AEON không bảo vệ cũng hay đấy, nhưng mất đồ thì ai chịu chi phí? Không bạn thì ai vào đây

Kim Thủy |

Những khách hàng trung thực chính là những người gánh tổn thất từ những khách hàng gian dối có thói quen tiện tay xách đồ về quên trả.

Bạn có bao giờ tự hỏi những siêu thị Nhật Bản như AEON tại Việt Nam lại không bao giờ có bảo vệ hay niêm phong túi xách trước khi bạn bước vào? Ở mặt ngược lại, tại các siêu thị nội địa như Fivimart, điều này lại gần như bắt buộc nhằm tránh thất thoát hàng hóa từ những người thích tiện tay "cầm nhầm".

Mỗi siêu thị có sự lựa chọn của riêng mình nhưng nhìn chung, tất cả những hoạt động trên đều đổ cả cho một loại chi phí - tạm gọi là chi phí cho sự trung thực. Và người phải trả cho những chi phí đấy không ai khác là chúng ta, những vị khách đến siêu thị thanh toán đầy đủ.

Trong trường hợp của Fivimart, chi phí cho sự trung thực nằm ở việc phải thuê thêm bảo vệ và dụng cụ niêm phong túi.

Vì khách hàng có xu hướng thiếu trung thực hơn, việc thuê thêm người giám sát sẽ tăng thêm chi phí vận hành cho siêu thị và tất nhiên, những chi phí này đến cuối cùng sẽ đổ vào giá bán sản phẩm ở siêu thị - và khách mua hàng sẽ là người phải chi trả.

Trong trường hợp của AEON, bài toán cũng tương tự. Siêu thị không thuê bảo vệ và niêm phong túi, mặc cho khách hàng thoải mái lựa chọn đồ rõ ràng là hành động "mời gọi" những người thích cầm nhầm, khả năng mất cắp là có thể xảy ra.

Vậy ai sẽ gánh chịu tổn thất từ những hàng hóa bị mất trộm đấy? Có lẽ không phải là siêu thị. Chính những người đi mua hàng chân chính sẽ phải gánh chịu tổn thất này, vẫn thông qua giá sản phẩm.

Tựu chung lại, dù siêu thị chọn cách nào, thì người cuối cùng phải trả tiền vẫn là bạn mà thôi. Sự khác biệt ở đây, nằm ở tính hiệu quả trong khả năng vận hành và quản trị hệ thống giữa 2 bên.

Fivimart thì răn đe, AEON thì mềm mỏng - rất khó để biết được cách quản trị nào tiết kiệm chi phí hơn. Kể cả khi giá bán hàng tại AEON thấp hơn Fivimart đi nữa, cũng không thể khẳng định chi phí cho sự trung thực của siêu thị Nhật thấp hơn siêu thị Việt Nam, đơn giản bởi tiềm lực 2 DN này hoàn toàn khác nhau.

Nếu có xét một yếu tốt vượt trội trong cách làm của AEON so với Fivimart, có lẽ chỉ nên xét về yếu tố "giá trị". Quyết định kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào đều được xây dựng trên 3 trụ cột – chi phí, giá trị và giá cả. Giá trị là mức độ người mua nghĩ rằng những hàng hóa và dịch vụ đó sẽ khiến cuộc sống của họ tốt hơn, so với khi họ không có chúng.

Nói đơn giản hơn các doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn việc đem lại cho khách hàng độ hài lòng cao về dịch vụ, trải nghiệm.

Đây chính là giá trị "Nhật" mà AEON mang lại cho khách hàng, khiến họ hài lòng hơn. Để làm được điều này, AEON cũng phải đầu tư rất nhiều đề đào tạo nhân viên niềm nở, phục vụ khách hàng theo phong cách truyền thống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại