Cuộc bình chọn này dựa trên lá phiếu của các độc giả. Ở đó, Thái Lan, đội bóng giàu thành tích nhất lịch sử AFF Cup với 5 lần vô địch, đã được xướng tên 4 cầu thủ. Họ đóng góp thủ thành Kawin, người 2 lần đăng quang giải đấu. Ngoài ra còn là hậu vệ trái Bunmathan, tiền vệ Chanathip và tiền đạo Teerasil Dangda.
Có lẽ vì đây là cuộc bầu chọn dựa theo lá phiếu độc giả nên nhiều kết quả tranh cãi đã xuất hiện, khi những ngôi sao trước kia của Thái Lan như Dusit, Woorawut, Thonglao và đặc biệt là Kiatisuk đều không lọt vào đội hình bầu chọn này, dù cho về thành tích thì họ thậm chí còn hơn lứa đàn em của bóng đá xứ Chùa vàng.
Đội hình tiêu biểu trong lịch sử AFF Cup
Trong khi đó, Singapore, đội bóng vô địch 4 lần, góp 3 cái tên là trung vệ Baihakki Khaizan, hậu vệ Daniel Bennett và tiền vệ Hariss Harun. Nếu như Khaizan và Bennett quá xứng đáng bởi họ là bệ phóng trong các chiến dịch chinh phục AFF Cup các năm 2004, 2007, 2012 của bóng đá Singapore thì đàn em Hariss Harun để lại nhiều dấu hỏi.
Lần vô địch 2012 cùng đội tuyển nước nhà, Harun hầu như không đóng góp được gì. Anh dính chấn thương ở trận đấu đầu tiên và ngồi ngoài đến hết giải. Về sau này, Harun là đội trưởng của ĐT Singapore nhưng tầm vóc của anh có lẽ cũng chỉ dừng lại ở phạm vi bóng đá đảo quốc Sư tử.
Chanathip và Dangda đều có tên
Bóng đá Malaysia được góp mặt 2 cái tên là Safiq Rahim và Safee Sali. Đây đều là những lựa chọn xứng đáng bởi cả hai đã gắn liền với thời kỳ huy hoàng nhất của bóng đá Malaysia khi họ vô địch AFF Cup 2010, SEA Games 2009 và sau đó là á quân AFF Cup 2014.
9 vị trí thuộc về Thái Lan, Malaysia và Singapore, trong khi 2 suất còn lại chia đều cho Việt Nam và Indonesia. Có chút tiếc nuối cho ĐT Việt Nam bởi chúng ta vô địch AFF Cup 2 lần, hơn Malaysia, nhưng cũng chỉ có 1 cái tên là Quế Ngọc Hải, bằng với đội tuyển chưa vô địch lần nào là Indonesia.