Ai Cập nhiều lần cố gắng hủy diệt Israel trước khi hòa giải với nhà nước Do Thái

Trung Hiếu |

Chính Ai Cập từng là đối thủ nguy hiểm nhất của Israel, muốn hủy diệt Israel khi quốc gia này mới ra đời. Nhưng giờ đây quan hệ giữa 2 nước lại thân thiện. Hòa bình có được giữa 2 quốc gia này không phải là điều ngẫu nhiên.

Vào ngày 13/9/2021, đương kim Thủ tướng Israel Naftali Bennett có cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi ở Sharm El-Sheikh trên bán đảo Sinai. Đây là lần đầu tiên một thủ tướng Israel được mời công khai đến gặp gỡ trên lãnh thổ Ai Cập trong một thập kỷ qua.

Và sự kiện xảy ra vào thời điểm chưa đầy một tháng nữa là đến lễ tưởng niệm 40 năm vụ ám sát Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat (ngày 6/10/1981). Đây là dịp để nhìn lại quan hệ giữa Israel và Ai Cập, cả trong quá khứ, hiện tại, và tương lai.

Ai Cập nhiều lần cố gắng hủy diệt Israel trước khi hòa giải với nhà nước Do Thái - Ảnh 1.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett (trái) gặp gỡ với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi trên lãnh thổ Ai Cập vào ngày 13/9/2021 trong bầu không khí thân thiện. Ảnh: AP.

Ai Cập từng muốn bóp chết Israel từ trong trứng nước

Khi Israel ra đời vào năm 1948, Ai Cập là đối thủ hàng đầu của nhà nước Do Thái. Trong cuộc Chiến tranh Độc lập của Israel, chính Ai Cập đã cung cấp phần lớn lực lượng tấn công Israel. Và chính Ai Cập, cường quốc Arab vào thời đó, khiến nhiều nhà lãnh đạo Israel phải quan ngại.

Thực sự, Ai Cập đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Zionism) trong cả các năm trước khi xảy ra cuộc Chiến tranh Độc lập của Israel vào năm 1948.

Liên đoàn Arab được công bố sau một hội nghị giữa 7 quốc gia Arab ở Alexandria vào mùa thu năm 1944, với một thỏa thuận được ký vào ngày 22/3/1945, tại Cairo. Abd al-Rahman Azzam - một người Ai Cập, trở thành tổng thư ký đầu tiên của Liên đoàn Arab. Và đến tháng 12/1945, liên đoàn này liền tuyên bố một cuộc tẩy chay kinh tế đối với cộng đồng Do Thái ở vùng đất Palestine do Anh Quốc quản lý lúc đó.

Chiến thắng của Israel trước Ai Cập vào năm 1948 đã không thuyết phục nổi giới lãnh đạo Ai Cập ngừng hành động gây hấn với Israel trong tương lai. Ngược lại, chính thất bại quân sự đó lại dẫn đến việc lật đổ Quốc vương Farouk I và việc Gamal Abdel Nasser lên cầm quyền. Thất bại của Ai Cập trên chiến trường và "thái độ bàng quan" của chế độ quân chủ đã giúp Nasser và Phong trào Sĩ quan Tự do lật đổ nhà vua Farouk vào năm 1952.

Sử dụng cả các đội phá hoại bên trong nội địa Israel

Khi lên cầm quyền, nhà lãnh đạo cứng rắn Nasser tiếp tục tập trung vào việc tấn công nhà nước Do Thái non trẻ. Ai Cập, cũng như nhiều quốc gia Arab khác, từ chối công nhận Israel và chỉ ký một thỏa thuận đình chiến. Sau đó Cairo tiếp tục chiến tranh, huấn luyện và vũ trang cho các fedayeen (chiến binh cảm tử) để họ thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới.

Một đại úy quân đội Ai Cập tên là Mustafa Hafez đã tổ chức lực lượng fedayeen. Hafez và Salah Mustafa - tùy viên quân sự Ai Cập ở Amman (Jordan), đã tuyển và huấn luyện không dưới 6.000 fedayeen - những người này thực hiện đánh bom các tuyến đường sắt, cho nổ tung hệ thống ống dẫn nước và đường sá, phóng hỏa đốt nhà, và giết hại tới 1.000 dân thường Israel trong các năm từ 1951 đến 1955.

Nhà báo Ronen Bergman trong một cuốn sách về tình báo Israel viết rằng "các đội fedayeen đã thành công lớn". Quân đội Israel (IDF) cố gắng tiến hành trả đũa nhưng liên tục thất bại và "vào giữa thập niên 1950, Hafez ở thế thắng".

Trước tình hình đó, vào tháng 6/1953, Thủ tướng Israel David Ben-Gurion thúc đẩy quá trình thành lập một đơn vị biệt kích được đặt tên là Đơn vị 101 nhằm tiến hành các chiến dịch răn đe. Trong lúc đó, các điệp viên tình báo quân sự Israel đã dùng bom thư để đánh trúng cả Hafez và Mustafa. Hoạt động xâm nhập của lực lượng khủng bố vào đất Israel từ đó giảm đáng kể.

