên internet, và các thông tin đó được tạo ra bởi con người. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang xây dựng các hệ thống máy tính thể hiện sự thiên vị của chính con người, ví dụ như chống lại phụ nữ và người da màu, hay các đối tượng yếu thế.
Gần đây nhất, một số nhà công nghệ Mỹ bao gồm cả cựu giám đốc điều hành Google, Eric Schmidt, đã nói rằng nếu nước Mỹ không coi trọng AI thì họ sẽ có nguy cơ tụt hậu so với Trung Quốc trong lĩnh vực này. Điều đó nghe có vẻ hợp lý, nhưng lại khiến mọi thứ thêm phức tạp. Schmidt và những người khác đang muốn cố gắng đảm bảo rằng công nghệ AI quan trọng nhất nên được xây dựng bên trong Lầu Năm Góc, chứ không chỉ bên trong các công ty công nghệ khổng lồ như Google.
Và khi lĩnh vực này biến thành một cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc, thì việc đóng cửa "biên giới khoa học" giữa hai bên, sẽ để lại những hậu quả và tổn hại về lâu dài cho tất cả chúng ta.
Tham khảo nytimes