Ai được lợi khi Toyota, Honda ngừng xuất khẩu xe sang Việt Nam sau Nghị định 116?

Lam Thiên |

Lượng xe nhập khẩu trong tình trạng "nhỏ giọt" từ đầu năm 2018 khi các nội dung phi thuế quan trong Nghị định 116 khiến các nhà xuất khẩu ô tô e dè hơn với thị trường Việt Nam. Người tiêu dùng "khát hàng", còn các doanh nghiệp mải miết hơn với những kiến nghị cởi trói.

Chia rẽ vì Nghị định 116

Trước ngày 17/10, thị trường ô tô Việt Nam có vẻ trầm lắng. Hàng loạt hãng xe đua đưa ra các chương trình giảm giá để kích cầu nhưng không mấy tác dụng. Người dân đang chờ đợi đến ngày 1/1/2018, thời điểm chưa đầy 80 ngày nữa, thuế tiêu thụ đặc biệt một số dòng ô tô dung tích nhỏ giảm, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước trong khu vực Asean cũng về mức 0%. Khi đó, nếu xuống tiền, nhiều người sẽ tiết kiệm được một khoản không nhỏ chi phí thuế.

Cả thị trường nín thở, nhưng lại để bùng nổ theo một cách khác.

Nghị định 116 có hiệu lực từ ngày 17/10/2017, siết chặt hơn các quy định về giấy chứng nhận về xuất xứ, kiểu loại được chứng nhận bởi cơ quan nước ngoài, tăng mức độ kiểm tra lô hàng và kiểm soát chặt hơn các nội dung về khí thải và an toàn giao thông theo quy định. Thị trường ô tô và cả giới chuyên gia bất ngờ bị chia rẽ.

Một mặt, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xe liên tiếp thể hiện sự không hài lòng với quy định mới. Các ông lớn như Toyota, Honda nhấn mạnh trên báo chí quốc tế về việc họ sẽ ngừng xuất khẩu xe sang Việt Nam vì chính sách mạnh tay của Chính phủ nước sở tại, "than phiền" chi phí và thời gian cho việc kiểm định lô hàng là quá lớn.

Không lâu sau đó, một trong những nhà sản xuất xe hơi lớn của Asean là Indonesia cũng chia sẻ nỗi lo về việc không thể xuất xe sang Việt Nam bởi những rắc rối liên quan đến nghị định này. Thậm chí, đại diện Bộ Thương Mại nước này còn cho biết sẽ gửi kiến nghị lên WTO trong trường hợp "Việt Nam áp dụng quy định này quá sớm và chưa có thông báo lên Tổ chức thương mại thế giới".

Ai được lợi khi Toyota, Honda ngừng xuất khẩu xe sang Việt Nam sau Nghị định 116? - Ảnh 1.

Nghị định 116 đã gây chia rẽ thị trường trong suốt vài tháng, khi nhu cầu mua xe của người dân trong nước lên cao điểm, nhưng nguồn cung lại hạn chế.

Trong nước, VAMA nhiều lần đưa kiến nghị Chính phủ, yêu cầu sửa đổi lại theo hướng cởi trói cho các doanh nghiệp nhập khẩu. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam sử dụng các biện pháp phi thuế quan để ngăn chặn nhập khẩu xe ô tô, bảo hộ cho nền sản xuất xe trong nước, khi các doanh nghiệp nội đều là những cái tên có tiềm lực là Trường Hải và Vingroup.

"Chính sách này sẽ tác động không tốt đến thị trường xe, đặc biệt từ phía người tiêu dùng. Họ sẽ càng khó mua được xe giá rẻ được nhập từ các thị trường gần gũi vào Việt Nam, dù đã chờ đợi khá lâu để có cơ hội này", TS Thành bày tỏ.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu xe lớn, đặc biệt là các dòng xe sang từ châu Âu, cho rằng họ có thể đáp ứng dễ dàng các điều kiện mà Nghị định 116 nêu ra. Ngay cả Chuyên gia Quang Vinh thậm chí còn cho rằng những quy định mới không quá khắt khe như cách các nhà nhập khẩu nước ngoài than vãn.

"Với mục tiêu kinh doanh dài hạn tại Việt Nam, các hãng xe có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này đều có khả năng xin được loại giấy chứng nhận nói trên, đặc biệt là trong hoàn cảnh Việt Nam là thị trường mới, chưa đòi hỏi quá khắt khe về chất lượng.

Đối với yêu cầu về kiểm định, việc kiểm định ngẫu nhiên một mẫu trong cả lô hàng là điều kiện còn dễ dàng hơn bởi xe lắp ráp trong nước phải kiểm định toàn bộ trước khi xuất xưởng. Và nếu cho rằng xe nhập khẩu đã kiểm định tại nhà máy nước ngoài thì hà cớ gì mà không xin được một giấy cung cấp thông số kỹ thuật như yêu cầu của Nghị định 116?", chuyên gia này chia sẻ.

Thị trường đã có gì?

Những con số thống kê trong năm 2018 cho thấy số lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam giảm mạnh, như một tác động trực tiếp của Nghị định 116 lên các nhà xuất khẩu vào Việt Nam. Những lo lắng ban đầu về việc thiếu nguồn cung xe trong nước rõ dần khi xe nhập khẩu đội giá, khách hàng đặt tiền nhưng không biết đến bao giờ mới nhận được xe.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thiếu nguồn cung xe có thể xảy ra trong ngắn hạn, nhưng sẽ được bù đắp bởi các nhà sản xuất trong nước về dài hạn. Về lý thuyết, kỳ vọng các doanh nghiệp nước ngoài vì "khó" mà chuyển dần việc sản xuất từ các quốc gia Asean về Việt Nam là có, nhưng liệu có đạt được hay không lại là chuyện "không thể nói trước được" - TS Nguyễn Đức Thành thừa nhận.

Trên thực tế, hàng loạt tập đoàn xe nước ngoài như Mitsubishi hay Ford đã bắt đầu mở rộng việc xây dựng các nhà máy ở Việt Nam để trực tiếp cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước. Từ đây, các doanh nghiệp này có đủ điều kiện được hưởng mức thuế ưu đãi 0% cho các linh kiện dùng cho việc lắp ráp xe trong nước theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP mới ban hành, đồng thời nằm ngoài tầm ảnh hưởng của các chính sách phi thuế quan trong tương lai.

Về phía người tiêu dùng, cái khó nhất là vượt qua được điểm khan hàng có thể kéo dài đến vài năm. Sớm nhất là xe lắp ráp Mazda của THACO có thể ra mắt từ cuối tháng 3/2018, trong khi lô sản xuất thương mại sớm nhất của VinFast dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2019. Thời gian cho Mitsubishi và Ford có thể kéo dài tới tận năm 2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại