Giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang diễn ra cuộc đối đầu quân sự căng thẳng ở vùng cao nguyên Doklam từ gần 2 tháng nay. Dù vẫn tham gia đối thoại ở nhiều cấp khác nhau nhưng cả hai bên đều lớn tiếng dọa nạt lẫn nhau.
Việc Trung Quốc tuyên bố cân nhắc hành động quân sự nếu Ấn Độ không rút binh lính ra khỏi Doklam khiến nhiều người lo ngại hai nước có thể đi đến chiến tranh.
Tuy nhiên, khả năng này rất khó xảy ra vì cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có ban lãnh đạo chín chắn. Thế nên, có lẽ sẽ chẳng hại gì khi so sánh khả năng tên lửa đạn đạo của mỗi nước.
Agni – dòng tên lửa bao trọn lãnh thổ Trung Quốc
Dòng tên lửa Agni có 5 loại với các tầm bắn và khả năng tấn công khác nhau. Agni-1 là tên lửa một tầng, nhiên liệu rắn, có tầm bắn 1.250 km còn phiên bản cải tiến Agni-2 là tên lửa hai tầng, có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 2.000 km.
Agni 2, nếu được phóng đi từ một vị trí chiến lược ở Ấn Độ có thể tấn công miền Tây, miền Trung và miền Nam Trung Quốc.
Nhưng đến Agni-4 thì tên lửa này có thể tấn công gần như tất cả mọi địa điểm trên lãnh thổ Trung Quốc, kể cả thủ đô Bắc Kinh nếu như được phóng đi từ Đông Bắc Ấn Độ.
Ngày 2/1/2017, Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo chiến lược Agni-4 có thể mang theo đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 4.000 km. Ảnh: NDTV
Tất cả các tên lửa thuộc dòng Agni đều có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Ngày 19/4/2012, Ấn Độ đã gia nhập câu lạc bộ các quốc gia sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sau khi phóng thử thành công tên lửa tự sản xuất trong nước, Agni-5.
Các chuyên gia quốc phòng quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc nghi ngờ Ấn Độ đã nói giảm tầm bắn của ICBM Agni-5. Ban đầu, Ấn Độ không tiết lộ tầm tấn công chính xác của tên lửa nhưng sau đó Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) nước này đã bóng gió nói rằng Agni-5 có thể phóng tới 5.000 km.
Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc vẫn cho rằng Agni-5 thực sự có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 8.000 km và chính phủ Ấn Độ đã chủ ý giảm bớt khả năng của tên lửa để tránh làm cho các nước khác quan ngại.
Nếu giả thuyết 8.000 km là đúng thì Ấn Độ có thể tấn công toàn bộ Trung Quốc ngay cả khi được phóng đi từ phía Đông Nam Ấn Độ.
Agni-5 nổi bật với công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV), cho phép mỗi tên lửa có thể mang theo từ 2-10 đầu đạn hạt nhân riêng rẽ. Mỗi đầu đạn có thể được chỉ định tấn công từng mục tiêu khác nhau.
Một trong những ưu điểm lớn nhất của dòng tên lửa Agni là tất cả đều sử dụng nhiên liệu rắn, qua đó giúp giảm tối đa thời gian phóng. Nếu được gắn với bệ phóng di động, các tên lửa này có thể được phóng đi chỉ trong vòng vài phút.
Một số tên lửa của Trung Quốc sử dụng nhiên liệu lỏng nên mất nhiều thời gian phóng hơn so với dòng tên lửa dùng nhiên liệu rắn vì cần có thêm nhiều thời gian tiếp nhiên liệu.
Tên lửa Đông Phong mạnh đến đâu?
Đông Phong là dòng tên lửa do Trung Quốc phát triển, gồm các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm gần, tầm trung và liên lục địa. Trung Quốc bắt đầu phát triển Đông Phong vào những năm 1950 với sự trợ giúp từ Liên Xô sau khi hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị, Đồng minh và Tương trợ Trung – Xô năm 1950.
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của Trung Quốc. Ảnh: GlobalSecurity
Đông Phong 1 và Đông Phong 2 là hai loại tên lửa đầu tiên được phát triển thuộc dòng này với tầm bắn tương ứng là 500 km và 1.250 km. Cả hai được đưa vào sử dụng trong những năm 1960 nhưng hiện đã ngừng hoạt động.
Đông Phong 3 hay DF 3 được xem là phiên bản của tên lửa R-14 Chusovaya do Liên Xô chế tạo, có tần bắn 2.500 km nhưng đã không còn được sử dụng và thay thế bằng DF 21.
Đông Phong 4 và 5 cũng đã được Trung Quốc phát triển, trong đó Đông Phong 4 sẽ được thay thế bởi DF-31 và Đông Phong 5 có phiên bản cải tiến hơn là DF-5A, có thể mang theo các đầu đạn hạt nhân bay xa 12.000 km.
Trung Quốc được cho là đã thừa nhận Agni-5 của Ấn Độ tương đương với DF-26 của nước này, loại tên lửa còn có biệt hiệu: "Sát thủ Guam". Với tầm bắn khoảng 3.500 km, tên lửa tầm trung DF-26 có thể tấn công căn cứ của Mỹ trên đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương.
DF-26 là tên lửa 2 tầng, nhiên liệu rắn, có thể mang theo một đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường nặng từ 1.200 – 1.800 kg và có tầm bắn tối đa ước tính trên 5.000 km.
Dù đến nay chưa được DRDO xác nhận nhưng nhiều người phỏng đoán Ấn Độ đang phát triển ICBM tầm xa có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 12.000 km.
Một số cho rằng đó là Agni-6 nhưng số khác lại nói, nó có thể được gọi là Surya. Nhiều khả năng đây sẽ là tên lửa 3 tầng và nếu thông tin này là thực, nó có thể khiến đối thủ của Ấn Độ "lạnh sống lưng".