Nghiên cứu tên lửa để bắn sang Israel, quốc hữu hóa kênh đào Suez để gây khó cho kinh tế Israel

Đến lúc này, Ai Cập vẫn tiếp tục là đối thủ chính của Israel. Ai Cập lúc đó là nơi tá túc của nhiều tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã và các nhà khoa học của Đệ tam Đế chế. Với nguồn nhân lực đó, Ai Cập miệt mài phát triển các loại tên lửa có khả năng đánh trúng Israel. Mặc kệ Mỹ, Ai Cập cũng bắt đầu tiếp nhận vũ khí từ Liên Xô và đồng minh của Liên Xô. Trung Đông trở thành chiến trường của Chiến tranh Lạnh, với Israel và Ai Cập là các võ sĩ so găng.

Căng thẳng gia tăng. Vào tháng 7/1956, Nasser quyết định quốc hữu hóa kênh đào Suez - điều này đã hối thúc Israel liên kết với Anh và Pháp để tấn công Ai Cập. Chiến dịch quân sự của Israel thành công, nhờ không nhỏ vào 2 thắng lợi tình báo ngoạn mục.

Ngay khi chiến tranh mới bắt đầu, Israel đã bắn hạ được một chiếc máy bay chở phần lớn đội ngũ của Bộ Tổng tham mưu Ai Cập. Và sau khi chiếm được bán đảo Sinai, tình báo Israel tìm thấy một tòa nhà ở thành phố Gaza có chứa "hồ sơ nguyên vẹn về tất cả các phần tử khủng bố người Palestine mà Hafez và người của ông ta đã sử dụng để chống lại Israel trong 5 năm trước khi diễn ra chiến dịch Sinai". Tuy nhiên, dưới áp lực từ phía Mỹ, Israel sau đó buộc phải rút quân

Thế nhưng Ai Cập vẫn tiếp tục hoạt động chống phá Israel và các đồng minh của Mỹ trong khu vực, với sự tham gia của Amin al-Husseini- người sáng lập chủ nghĩa dân tộc Palestine, theo các tài liệu của CIA (Cơ quan tình báo trung ương Mỹ) được giải mật.

Trung Đông hậu khủng hoảng kênh đào Suez tiếp tục bất ổn gia tăng. Dòng họ Hashemite được Mỹ hậu thuẫn ở Iraq đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính đẫm máu vào năm 1958 và Mỹ cảm thấy mình có nghĩa vụ phải gửi quân tới Lebanon vào năm đó.

Tổng thống Ai Cập Nasser tiếp tục theo đuổi chiến tranh chống nhà nước Do Thái và sử dụng vấn đề Palestine làm công cụ. Chính Ai Cập thời Nasser đã thành lập Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) vào năm 1964.

Nasser vẫn không chịu dừng lại sau thất bại của Ai Cập trong cuộc Chiến tranh 6 ngày với Israel. Trước khi qua đời vào năm 1970, Nasser đôn Yasser Arafat lên làm lãnh đạo PLO, đàm phán Thỏa thuận Cairo 1969 theo đó Lebanon được sử dụng làm căn cứ cho PLO, rồi phát động cuộc Chiến tranh Tiêu hao.

Bước ngoặt từ Tổng thống Sadat

Phải đến khi Anwar Sadat lên kế vị Nasser thì Ai Cập mới thay đổi cách tiếp cận chính trị đối với Israel. Sadat đã gửi đi nhiều tín hiệu về việc ông ta sẽ đổi từ phe Liên Xô sang Mỹ. Sadat hiểu rằng thân thiện với Mỹ có nghĩa là phải thay đổi thái độ đối với Israel.

Tổng thống Sadat cùng với Thủ tướng Israel Menachem Begin đã ký Hiệp định Trại David vào năm 1978, công nhận nhà nước Israel.

Động thái này đã phá toang mặt trận Arab thống nhất chống Israel, đồng thời khiến Ai Cập bị ngừng tư cách thành viên Liên đoàn Ai Cập trong 10 năm liền, còn bản thân Sadat sau đó đã bị các phần tử khủng bố Hồi giáo chủ nghĩa sát hại.

Sau đó hòa bình tiếp tục duy trì giữa Ai Cập và Israel bất chấp vụ ám sát Sadat cũng như việc người kế nhiệm là Hosni Mubarak bị hạ bệ vào năm 2011 và tổ chức Anh em Hồi giáo lên nắm quyền trong một thời gian ngắn. Dựa trên lịch sử mà nói thì giống như nhà phân tích Simone Ledeen nhận xét mới đây, tình hữu nghị đó không phải tự nhiên mà có được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại